Những sự kiện quan trọng tác động tới nông dân trong năm 2006

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Tuần cuối cùng của năm dương lịch 2006, mục đọc báo điện tử trong nước dành tổng kết những sự kiện quan trọng, tác động tới khu vực nông thôn, nơi sinh sống của 70% dân số Việt Nam.

FarmerRice150.jpg
Khu vực nông thôn, nơi sinh sống của 70% dân số Việt Nam. AFP PHOTO

Cứ 10 người Việt Nam thì có 7 người đang sinh hoạt ở vùng nông thôn, trong kim ngạch gần 6 tỷ đô xuất khẩu nông thuỷ sản năm 2006, có công sức của nông dân những người trực tiếp làm lúa, nuôi tôm nuôi cá, người trồng cà phê, những công nhân chế biến thuỷ sản.

Một năm qua đi, nếu phân định gía trị cuộc sống bằng những con số, sẽ có thể ngộ nhận người dân nông thôn nay đã sung túc. Bởi vì chính từ những vụ mùa của họ mà năm 2006 có được 4 triệu 700 ngàn tấn gạo xuất khẩu, trị giá hơn 1 tỷ 300 triệu đô la.

Khủng hoảng lúa gạo

Thế nhưng suốt năm 2006, chỉ riêng trên lãnh vực lúa gạo, báo chí liên tục đưa lên mạng những thông tin về dịch bệnh rầy nâu, vàng lùn lùn xoắn lá gây mất mùa làm giảm sản lượng 900 ngàn tấn lúa trải dài từ vụ Hè Thu qua vụ ba và vụ lúa mùa. Để có được lượng gạo xuất khẩu 4 triệu 700 ngàn tấn, thì lượng gạo cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân bị thiếu hụt.

Lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua, vựa lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu gạo. Cuối tháng 11/2006, theo Vietnam Net chính phủ quyết định cho nhập khẩu gạo Căm Pu Chia qua biên giới tây nam và không đánh thuế. Việt Nam từ nước xuất khẩu gạo nhiều thứ nhì toàn thế giới nay phải khẩn cấp nhập khẩu gạo cho dân ăn. Chúng tôi xin minh hoạ thực tế vừa nói qua tâm sự của một lão nông vùng đồng bằng sông Cửu Long:

“Xuất khẩu thì không có, nếu có thì thiếu gạo ăn. Gạo Miên đưa về lúa có gạo có, gạo Khađắpmêđi. Lúa sóc Miên họ cấy và dùng phân chuồng, năng suất thấp nhưng ngon, giá lại rẻ.”

Xuất khẩu thì không có, nếu có thì thiếu gạo ăn. Gạo Miên đưa về lúa có gạo có, gạo Khađắpmêđi. Lúa sóc Miên họ cấy và dùng phân chuồng, năng suất thấp nhưng ngon, giá lại rẻ.

Lên mạng, truy cập vào những trang tin cũ, Thanh Niên Online ngày 6/11 đưa tin giá lúa gạo tăng chưa từng thấy vì dịch rầy nâu. Giá lúa ở mức kỷ lục từ 2.800 tới 3.200 có lúc 3.400 nhất là lúa cũ chất lượng tốt, tuy nhiên nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đâu còn gạo để bán.

Giá gạo thành phẩm cũng vậy, tuần lễ đầu tháng 11/2006 tại chợ Xuân Khánh quận Ninh Kiều Cần Thơ giá gạo tăng trung bình 2 ngàn một kg, loại gạo thường nhất cho giới bình dân là trắng tép cũng 5 ngàn rưỡi một kí. Thơm Mỹ Nữ, Tài Nguyên gần 7 ngàn còn thơm Lài Thái Lan tới 9 ngàn 1kg. Không gì xác thực hơn là nghe thông tin từ chính người dân địa phương: "Năm nay không cho làm vụ ba nên thiếu lúa giá vọt lên dữ lắm. Dân nghèo không đủ ăn."

Ngày 13/11, tất cả các báo điện tử báo in ở Việt Nam đều loan tin thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu dừng ngay hoạt động xuất khẩu gạo. Lúc ấy chỉ có những lô hàng mà tàu cặp cảng trước ngày 12/11 mới được thực hiện giao hàng.

Mấy tuần lễ sau đó, chính phủ cho phép giao hàng hai đợt tổng cộng 160 ngàn tấn, cho những hợp đồng đã ký trước thời điểm 12/11. Thủ tướng còn chỉ đạo Bộ Tài Chính xuất bán lương thực dự trữ quốc gia để ổn định giá cả thị trường.

Nguyên nhân

Có thể nói năm 2006 ở Việt Nam đã xảy ra một cuộc khủng hoảng lúa gạo. Nguyên nhân là vì dịch rầy nâu và vàng lùn-lùn xoắn lá xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh đông nam bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh hưởng của nó làm đời sống nông dân càng thêm khó khăn, nhất là những người trông đợi thêm thu nhập ở vụ lúa thứ ba trong năm. Điều này được tiến sĩ Lê Văn Bảnh, phó viện trưởng viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long giải thích:

“Chúng tôi khuyến cáo cắt vụ, bỏ bớt vụ ba. Người dân làm liên hoàn liên tục do đó gây ra mầm bệnh. Như vậy nên cắt vụ luân canh.”

Hoạt động xuất khẩu gạo năm 2006 đã kết thúc, nhưng cuộc khủng hoảng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn đó. Trên 1 triệu rưởi hécta vụ Đông Xuân đã ghi nhận nhiễm rầy nâu khoảng hơn 60 ngàn hécta, trong đó có 10 ngàn hécta bị nhiễm bệnh Vàng lùn-lùn xoắn lá. Khi nào ngăn chặn được rầy nâu và dịch vàng lùn lùn xoắn lá, là một câu hỏi không có câu trả lời dứt khoát.

Ngày 26/12 Tờ Nhân Dân điện tử đưa tin, vụ Đông Xuân sắp tới dự kiến thu hoạch ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ chỉ đạt 8 triệu tấn lúa giảm 1 triệu tấn so với những năm trước. Và dù vậy Bộ Thương Mại đã chính thức đặt kế hoạch xuất khẩu gạo 2007 khoảng 4 triệu tấn, giảm khoảng 1 triệu tấn so với chỉ tiêu năm 2006.

Ngành cà phê thắng lớn

CoffeeMilling200.jpg
Cửa hàng bán hạt cà phê ở Hà Nội hôm 22-2-2000. AFP PHOTO

Nếu dịch rầy nâu vàng lùn lùn xoắn lá gây ra là cuộc khủng hoảng lúa gạo, thì năm 2006 người trồng cà phê Việt Nam lại thắng lớn. Xuất khẩu cà phê robusta của Việt Nam 2006 đạt 1 tỷ 100 triệu đô la. Hơn nữa niên vụ 2006-2007 đang bước vào mùa thu hoạch, được dự báo sẽ là một vụ mùa bội thu, sản lượng tăng 30% dự kiến khoảng 17 tới 18 triệu bao tương đương hơn 1 triệu tấn.

Cà phê Việt Nam đang thuận lợi nhờ Brazil nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới bị mất mùa, nhờ vậy giá cả trên thị trường thế giới luôn ở mức cao hiếm thấy. Giá mua cà phê nhân của nông dân cũng nhờ vậy cũng được đẩy lên khá cao vào thời điểm cúôi tháng 11 /2006:

“Giữ được giá 22.700đ này nông dân mừng lắm, tăng hơn các năm trước nhiều. Trừ chi phí phân tro có thể lời một nửa.”

Một sự kiện quan trọng là Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO và tư cách thành viên sẽ có hiệu lực trong tháng Giêng 2007. Nhiều chuyên gia cảnh báo về ảnh hưởng tiêu cực trên lãnh vực nông nghiệp.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nông dân Việt Nam đã quá nghèo rồi làm sao còn có thể nghèo hơn nữa, có chăng là họ sẽ không được hưởng lợi, hay chỉ nhận được rất ít từ thành quả của hội nhập mang lại cho người dân Việt Nam.

Xuất khẩu tôm có cơ nguy mất thị trường

12 tháng của năm 2006 cũng là mùa bội thu của thuỷ sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng đạt 3 tỷ 360 triệu đô la. Tuy nhiên mùa vàng của tôm cá Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ mất thị trường năm 2007.

Nhật Bản là thị trường chi phối gần một phần ba giá trị xuất khẩu của toàn ngành thuỷ sản Việt Nam. Nhưng đây là một thị trường khó tính, và câu chuyện con tôm Việt Nam xuất sang Nhật bị phát hiện dư lượng kháng sinh độc hại đang đe doạ cấm cửa các nhà xuất khẩu Việt Nam. Mỗi năm riêng mặt hàng tôm Việt Nam bán qua Nhật trị giá khoảng 500 triệu đô la.

Sau nhiều tháng cảnh báo và gia tăng mức độ kiểm tra. Những ngày cuối tháng 12 này, sau khi đã áp dụng với mặt hàng mực, phía Nhật Bản đã quyết định kiểm tra 100% các lô hàng tôm xuất xứ Việt Nam kể cả sản phẩm sơ chế không phân biệt tôm nuôi hay tôm đánh bắt tự nhiên. Tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam ngày 28/12 cảnh báo khả năng tôm và mực xuất xứ Việt Nam bị cấm nhập khẩu vào Nhật Bản.

Giới chức ngành thuỷ sản Việt Nam cho biết đã áp dụng biện pháp mạnh, như kiểm tra bắt buộc khoảng 2/3 đầu mối xuất khẩu thuỷ sản đi Nhật. Tuy nhiên việc kiểm tra từ đầu nguồn chỉ có thể áp dụng với các trại nuôi công nghiệp mà thôi, trong khi người dân nuôi tôm cá rải rác trên diện tích nuôi trồng 1 triệu hécta từ bắc chí nam.

Ngày xưa người ta nói là người giàu nuôi cá người khá nuôi heo người nghèo thì chăn vịt. Bây giờ chính những người nuôi trồng đã nói là người thật giàu thì mới có khả năng nuôi cá, người kinh tế khá mới có khả năng nuôi heo, còn anh nghèo chỉ có thể đuổi vịt, nghèo ở đây bao gồm cả vốn lẫn kiến thức.

Sự ảnh hưởng của hội nhập qua xuất khẩu thuỷ sản có thể thấy rõ là trong tương lai những người nuôi tôm cá nhỏ lẻ tại các ao nuôi nửa hécta hay 1 hécta sẽ bị xoá sổ. Như nhận định của ông Nguyễn Tử Cương, Cục Trưởng Cục Quản Lý Vệ Sinh An Toàn và Thú Y Thuỷ Sản:

“Ngày xưa người ta nói là người giàu nuôi cá người khá nuôi heo người nghèo thì chăn vịt. Bây giờ chính những người nuôi trồng đã nói là người thật giàu thì mới có khả năng nuôi cá, người kinh tế khá mới có khả năng nuôi heo, còn anh nghèo chỉ có thể đuổi vịt, nghèo ở đây bao gồm cả vốn lẫn kiến thức.

Điều đó để nói lên rằng muốn phát triển thuỷ sản bền vững, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường không bị suy thoái, sản phẩm an toàn thực phẩm và nâng cao đời sống người nuôi. Nếu muốn phát triển nuôi bán thâm canh và thâm canh, thì chắc chắn rằng chỉ có những người có tiềm lực kinh tế và có kiến thức thì mới có thể làm được điều này.

Dịch cúm gia cầm tái phát

Tháng cuối năm dương lịch 2006 còn xảy ra một biến cố nữa cho nông dân Việt Nam, đó là dịch cúm gia cầm H5N1 tái bùng phát ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sau một năm im ắng. Phó Cục Trưởng Thú Y Hoàng Văn Năm cảnh báo nguy cơ dịch cúm lan rộng trên toàn quốc:

“Điều chúng tôi lo là mầm bệnh vẫn tiềm ẩn ở những tỉnh khác và vi rút lưu hành trong đàn thuỷ cầm, sau nữa là vấn đề chim di trú đưa mầm bệnh đến.

Hơn nữa với sự kiện ở miền bắc trời lạnh, miền nam nhiệt độ gỉam ban ngày ban đêm lạnh , đây là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm nhân lên và phát tán. Chính vì vậy nguy cơ phát ra ở các tỉnh khác chúng tôi cho là rất cao.”

Cho đến ngày 29/12/2006, dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở một số địa phương thuộc các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Hậu Giang. Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Phòng Chống Dịch Cúm Gia Cầm đã ban hành nhiều biện pháp phòng chống như thời kỳ đại dịch năm 2004-2005.