Dự án khí sinh học tại Việt Nam được mở rộng ra sao?

Tại Việt Nam kể từ năm 2003, một dự án khí sinh học lớn đã được triển khai. Dự án giúp mang lại cho Việt Nam một số giải thưởng quốc tế có tiếng.

0:00 / 0:00

Dự án trên đã giúp tận dụng được chất thải để tạo ra khí sinh học phục vụ đời sống, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường. Một dự án hữu ích như dự án khí sinh học biogas như thế được mở rộng ra sao?

Tận dụng chất thải

Một hầm được xây dựng theo đúng qui cách để chứa các chất thải như phân heo, phân bò, rác thải hữu cơ… từ đó qua quá trình phân huỷ, lên men tạo ra khí chứa methane và khí carbonic. Khí này có thể thu lại để làm nhiên liệu, và cùng với những thiết bị phụ trợ, khí đó đuợc dẫn đến bếp lò hay máy phát điện để đáp ứng nhu cầu đun nấu, chiếu sáng … của con người. Khí này được gọi là khí sinh học.

Chủ yếu xây hầm biogas để quản lý chất thải, vật nuôi, làm sạch môi trường cho hộ chăn nuôi. Từ phân, rác thải chăn nuôi dưới hầm cho lên men, sinh khí để người dân sử dụng để đun nấu, thắp sáng.

Ô. Hoàng Kim Giao

Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam là tên gọi của dự án lớn được ứng dụng tại nhiều địa phương Việt Nam từ năm 2003 đến nay.

Lợi ích sinh ra từ dự án đó được những người trong cuộc nhắc lại sau đây. Trước hết ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam, hiện phụ trách chương trình từ phiá Việt Nam cho biết:

“Chủ yếu xây hầm biogas để quản lý chất thải, vật nuôi, làm sạch môi trường cho hộ chăn nuôi. Từ phân, rác thải chăn nuôi dưới hầm cho lên men, sinh khí để người dân sử dụng để đun nấu, thắp sáng. Người dân sẽ giảm phá rừng đi. Khi có hầm biogas người dân cũng đỡ thời gian hơn. Khi môi trường sạch hơn thì ít mầm gây bệnh. Khi có những hầm lớn có thể phát điện nhiều thì có thể góp phần vào tình hình thiếu điện hiện nay.”

Một phụ nữ tại ấp Trà Chưa, xã Thái An, huyện Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh, trình bày những ứng dụng mà gia đình bà thực hiện cũng như hiệu quả của hầm khí sinh học mà gia đình bà xây ra từ tám năm qua:

Bộ trưởng Bộ Hợp tác Phát triển Hà Lan thăm nhà một nông dân tại Huế sử dụng khí sinh học để nấu bếp, ảnh chụp năm 2006. Photo courtesy of biogas.org.vn
Bộ trưởng Bộ Hợp tác Phát triển Hà Lan thăm nhà một nông dân tại Huế sử dụng khí sinh học để nấu bếp, ảnh chụp năm 2006. Photo courtesy of biogas.org.vn

“Hầm xài tám chín năm nay rồi vẫn còn tốt. Nuôi chừng hai ba chục con heo cũng đủ cho hầm. Ngoài khí để đun nấu, phần còn lại có thể bón cho cây.”

Ông Trương Gặp, một chuyên gia về khí sinh học thuộc Trung Tâm ứng dụng Năng lượng Mới tại thành phố Đà Nẵng cũng nói về những công dụng của một hầm khí sinh học như sau:

“Khí sinh học trên thế giới người ta cũng phát triển mạnh, tiến triển tốt.Lý do thiếu hụt năng lượng. Ngoài ra còn do tình trạng biến đổi năng lượng toàn cầu do khí metan và CFC làm thủng tầng Ozone.”

Hoạt động triển khai chương trình khí sinh học của Việt Nam trong thời gian qua ra sao? Ông Hoàng Kim Giao có đánh giá:

Chương trình tôi làm đến nay có tính khả thi hơn chút thôi, chứ chưa mạnh lắm. Lý do là vì vấn đề kinh phí. Việt Nam là quốc gia nghèo nên chỉ trông chờ kinh phí nước ngoài giúp.

Ô. Trương Gặp

“Chương trình đến nay xây dựng được chừng 80 ngàn hầm rồi, kế hoạch năm nay xây dựng chừng 30 ngàn hầm nữa.Chúng tôi đào tạo đội ngũ thợ xây chuyên nghiệp để duy trì công tác xây dựng. Trong quá trình xây dựng, còn kết hợp tuyên truyền để người dân tham gia. Hiện đăng ký tham gia dự án có 37 trên 45 tỉnh thành. Những tỉnh có chăn nuôi nhiều làm mạnh hơn như ở Hà Nội, Hà Tây, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa… Khi xây dựng xong còn có công tác quản lý để khỏi bỏ không sau khi xây dựng.”

Thiếu kinh phí mở rộng

Tuy vậy, chương trình có thể được phổ biến nhanh chóng đến cho nhiều hộ gia đình tại nhiều vùng, miền tại Việt Nam hay chưa? Ông Trương Gặp, chuyên gia tại Trung tâm Ứng dụng Năng lượng Mới cho biết một số khó khăn trong mở rộng chương trình xây dựng hầm khí biogas tại Việt Nam như sau:

“Chương trình tôi làm đến nay có tính khả thi hơn chút thôi, chứ chưa mạnh lắm. Lý do là vì vấn đề kinh phí. Việt Nam là quốc gia nghèo nên chỉ trông chờ kinh phí nước ngoài giúp cho chứ phần nhà nuớc bỏ ra còn ít. Các chương trình của chúng tôi đều cố xin cho được thêm bao nhiêu tốt bấy nhiêu…”

Người phụ nữ nhà có hầm khí biogas cả tám năm nay kể chuyện người quen tại địa phương bà biết về loại năng lượng này và mong muốn áp dụng ra sao?

Xây dựng công trình khí sinh học quy mô nhỏ tại một hộ dân ở Huế. Photo courtesy of biogas.org.vn
Xây dựng công trình khí sinh học quy mô nhỏ tại một hộ dân ở Huế. Photo courtesy of biogas.org.vn

“Gia đình tôi làm đầu tiên nên cũng có hỗ trợ còn bây giờ người nào làm phải tự túc thôi.”

Xin được nhắc lại Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam là hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổ chức Phát triển Hà Lan, SNV.

Mục tiêu của chương trình là đến hết năm 2012 sẽ có 166 ngàn công trình khí sinh học được xây dựng. Thống kê đến tháng 7 năm nay, đã có 88 ngàn hầm đưa vào sử dụng, và số người hưởng lợi tổng cộng 440 ngàn người.

Vaò năm 2006, chương trình vừa nói được trao giải thưởng Năng lượng Toàn cầu- Energy Globe Award, và trong năm nay, chương trình nhận được giải thưởng Ashden của Anh nhờ vào đóng góp trong lĩnh vực năng lượng bền vững tại địa phương.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới, cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự: