Báo động tình trạng ô nhiễm hồ Ba Bể

Gần đây dư luận xôn xao về tình hình Hồ Ba Bể tại tỉnh Bắc Kạn bị xâm hại nghiêm trọng và có nguy cơ không còn là một cảnh đẹp đặc biệt của Việt Nam, cũng như là một trong những hồ nước ngọt lớn trên thế giới nữa.

0:00 / 0:00

Vậy thực tế ra sao? Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này. Mời quí vị theo dõi.

Tùy tiện san lấp, đổ rác

Tình hình phát triển công nghiệp và dân số mỗi lúc một tăng khiến cho môi trường thiên nhiên bị xâm hại không phải là điều mới mẻ, nhất là đối với những đất nước đang phát triển như Việt Nam.

Biết bao hồ nước, dòng sông, khu rừng bị san lấp để lấy đất canh tác, làm nhà cửa để ở, xây dựng công trình…

Và nay dường như đến lượt một danh thắng như Hồ Ba bể cũng không còn là biệt lệ nữa. Từ hồi tháng tư vừa qua những người lâu nay thuộc nhóm được gọi là Hội Những Người Yêu Ba Bể lên tiếng báo động về tình trạng hồ bị bồi lắng bởi đất cát, rác thải… việc san lấp xâm hại từ phía dân sống quanh hồ, và những cơ sở khai thác quặng mỏ quanh hồ.

Cách đây hai ba chục năm khi chúng tôi đến Hồ Ba Bể thì đó là một hồ rất rộng, rất đẹp. thế nhưng nay hồ đó đang bị bồi lấp chung quanh với tốc độ rất nhanh.

GS Chu Hảo

Giáo sư Chu Hảo, thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, và cũng là một thành viên của Hội những người Yêu Ba Bể, trình bày về tình trạng của hồ sau chuyến đi thực địa gần đây trở về:

“Chúng tôi đã đến đó và hết sức lo ngại rằng Hồ Ba Bể, một trong những hồ tự nhiên đẹp nhất Việt Nam rơi vào tình trạng ngày càng nguy hiểm trở thành một hồ cạn, với tốc độ bồi lấp rất nhanh như hiện nay. Cách đây hai ba chục năm khi chúng tôi đến Hồ Ba Bể thì đó là một hồ rất rộng, rất đẹp. thế nhưng nay hồ đó đang bị bồi lấp chung quanh với tốc độ rất nhanh. Với tốc độ này, chúng tôi nghĩ rằng, vài ba chục năm nữa có khi đây sẽ là một hồ cạn, sẽ là những thửa ruộng, cánh đồng mà người dân chung quanh có thể canh tác trên đó.

gallery_45896_18_155921-250.jpg
Hồ Ba Bể trước đây. Photo courtesy of khoahocviet.

Một số bạn của chúng tôi từng sống ở đó cách đây mấy chục năm nói rằng hồi đó họ có thể đi thuyền đến tận chân núi, mà nay chỉ có thể đến cách vài cây số. Quanh hồ là một rừng đầu nguồn, nhưng nay bị tàn phá. Nếu rừng không được bảo vệ thì hồ sẽ chết theo. Quanh hồ có những mỏ kim loại bị khai thác một cách mạnh mẽ, trong khi không có biện pháp bảo vệ môi trường. Cách thức khai thác không theo như đăng ký.”

Chính quyền thanh minh

Tuy nhiên một cán bộ tại Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Bắc Kạn, nơi có Hồ Ba bể thì lại có ý kiến:

“Tình hình có nhiều vấn đề lắm, không phải vậy đâu. Mỏ mới hoạt động nước thải không ra đến hồ làm sao gây ô nhiễm được, họ có thải ra sông đâu.”

Đài truyền hình Việt Nam VTV1 hồi ngày 12 tháng 5 vừa qua trình chiếu một phóng sự về tình hình ô nhiễm tại Hồ Ba Bể. Tuy nhiên sau đó Hội Những người yêu Ba bể đã có văn bản phản đối cho rằng phóng sự đó đưa tin không đúng sự thật và cố tình che dấu tình trạng xả thải tại mỏ sắt Pù Ổ bên Hồ Ba Bể.

Một trong những cách là vận động những hội, cơ quan nghề nghiệp bảo vệ môi trường nghiên cứu một cách sâu sắc hơn nữa, có những dẫn chứng chứng minh một cách rõ rang

GS Chu Hảo

Chủ tịch Hội Những người Yêu Ba Bể, ông Dương Thuấn, cho biết có lấy mẫu nước tại khu vực mỏ sắt Pù Ổ thải ra Hồ Ba Bể, đưa về Viện Hóa học các Hợp chất Thiên nhiên của Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam phân tích. Kết quả cho thấy trong 100 mgl lượng chất độc nguy hiểu gây bệnh đường tiêu hóa cao gấp bình thường đến 11 ngàn lần, các chất thải rắn gây nên bồi lắng cao hơn 6.500 lần, chất gây oxy hóa vàng nước cao gấp 222 lần…

Giáo sư Chu Hảo đưa ra ý kiến về phóng sự được VTV1 trình chiếu hồi ngày 12 tháng năm, và ông cho rằng đó là phản hồi từ phía cơ quan chức năng.

“Đó là một trả lời của cơ quan chức năng mang tính thanh minh. Theo chúng tôi trả lời đó không có cơ sở khoa học, không có ý kiến rộng rãi, không công bằng. Đó chưa phải là một trả lời toàn diện, minh bạch của những cơ quan bảo vệ tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên mà đã tồn tại hằng ngàn năm nay ở Việt Nam.”

Giải pháp?

Vậy biện pháp đối với tình trạng mà những người quan tâm đến Hồ Ba Bể cho là nghiêm trọng có thể làm mất đi một hồ nước ngọt quí giá đó của Việt Nam ra sao?
Giáo sư Chu Hảo đưa ra những đề xuất:

clip_image013_200.jpg
Xả thẳng nước bẩn ra Hồ Ba Bể. Photo courtesy of vnmedia.

“Tôi tham gia công việc này như là thành viên của Hội Những người Yêu Ba Bể, chứ không phải với tư cách một người quản lý. Hội Những Người yêu Ba bể sẽ tiếp tục vận động ý kiến rộng rãi của nhân dân, xã hội, những cơ quan liên quan.

Một trong những cách là vận động những hội, cơ quan nghề nghiệp bảo vệ môi trường nghiên cứu một cách sâu sắc hơn nữa, có những dẫn chứng chứng minh một cách rõ ràng hơn nữa việc tàn phá khu rừng chung quanh Hồ Ba Bể, việc khai thác những mỏ kim loại quanh đó sẽ có hại trực tiếp đến công tác bảo vệ Hồ Ba Bể. Những nghiên cứu đó phải được công bố ra cho công luận, và mặt khác gửi cho chính quyền các cấp.

Nghiên cứu kỹ nguyên nhân và vận động các cơ quan chính quyền điạ phương, và Bộ Tài nguyen - Môi trường có những biện pháp cụ thể để bảo vệ Hồ Ba Bể.”

Xin được nhắc lại Hồ Ba Bể là một trong 10 hồ nước ngọt có trữ lượng lớn nhất thế giới. Hồ có bề mặt rộng hơn 500 hécta, nơi dài nhất đo được hơn 8 kilômét, độ sâu trung bình là từ 20 đến 35 mét, dung tích 90 triệu mét khối nước.

Hồ Ba Bề có ba hồ nối liền nhau, và là trung tâm của Vườn Quốc gia ba bể. Hồ đang được UNESCO xem xét công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Một trong những người từng lên tiếng về các vấn đề môi trường, đất đai tại Việt Nam là giáo sư Đặng Hùng Võ, phát biểu công khai trên báo chí là ‘Người ta đang đánh đổi những gì quí báu nhất để lấy những thứ vớ vẩn’.

Đây không phải là một lời cảnh báo mới mẻ gì; thế nhưng vẫn còn rất nhiều người vì cái lợi trước mắt mà quên đi bao tác hại lâu dài.

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự: