Tin tức đáng chú ý về môi trường trên toàn thế giới vào đầu tháng 9 vừa qua là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng hàng đầu trên thế giới, đồng thuận phê chuẩn thỏa thuận Paris mà 180 quốc gia ký vào cuối năm ngoái về giảm phát thải.
‘Bước ngoặt’
Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Ban Ki-moon, nhận văn bản phê chuẩn thỏa thuận Paris từ hai vị nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc khi cả ba đang có mặt tại thành phố Hàng Châu của Trung Quốc tham dự thượng đỉnh G20.
Nhân dịp này tổng thống Barack Obama phát biểu cho rằng thỏa thuận về biến đổi khí hậu cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính không để hành tinh Trái Đất nóng lên quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này chứng tỏ là một bước ngoặt. Đây là thời khắc mà cuối cùng thì hai nước quyết định phải cứu lấy hành tinh mà con người đang sinh sống.
Theo người đứng đầu Nhà Trắng thì thỏa thuận về biến đổi khí hậu đạt được tại hội nghị ở Paris vào tháng 12 năm 2015 giúp định hình thế kỷ này một cách ngoạn mục hơn bất kỳ thách thức nào khác.
Thỏa thuận Cop- 21 ở Paris thì Việt Nam đã được phê chuẩn rồi. Đến năm 2025 nếu có sự giúp đỡ của quốc tế thì mức giảm của Việt Nam sẽ cao hơn.<br/>-TS Lê Anh Tuấn
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lên tiếng cho rằng Trung Quốc nghiêm túc cam kết thực thi thỏa thuận sau khi quốc hội Hoa Lục phê chuẩn thỏa thuận Paris cũng trong ngày 3 tháng 9. Chủ tịch họ Tập bày tỏ hy vọng quyết định phê chuẩn thỏa thuận Paris của Bắc Kinh và Washiongton sẽ khuyến khích những quốc gia khác có nổ lực tương tự.
Chỉ riêng hai cường quốc Mỹ, Trung đã chiếm đến chừng 38% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.
Tám tháng sau khi 180 trên 195 quốc gia ký kết thỏa thuận Paris áp lực buộc phải thực thi bằng hành động mỗi lúc một gia tăng. Thỏa thuận Paris chỉ có hiệu lựu khi đạt được số 55 quốc gia chịu trách nhiệm phát ra 55% khí thải gây hiệu ứng nhà kính phê chuẩn.
Tính đến đầu tháng 9 và sau khi hai cường quốc có mức phát thải lớn nhất thế giới- Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng thống nhất phê chuẩn thỏa thuận Paris, tổng cộng có 24 nước tham gia ký kết đã phê chuẩn thỏa thuận về khí hậu này.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon bày tỏ lạc quan là thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực trước cuối năm nay. Sắp đến vào ngày 21 tháng 9 khi diễn ra kỳ họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, tổng thư lý Ban Ki-moon sẽ tiếp tục thúc giục các quốc gia còn lại phê chuẩn.
Ông Brian Deese, cố vấn cao cấp của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, cho rằng tuyên bố chung Mỹ- Trung về việc phê chuẩn thỏa thuận hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như vừa nêu sẽ thúc đẩy các quốc gia khác chính thức phê chuẩn thỏa thuận Paris.
Dự kiến trong năm nay, Ấn Độ cũng sẽ tham gia phê chuẩn thỏa thuận Paris. Bên lề thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ gặp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để bàn về vấn đề này.
Tại thượng đỉnh G20 ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc có các nguyên thủ đại diện cho số nước phát ra chừng 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Những quốc gia đó chiếm đến 85% tổng sản phẩm nội địa toàn thế giới.
Hai vị nguyên thủ Mỹ- Trung còn cam kết trong năm nay sẽ hợp tác với nhau trong hai thỏa thuận về môi trường khác nữa. Đó là sửa đổi cho Nghị định thư Montreal đi đến giảm những chất làm lạnh trong điều hòa và biện pháp thị trường giảm phát thải khí carbon trong ngành hàng không.
Việt Nam và thỏa ước Paris
Việt Nam cũng là nước tham gia ký kết thỏa thuận Paris. Tác động của biến đổi khí hậu được cho là sẽ nặng nề đối với một quốc gia ven biển như Việt Nam khi mực nước tăng lên.
Chuyên gia về biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuộc Đại học Cần Thơ, cho biết thông tin liên quan của Việt Nam trong lĩnh vực này:
“Thỏa thuận Cop- 21 ở Paris thì Việt Nam đã được phê chuẩn rồi. Đến năm 2025 nếu có sự giúp đỡ của quốc tế thì mức giảm của Việt Nam sẽ cao hơn.
Chúng tôi thực hiện những giải pháp mang tính tổng hợp tức một mặt tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở trong tương lai theo những kịch bản khác nhau. Vấn đề này tùy theo mức độ người dân hiểu đến đâu. Đối với các chính quyền địa phương chúng tôi cũng mở ra những lớp tập huấn về vấn đề này.
Chúng tôi cũng xuất bản những tài liệu để phân phát cho người dân và cán bộ địa phương.
Mặt khác chúng tôi khuyến khích những mô hình canh tác phù hợp với biến đổi khí hậu. Ví dụ chọn những giống cây trồng có khả năng chống chịu tốt hơn; hoặc chọn những giống lúa chịu hạn, chịu mặn tốt hơn. Hiện nay Đại học Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long đang làm vấn đề này.
Chúng tôi cũng khuyến khích các tổ chức quốc tế và những NGOs ( tổ chức phi chính phủ) đi tìm hiểu những cách thích ứng trong người dân. Nếu có những cách thức nào chưa hoàn thiện thì giúp cho họ.
Song sing đó chúng tôi cũng làm những việc lớn hơn như kêu gọi bảo vệ rừng ngập mặn, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiện năng lượng… Những việc này thực ra chưa phải lớn lắm mà còn rải rác tùy vào nhân sự, nhân lực của các vùng đó.
Chúng tôi hy vọng trong vòng một hai năm nữa sẽ tổ chức hội nghị để đánh giá mô hình canh tác, mô hình sản xuất và các kiểu ứng phó khí hậu của các nơi. Vừa rồi chúng tôi cũng có cho nông dân vùng này, vùng khác giao lưu với nhau.”
Cam kết của chính phủ Việt Nam là từ nay đến năm 2030 cố gắng giảm mức phát thải chừng 8%. Tôi nghĩ đối với Việt Nam thì chuyện giảm phát thải hay hoạt động kiểm soát chất gây hiệu ứng nhà kính thì có đề cập đến các hoạt động bên lĩnh vực công nghệ nhiều hơn.<br/>-TS Dương Văn Ni
Một chuyên gia khác, tiến sĩ Dương Văn Ni, cũng có trình bày về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam như sau:
“Tôi nhớ không nhầm cam kết của chính phủ Việt Nam là từ nay đến năm 2030 cố gắng giảm mức phát thải chừng 8%. Tôi nghĩ đối với Việt Nam thì chuyện giảm phát thải hay hoạt động kiểm soát chất gây hiệu ứng nhà kính thì có đề cập đến các hoạt động bên lĩnh vực công nghệ nhiều hơn. Thực sự mà nói thì lĩnh vực nào cũng có chất phát thải như nông nghiệp, chăn nuôi … đều có phát thải. Tại Việt Nam hiện nay chỉ quan tâm nhiều các mảng công nghiệp.
Đối với những mảng khác chỉ có tính nghiên cứu mang tính thăm dò hoặc nghiên cứu cục bộ hơn là có hẳn một chính sách hay qui định nào đó cho thấy một cách cụ thể và rạch ròi Việt Nam sẽ đạt con số đó (8%) một cách chắc chắn.”
Như vừa nêu, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều bởi tình trạng biến đổi khí hậu. Do đó ngoài những biện pháp tự thân trong nước, nhiều quốc gia khác cũng tham gia giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thông tin mới nhất cho biết khi tổng thống Pháp Francois Hollande thăm Việt Nam, ông này đích thân chứng kiến lễ ký kết các biên bản ghi nhớ giữa hai phía về hợp tác quản lý nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Dự án cơ sở hạ tầng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Pháp và Việt Nam được triển khai tại các tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Bình, và thành phố Cần Thơ.
Thành phố Sài Gòn nhận dược hỗ trợ từ thành phố Osaka, Nhật Bản trong công tác phát thải carbon thấy. Hai thành phố vào ngày 6 tháng 9 cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát thải carbon thấp.
Đây là văn kiện gia hạn bản ghi nhớ năm 2013 giữa đôi bên cho đến năm 2020.
Với sự giúp đỡ của thành phố Osaka, trong thời gian qua Sài Gòn xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030.
Lâu nay cũng có một số chương trình quốc tế giúp Việt Nam trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính… Tuy nhiên theo giới chuyên gia thì những chương trình như thế chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Thời điểm hành động
Các nhà hoạt động môi trường đều hoan nghênh việc Hoa Kỳ và Trung Quốc phê chuẩn thỏa thuận Paris. Họ đồng ý đó là một dấu chỉ mạnh mẽ sẽ có những hành động thực sự toàn cầu trong lĩnh vực hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, làm Trái đất ấm nóng lên.
Theo thỏa thuận Paris, Trung Quốc cam kết đến năm 2030 cắt giảm khí thải làm Trái Đất ấm nóng lên từ 60 đến 65% theo mỗi đơn vị GDP so với mức của năm 2005.
Bắc Kinh cũng cam kết tăng thêm nguồn nhiên liệu phi hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng chính yếu chừng 20%.
Trong khi đó Hoa Kỳ cũng có cam kết đến năm 2025 giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ 26 đến 28% so với mức năm 2005.
Cố vấn chính sách của tổ chức đấu tranh bảo vệ môi trường, Hòa Bình xanh, Li Shuo, cho rằng nay chỉ mới là khởi điểm chứ chưa phải là lúc kết thúc, cần phải có hành động toàn cầu về khí hậu.
Viện Tài nguyên Thế giới- WRI, tỏ ra nghi ngại cho rằng nếu chỉ có phê chuẩn thỏa thuận Paris không thôi thì chưa đủ; các quốc gia cần phải thông qua luật lệ địa phương để có thể thực thi thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu như thế.
Giới quan sát cũng đồng ý cho rằng điều quan trọng hơn việc phê chuẩn thỏa thuận Paris là phải cắt trợ giá bao cấp cho nhiên liệu hóa thạch cũng như những tài trợ tương tự khác.
Có cảnh báo khoa học đưa ra là nếu chỉ dừng ở mức cam kết như hiện nay thì nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này, chứ không thể giữ ở mức tăng thêm dưới 2 độ C như đề ra.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.