Giáo dục môi trường cho cộng đồng, chủ yếu cho đối tượng thanh niên tại Việt Nam, là công tác chính hiện nay của Trung Tâm Nghiên Cứu Môi trường và Cộng đồng CECR tại Hà Nội.
Trong chuyên mục Khoa học- Môi trường hôm nay, Gia Minh phỏng vấn bà Nguyễn Ngọc Lý- giám đốc CECR về những chương trình môi trường liên quan của Trung Tâm; trước hết bà này cho biết.
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Trung tâm mà tôi phụ trách là Trung tâm Nghiên cứu Môi trường & Cộng đồng, trung tâm do những anh chị em nhiệt huyết về môi trường thành lập ra cách đây 5 năm. Mong muốn của trung tâm khi ra đời là sự tham gia của cộng đồng, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường phải được bảo vệ hơn nữa, nâng cao hơn nữa.
Lý do là về phía Nhà nước hiện nay cũng có rất nhiều luật cũng như có những chương trình lớn, thế nhưng phía cộng đồng thì một mặt họ không có nhận thức cao về nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ môi trường, nên đôi khi cộng đồng không có cơ hội tham gia vào hoặc có cơ hội tham gia nhưng không đúng. Cho đến bây giờ sự tham gia của cộng đồng ( vào công tác môi trường) vẫn còn rất thấp ở Việt Nam.
Khi tôi đề cập đến chữ cộng đồng thì có nhiều cộng đồng khác nhau: cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, cộng đồng bị ảnh hưởng và cộng đồng cũng làm cho môi trường bị ô nhiễm… Đó là một lĩnh vực rất lớn mà ở Việt Nam cơ hội để các cộng đồng tham gia còn nhiều để cả xã hội chung tay bảo vệ môi trường.
Gia Minh: Lâu nay người ta cũng nói đến chuyện giáo dục cho cộng đồng, bà là người tham gia trong công tác đó, bà thấy công việc giáo dục đó được thực hiện ở những đơn vị nào và được đến đâu?
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Hiện nay có những luồng và những mức giáo dục về môi trường khác nhau. Phải thừa nhận rằng trong 20 năm qua nhận thức về bảo vệ môi trường ở Việt Nam nói chung và với cộng đồng nói riêng đã nâng lên một bước rất lớn. Nếu 20 năm trước đây khi nói về môi trường người ta chỉ nghĩ đến chuyện cây xanh và sạch; nhưng nay nói đến vấn đề môi trường thì mọi người hiểu sâu sắc hơn nhiều: về các nguyên nhân vì sao lại như thế, cũng như hiểu nhiều về trách nhiệm. Ví dụ bây giờ có những nơi mà bị ô nhiễm kinh khủng thì có những nhóm để lên tiếng. Đó là bước nhận thức cực kỳ lớn ở Việt Nam.
Hiện nay giáo dục môi trường được thấy cả trên đài, trên báo; hầu như hằng ngày đều nói về điều đó...Tuy nhiên theo tôi có mà chưa đủ vì chúng ta chỉ mới ở mức độ nâng cao nhận thức; tức biết có vấn đề. Nhưng từ nhận thức mà sang hành động thì đòi hỏi sự đầu tư sâu sắc hơn
Bà Nguyễn Ngọc Lý
Vấn đề giáo dục môi trường được làm ở rất nhiều nơi, có thể mang tính hàn lâm như ở các trường đại học đều có các khoa môi trường để đào tạo nguồn nhân lực về môi trường. Bên ngoài thì các doanh nghiệp cũng phải thực hiện luật môi trường; thế nhưng việc thực hiện đến đâu lại phải phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, nguồn lực của doanh nghiệp đó.
Việc mà chúng tôi đang làm là làm về cộng đồng: cộng đồng thanh niên, cộng đồng phụ nữ, những người dân bình thường… Làm thế nào để họ có thể đóng góp vào công cuộc bảo vệ môi trường? Trước hết phải giáo dục môi trường cho họ.
Ở Việt Nam hiện nay giáo dục môi trường được thấy cả trên đài, trên báo; hầu như hằng ngày đều nói về điều đó. Có rất nhiều tổ chức của sinh viên, rồi câu lạc bộ thanh niên tham gia để khuyến cáo về môi trường. Tuy nhiên theo tôi có mà chưa đủ vì chúng ta chỉ mới ở mức độ nâng cao nhận thức; tức biết có vấn đề. Nhưng từ nhận thức mà sang hành động thì đòi hỏi sự đầu tư sâu sắc hơn, đòi hỏi sự hiểu biết về các khía cạnh của môi trường khác nhau. Bởi khi nói đến môi trường chúng ta nói đến sông, hồ, rừng, biển, đa dạng sinh học rồi nói đến mỗi con thú cụ thể. Do đó nếu không hiểu sâu sắc có khi ý định tốt lại có xung đột với những cái khác. Cho nên mình thấy ai cũng muốn bảo vệ môi trường tốt, thậm chí ai cũng muốn tham gia bảo vệ mà môi trường vẫn cứ không tốt bởi vì không có sự đồng thuận, không có sự hiểu sâu sắc về khía cạnh kỹ thuật, khía cạnh tự nhiên của vấn đề môi trường. Nói bảo vệ môi trường thì ai cũng dễ đồng thuận, nhưng làm thực tế là một vấn đề khó.
Trung tâm chúng tôi muốn đóng góp vào bằng cách đào tạo và đưa ra những chương trình đào tạo có thể giải quyết những vấn đề khó đã nêu. Tức trong đào tạo có cung cấp kiến thức cơ bản về kỹ thuật, về tự nhiên cho vấn đề môi trường, hoặc cho vấn đề nước bị ô nhiễm chẳng hạn, rồi đa dạng sinh học bị hủy hoại… Những vấn đề rất cụ thể
Chúng tôi có những chương trình cho thanh niên vừa tạo điều kiện cho họ để học vấn đề; nhưng quan trọng là tạo cho họ sự nhiệt huyết, tinh thần làm thế nào ở bất cứ đâu cũng bảo vệ môi trường được.
Môi trường không chỉ dành cho những người học về môi trường làm mà thôi. Những người làm ở ngân hàng có thể làm môi trường không? Hay những người làm thương mại có làm môi trường được không? Để làm được họ phải có kiến thức cơ bản và điều quan trọng hơn là phải có tình yêu môi trường, sự tôn trọng môi trường và văn hóa về môi trường. Muốn có tình yêu, văn hóa và nhiệt huyết thì phải có hiểu biết nhất định.
Hiện nay chúng tôi có những chương trình rất ngắn gọn khoảng 6 tháng. Trước hết cho thanh niên, đào tạo tầng lớp thanh niên tiên phong tuổi từ 20-25, ngắn hạn để kỳ vọng trong tương lai khi ở vị trí làm việc thì chính họ đem lửa vào nơi làm việc và là người dẫn đầu trong việc bảo vệ môi trường. Như thế huy động được tất cả cộng đồng ai cũng tham gia vào
Trong những năm đến chúng tôi muốn đưa xuống các tỉnh duyên hải có đối mặt với biến đổi khí hậu, những khó khăn do biến đổi khí hậu đưa ra, hay những thiên tai. Làm thế nào giúp cho thanh niên, sinh viên ở những tỉnh đó có cơ hội, có sáng kiến để có thể làm được
Bà Nguyễn Ngọc Lý
Việc bảo vệ môi trường chỉ riêng Nhà nước làm không đủ dù cho có tiền vô biên cũng không được mà phải là nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn dân. Chính vì vậy mà việc tham gia của cộng đồng là cấp kỳ quan trọng. Một mặt nữa, chúng tôi hỗ trợ những nghiên cứu, cùng làm việc với các cơ quan Nhà nước để thúc đẩy phía Nhà nước có những chính sách cụ thể hơn, có những nguồn lực tốt hơn và thực sự coi trọng sự tham gia của cộng đồng bảo vệ môi trường. Tôi nghĩ công việc đó đang được sự ủng hộ rất lớn của tất cả các bên. Khó nhất là các doanh nghiệp. Chúng tôi có tiếp cận với doanh nghiệp nhưng chưa có chương trình nào thật là tốt cho doanh nghiệp.
Gia Minh: Các chương trình có phủ đến được các tỉnh thành của Việt Nam ra sao?
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Chưa, hiện nay trong khuôn khổ của trung tâm chúng tôi, mấy năm vừa rồi mới làm được ở Hà Nội. Thực ra nguồn lực rất có hạn và mới tiếp cận các trường đại học ở Hà Nội. Hiện nay chúng tôi cũng kỳ vọng có cách tiếp cận tập trung vào thanh niên, sinh viên.
Trong những năm đến chúng tôi muốn đưa xuống các tỉnh duyên hải có đối mặt với biến đổi khí hậu, những khó khăn do biến đổi khí hậu đưa ra, hay những thiên tai. Làm thế nào giúp cho thanh niên, sinh viên ở những tỉnh đó có cơ hội, có sáng kiến để có thể làm được. Đó là công việc lâu dài.
Gia Minh: Bà từng hợp tác với các tổ chức và hiện nay cũng nhiều đơn vị đang tham gia trong lĩnh vực môi trường; không chỉ ở Việt Nam mà trong khu vực nữa, vậy sự hợp tác, học hỏi đó ra sao?
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng khi thành lập cũng có khao khát được trở thành một 'think tank'- cơ quan thực sự có những nghiên cứu đóng góp, vừa là công tác cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường; nhưng một mặt nữa cũng muốn có những nghiên cứu sâu sắc hơn.
Hiện nay trung tâm cũng có làm một số nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường. Việc này chúng tôi có làm việc với một số nước trong khuôn khổ đối tác về môi trường của Mekong. Chúng tôi cũng làm việc với các đồng nghiệp Thái Lan, Miến Điện, Kampuchia…
Ở Việt Nam chúng tôi có hợp tác với các trường đại học lớn trong cả nước, các tổ chức phi chính phủ khác nhau, đặc biệt là những nhà chuyên gia sâu và những nhà làm luật để cố gắng thúc đẩy làm sao kiểm soát được ô nhiễm vào các nguồn nước tại Việt Nam. Bởi vì nước của chúng ta vô cùng nhiều; nhưng sẽ không sử dụng được nếu bị ô nhiễm. Vấn đề ô nhiễm nước cũng rất khó giải quyết và là một thách thức rất lớn đối với phát triển kinh tế của đất nước và đối với sức khỏe của dân tộc trong tương lai. Chúng tôi đang có rất nhiều hoạt động trong lĩnh vực đó.
Gia Minh: Khi đi nói chuyện với các bạn trẻ thì điều đầu tiên mà bà khuyên họ là gì?
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Tôi không khuyên mà tôi học được rất nhiều từ lớp trẻ. Thế hệ của chúng tôi là thế hệ phải học hành rất vất vả; để hiểu được điều gì phải học, rồi học đi học lại vì vấn đề môi trường rất mới.
Khi gặp các bạn trẻ tôi rất mừng vì hiện nay với những thông tin từ Internet, rồi với các chương trình khác nhau các bạn rất giỏi. Các bạn vượt lên rất nhiều và nhiều nhiệt huyết, khao khát học. Đó là động lực rất lớn cho những người đã lớn tuổi như chúng tôi.
Điều mà tôi mong muốn các bạn trẻ là hãy có nhiều tham vọng, thực sự luôn nghĩ đến trách nhiệm và đóng góp của mình với cộng đồng , với dân tộc. Một khi có sự khao khát đó, thành công sẽ đến.
Nhiều bạn trẻ cũng mong muốn có sự an toàn nhất định nào đó: đi ra làm việc. Điều đó cũng được không phải dở, nhưng tôi mong muốn nếu các bạn có khao khát lớn hơn, chắc chắn các bạn sẽ có niềm vui thú vị trong cuộc đời của mình.
Việc học thì suốt đời nên luôn luôn mở rộng bản thân mình để được học. Mỗi lần được học hãy tạo ra sự sáng tạo và cố gắng làm sự sáng tạo đó được tốt nhất.
Điều nữa tôi cũng khuyên các bạn là hãy rất giỏi tiếng Anh vì nếu có tiếng Anh các bạn sẽ tiếp cận nguồn tri thức lớn của thế giới. Nếu không có tiếng Anh sẽ khó khăn. Đôi khi tôi cũng nói Việt Nam là nước nghèo chính vì vậy chúng ta là con nhà nghèo, vượt khó; trong khi đó phải cạnh tranh với con nhà giàu,học giỏi. Từ đó chúng ta phải nổ lực nếu của người ta là một thì mình phải 2,3, 4. Mình phải khiêm tốn vô cùng mới học được. Khi làm thì phải học làm một cách chuyên nghiệp, sâu sắc, đam mê, việc gì cũng phải đi đến tận cùng.
Gia Minh: Cám ơn bà.
Tạp chí Khoa học- Môi trường kỳ này kết thúc tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.