Hiện trạng rừng phòng hộ ở Việt Nam

0:00 / 0:00

Dọc bờ biển Việt Nam từ bắc xuống Nam có nhiều khu rừng ngập mặn, rừng phòng hộ giúp bảo vệ trước hiện tượng xâm thực, nhưng hiện trạng của những khu rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ra sao?

Đánh giá chung

Rừng ngập mặn tự nhiên hay trồng thêm được xem là một cách phòng hộ hữu hiệu cho vùng đất ven biển. Thậm chí có nơi đây là biện pháp giúp lấn biển tạo thêm môi trường sinh sống cho các loài thủy hải sản nuôi sống người dân ven bờ.

Tiến sĩ Nguyễn thị Kim Cúc, thuộc Ban Nghiên cứu Sinh thái Rừng ngập mặn, Đại học Quốc gia Hà Nội có đánh giá chung về hiện trạng dạng rừng này dọc vùng bờ biển của Việt Nam như sau:

“Tại Việt Nam, nói chung rừng ngập mặn ngày càng được quan tâm nhiều hơn, sự quan tâm từ cộng đồng dân cư cho đến các cấp. Các chương trình của Nhà nước ngày cũng nhiều hơn. Trước đây trong các văn bản pháp luật của Việt Nam, chữ ‘rừng ngập mặn’ không có hay chỉ được biết đến như là rừng ven biển thôi; nhưng bây giờ được đặt tên là ‘rừng phòng hộ’ cho các khu rừng ven biển. Với việc đặt tên như thế thì nó sẽ ‘lên ngôi’ và có những giá trị nhất định.

Bây giờ các tổ chức quốc tế cũng quan tâm. Ở trong nước có các công ty đầu tư phát triển trồng rừng.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn có những người làm ảnh hưởng đến rừng. Ngoài ra vấn đề gì cũng có hai mặt: nếu phát triển rừng thì tốt về mặt môi trường, về các chiến lược lâu dài; thế nhưng đối với những đối tượng người dân có nguồn kinh tế không phụ thuộc vào rừng như cần diện tích để nuôi trồng thủy, hải sản chẳng hạn thì nhiều khi việc phát triển rừng không phải là tốt nhất cho những đối tượng đó.

Tại Việt Nam, nói chung rừng ngập mặn ngày càng được quan tâm nhiều hơn, sự quan tâm từ cộng đồng dân cư cho đến các cấp. Các chương trình của Nhà nước ngày cũng nhiều hơn. <br/> - Tiến sĩ Nguyễn thị Kim Cúc

Nói chung rừng (ngập mặn) bây giờ tốt hơn ví dụ như ở miền bắc được trồng và bảo vệ tốt hơn, ở miền Nam cũng vẫn được bảo vệ nhưng do những biến đổi ví dụ tại Sóc Trăng trước đây rất nhiều rừng nhưng nay thì rừng cũng bị thu hẹp do yếu tố tự nhiên và có tác động của yếu tố con người.”

Một chuyên gia khác trong lĩnh vực này là giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, tổng thư ký Ủy ban Con Người & Sinh Quyển Việt Nam, cũng có đánh giá về rừng ngập mặn của Việt Nam:

“Việt Nam là một trong những nước có diện tích rừng ngập mặn khá lớn ở khu vực Đông Nam Á. Và có nhiều tài trợ quốc tế do người ta quan tâm, ủng hộ. Diện tích rừng trồng và khôi phục lại trong thời gian gần đây phần lớn do các tổ chức quốc tế hỗ trợ.

Nói chung nhất về tình hình rừng ngập mặn thì tôi có thể nói là dọc chuỗi ven biển của Việt Nam không phải chỗ nào cũng trồng được rừng ngập mặn, không phải chỗ nào rừng cũng sống được. Tùy từng trường hợp cụ thể về đất đai, về nước, về thủy triều, về gió bão rồi khí hậu, thủy văn...

Tuy nhiên việc trồng rất khó, không phải khó về mặt kỹ thuật mà khó về mặt bảo tồn, giữ gìn nó.

Từ sau chiến tranh trở lại đây, có lúc rừng ngập mặn của Việt Nam giảm vào những năm 80,90; thế nhưng sau này nhờ cố gắng của người dân, chỉ đạo của Nhà nước nên diện tích rừng ngập mặn khá ổn định.”

Từng khu vực

Như nhận định chung của tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc thì rừng ngập mặn tại khu vực ven biển miền bắc tốt hơn so với miền Nam. Bà đưa ra đánh giá về từng vùng, trước hết ở khu vực phía bắc:

“Về công cụ pháp luật và Nhà nước có quan tâm nhiều hơn, ví dụ như các bộ, ban ngành. Ví dụ như trước đây Vụ Thủy Lợi có nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng, phát triển các tuyến đê; và theo nhận biết thì rừng cũng giúp bảo vệ đê; thế nhưng ‘đê’ và ‘rừng’ đi song hành với nhau chứ không có sự quan hệ mật thiết. Bây giờ có những văn bản qui định phía trước đê phải có rừng. Thế rồi có những khoản giúp cho việc bảo vệ rừng. Đó là về mặt chính sách.

Về mặt ý thức của người dân cũng tốt hơn. Cách đây chừng 10-15 năm, khi đi qua các vùng ven biển thì thấy nhà nào của dân cũng dùng cành cây làm củi; thế nhưng nay 99% không còn dùng cây làm củi nữa nên tác động tiêu cực đến rừng không còn nhiều như trước. Điều này có thể nói một phần do ý thức, nhưng một phần còn do điều kiện kinh tế.

Một điều nữa vì rừng trở thành rừng phòng hộ nên việc phá rừng để làm những khu nuôi trồng thủy hải sản cũng hạn chế lại.

Người ta ngày càng nhận ra rằng có rừng thì cả dân cũng thấy tốt mà lãnh đạo địa phương thấy khi có rừng thì cuộc sống tốt hơn.

Nuôi thủy sản dưới tán rừng phòng hộ ở các xã ven biển huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Photo courtesy of Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Nuôi thủy sản dưới tán rừng phòng hộ ở các xã ven biển huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Photo courtesy of Tạp chí Thủy sản Việt Nam (Nuôi thủy sản dưới tán rừng phòng hộ ở các xã ven biển huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Photo courtesy of Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Tôi có một đánh giá trong IUCN gửi đến COP-21 nói về góc độ đó.

Ngoài ra người ta còn tính đến giá trị tích lũy carbon và bảo vệ đê.

Tổng hợp lại thì rừng (ngập mặn) miền bắc phát triển tốt nhờ ý thức, có quan tâm, có sự đầu tư từ trong nước và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như Chữ Thập Đỏ Đan Mạch và Chữ Thập đỏ Nhật Bản thông qua Chữ Thập Đỏ Việt Nam thực hiện một chương trình dài 20 năm. Vừa rồi tổng kết diện tích hiện nay là đáng kể.

Bên cạnh đó có những tác động nhưng đó chỉ là thiểu số, không phải là nhiều.”

Tiếp đến là khu vực miền Nam:

“Ở miền Nam cũng làm tốt trong công tác này. Rừng ở đó trước khi trở thành rừng phòng hộ là rừng sản xuất. Hạn chế từ rừng sản xuất thành rừng phòng hộ là phải chặt bớt do mật độ cũng như cây gìa, cây cao…Điều đó cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng.

Ngoài ra còn vì xói lở có thể vì lượng nước ngọt từ bên trên xuống ít, ít phù sa; thế rồi dòng hải lưu. Tại nhiều nơi ở miền Nam trước đây ‘bồi’ thì nay thành ‘xói’. Trước đây được bồi phù sa nhưng nay cũng bồi mà lại bồi cát. Xói và bồi cát cũng làm mất diện tích rừng; đó cũng là những nguyên nhân khách quan thôi.

Ý thức của người dân và chính quyền tại khu vực miền Nam cũng tốt; nhưng cả hai nơi Bắc, Nam đều phải làm cho tốt hơn nữa.”

Người ta ngày càng nhận ra rằng có rừng thì cả dân cũng thấy tốt mà lãnh đạo địa phương thấy khi có rừng thì cuộc sống tốt hơn.<br/> - Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc <br/>

Tại khu vực miền Trung, vào cuối tháng 3 vừa qua, báo Hà Tĩnh loan tin có gần 26 héc ta trên tổng số 75 héc ta rừng ngập mặn tại tỉnh này bị chết đồng loạt. Theo bản tin thì tình trạng đó xảy ra trong một thời gian khá dài và đến lúc báo loan được nói mật độ ngày càng dày đặc hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc khi được hỏi về điều này cho biết:

“Ở miền Trung, từ khi có sự vụ đó (cá chết tấp vào bờ) tôi cũng chưa có cơ hội đi đến đó nên tôi không có kết luận gì hết và cũng không có số liệu chính thức về bị ô nhiễm cái gì. Thực ra bây giờ thông tin ‘đan xen’ và ‘đa diện’. Đơn vị này thì nói do cái này, đơn vị khác thì bảo do cái khác; mình không có số liệu cụ thể nên tôi không kết luận. Chất ô nhiễm là chất gì mình không biết nên không thể khẳng định ảnh hưởng đến rừng ngập mặn hay không, nhiều hay ít?

Riêng ý kiến cá nhân tôi thì diện tích rừng ngập mặn ở miền Trung không nhiều. Ví dụ ở Hà Tĩnh có rừng ngập mặn nhưng diện tích không lớn. Các bãi biển miền Trung không phải là điều kiện lý tưởng cho cây rừng phát triển.”

Nói về hiện tượng cây trong rừng ngập mặn chết, giáo sư Nguyễn Hoàng Trí tỏ ra dè dặt:

“Có ý kiến nói cây rừng ngập mặn chết ở miền Trung nhưng chúng tôi chưa đi đến tận nơi để xem xét, đánh giá nên không thể có kết luận nào. Muốn làm được phải có công trình nghiên cứu đánh giá nguyên nhân, tác động của nó.

Không phải chất độc nào cũng có thể giết được cây mà tùy từng mức độ khác nhau. Việc ô nhiễm chất lượng nước do các tác động ví dụ như kim loại nặng hay một số nguyên tố khác cũng phải có kiểm tra, đánh giá. Việc kim loại nặng tác động vào cây thì ít trường hợp xảy ra. Nên để kết luận phải có chứng minh bằng cơ sở khoa học.”

Tác động

Giới khoa học cho rằng hiện nay tình trạng biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng đang tác động nhiều đến các vùng ven bờ và những khu rừng ngập mặn cũng không phải ngoại lệ.

Cũng theo giáo sư Nguyễn Hoàng Trí thì công tác trồng rừng ngập mặn không khó nhưng việc bảo tồn là vấn đề quan trọng vì gian truân hơn nhiều.

Hiện nay khu rừng ngập mặn Cần Giờ của Việt Nam được đánh giá là khu được bảo tồn tốt nhất tại Việt Nam. Từ thực tế đó, người dân trong khu vực bảo tồn được thụ hưởng nhiều từ những lợi ích mà rừng ngập mặn đem lại.