Cân nhắc ‘Đóng cửa rừng’

Một trong những biện pháp nhằm có thể bảo tồn những khu rừng nguyên sinh hiện còn sót lại ít ỏi trên khắp trái đất, đó là cấm tuyệt đối khai thác, hay nôm na trong tiếng Việt là ‘đóng cửa rừng’.

0:00 / 0:00

Chính phủ Việt Nam vừa đưa ra đề xuất về biện pháp đó. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là có dễ dàng thực thi như lời kêu gọi nêu ra hay không?

Thực tế rừng ‘già’ của Việt Nam

Báo cáo đưa ra tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Nhà Nước về kế hoạch bảo vệ - phát triển rừng giai đoạn 2011 đến năm 2016, cho biết tổng diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam hiện nay còn chừng hơn 10 triệu héc ta. Tổng trữ lượng gỗ được đánh giá chừng 860 triệu mét khối. Tuy nhiên theo thừa nhận của cơ quan chức năng Việt Nam thì diện tích rừng giàu, tức rừng có trữ lượng gỗ cao trên 250 mét khối một héc ta chỉ còn chiếm chừng 5%.
Hai chuyên gia trong ngành lâm nghiệp là ông Nguyễn Đình Xuân, giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát ở tỉnh Tây Ninh và ông Trần Văn Thành, giám đốc Vườn Quốc Gia Yok Don ở Tây Nguyên đều đồng ý với đánh giá là rừng già của Việt Nam không còn là bao.

Rừng bị chặt phá rồi đốt để làm rẫy. Photo courtesy of vtc.vn
Rừng bị chặt phá rồi đốt để làm rẫy. Photo courtesy of vtc.vn (Rừng bị chặt phá rồi đốt để làm rẫy. Photo courtesy of vtc.vn)

Ông Nguyễn Đình Xuân trình bày:

“Rừng tự nhiên Việt Nam không còn bao nhiêu cả; đặc biệt là rừng tự nhiên có chất lượng tốt. Cho nên hiện nay phần lớn rừng Việt Nam là rừng tự nhiên chỉ tồn tại ở khu vực đầu nguồn và rừng núi thôi, chứ đồng bằng còn rất ít.

Đối với đa dạng sinh học, Việt Nam trong những năm qua cũng đứng trước đe dọa rất lớn, đặc biệt đối với những loài thú lớn như voi, hổ, gấu, tê giác là những loài có ý nghĩa rất lớn về văn hóa, về tâm linh và cả giá trị về khoa học và kinh tế của đất nước đang bị đe dọa tuyệt chủng, mà một trong những nguyên nhân là diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp hoặc bị chia cắt giữa các tỉnh làm cho chúng không đủ không gian để sinh tồn và gây ra những xung đột với con người nữa; ví dụ như voi ra phá vườn của dân vì rõ ràng chúng không có đủ diện tích để sống và nhiều vấn đề khác…”

Trong khi đó thì ông Trần Văn Thành, giám đốc Vườn Quốc gia Yok Don và trước đây là giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên ở khu vực Đông Nam Bộ thừa nhận về tình trạng đáng báo động của rừng tự nhiên tại Việt Nam như sau:

Ông Trần Văn Thành

“Rừng tự nhiên Việt Nam hiện nay đang ở trong tình thế ‘báo động’, suy giảm rất nhanh kể cả về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy chính phủ Việt Nam thấy cần phải có những biện pháp mạnh hơn để giữ được rừng. Do vậy chính phủ mới có hướng ‘đóng cửa việc khai thác rừng’.

‘Đóng cửa rừng’ là từ nôm na của Việt Nam, nhưng từ ngữ chuyên môn là ‘cấm hẳn’ khai thác gỗ từ rừng tự nhiên. Hiện nay thì Nhà Nước ‘hạn chế’ khai thác rừng tự nhiên có kiểm soát, nhưng kiểm soát không nổi, và rừng tự nhiên ‘chảy máu’ bằng nhiều hình thức khác nhau.”

Và theo ông Trần Văn Thành, sau khi làm việc tại hai nơi ở những địa phương khác nhau, ông nhận thấy có những khác biệt ở những nơi đó:

“Ở Tây Nguyên việc quản lý và bảo vệ rừng có nhiều khó khăn, phức tạp, nhiều thách thức hơn so với ở vùng Cát Tiên. Lý do vì đời sống của người dân ở Tây Nguyên hầu hết lệ thuộc vào rừng. Từ thời ‘khai thiên, lập địa’ đến giờ, người ta tận dụng tất cả những tài nguyên từ rừng để phục vụ cuộc sống. Tất cả sinh kế của họ đều từ rừng. Còn Cát Tiên do ở gần thành phố Hồ Chí Minh nên sinh kế có thể thay đổi được. Còn ở Tây Nguyên thì sinh kế từ rừng nên phải lấy sản phẩm của rừng, nên việc phá rừng nhiều, qui mô, tính chất lớn.

Ngày trước, năng lực, nghiệp vụ của những người giữ rừng trên này không đầy đủ; hiểu biết của họ về bảo tồn thiên nhiên cũng chừng mực nào đó thôi chứ không thể nào ‘cao’ hay đầy đủ để họ có thể giữ rừng. Cho nên nếu so sánh thì kể cả con người, điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc biệt là phong tục tập quán, lối sống lệ thuộc vào rừng rất lớn nên đẩy nguy cơ mất rừng lên rất cao.”

Nhu cầu phải đóng cửa rừng

Người dân ở phía Bắc tỉnh Sơn La phá rừng đem gỗ về. VN đối mặt với nạn phá rừng nghiêm trọng và diện tích rừng giảm mạnh. AFP photo
Người dân ở phía Bắc tỉnh Sơn La phá rừng đem gỗ về. VN đối mặt với nạn phá rừng nghiêm trọng và diện tích rừng giảm mạnh. AFP photo (Người dân ở phía Bắc tỉnh Sơn La phá rừng đem gỗ về. VN đối mặt với nạn phá rừng nghiêm trọng và diện tích rừng giảm mạnh. AFP photo)

Trước tình hình thực tế đáng ngại mà bản thân hai ông Nguyễn Đình Xuân, Trần Văn Thành đã và đang trải nghiệm, cũng như được các cơ quan truyền thông loan tải lâu nay, hôm 23 tháng 10 năm 2012, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lên tiếng cho rằng, việc xem xét tạm đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc là vấn đề cần phải được nhấn mạnh và phân tích kỹ trong đề án về khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn kể từ sang năm cho đến năm 2030.

Cả hai chuyên gia đang hoạt động bảo tồn rừng là ông Nguyễn Đình Xuân và Trần Văn Thành đều ủng hộ biện pháp được ông phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc đến. Ông Nguyễn Đình Xuân cho rằng đã muộn rồi nên cần phải tiến hành càng sớm càng tốt thì mới mong có thể giữ số diện tích còn lại:

“Mặc dù mới ở giai đoạn bàn thảo những tôi cho rằng phải ‘đóng cửa’ càng sớm càng tốt; nếu không nói đến bây giờ là quá muộn. Thực ra việc khai thác gỗ rừng tự nhiên hiện nay không mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Phần lớn những sản phẩm không đem lại nhiều lợi nhuận mà chi phí rất lớn. Rồi các loại ‘tiêu cực’ rất nhiều nên chúng tôi không có thống kê cụ thể nào cho thấy việc khai thác rừng tự nhiên mang lại lợi ích gì cho đất nước cả.

Người ta chỉ lợi dụng để phá quá lượng được phép, ‘quay vòng’ giấy phép để trộn gỗ lậu vào, và đặc biệt tôi biết hiện trên thế giới người ta cũng hạn chế việc nhập khẩu gỗ từ rừng tự nhiên, kể cả gỗ có giấy phép vì họ nghi ngại những giấy phép đó không hoàn toàn chính xác. Bản thân tôi ủng hộ đề xuất này và muốn nó được tiến hành càng nhanh, càng chặt chẽ càng tốt.”

Ông Nguyễn Đình Xuân

Bản thân ông Trần Văn Thành cũng cho biết hoàn toàn ủng hộ chính sách ‘đóng cửa rừng’ được đưa ra:

“Tôi nghĩ do hiện trạng rừng Việt Nam hiện đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại rất mạnh nên chính phủ mới dự kiến ra quyết định đó. Tất nhiên phải thăm dò dư luận; đặc biệt ngành lâm nghiệp, nông nghiệp - phát triển nông thôn phải vào cuộc, tham mưu ‘đúng’ cho chính phủ để chính phủ ban hành kịp thời thì tốt.

Về góc độ bảo tồn tôi hoàn toàn ủng hộ và hoan nghênh quyết định đó của chính phủ.”

Tuy vậy để thực hiện có hiệu quả biện pháp đóng cửa rừng, cần có một số điều kiện như đề xuất của ông Trần Văn Thành sau đây:

“Khả năng đóng được hay không còn phụ thuộc nhiều vào các tổ chức trong nước, và quốc tế góp phần đẩy nhanh sự quyết định của chính phủ. Đây mới đưa ra dự kiến thôi, còn để thực hiện cần sự ủng hộ của toàn xã hội, các tổ chức để góp phần cho chính phủ, hay thủ tướng sớm thông qua quyết định này giúp bảo vệ môi trường của Việt Nam cũng như thế giới.

Ngoài sự ủng hộ của trong nước và quốc tế, để đẩy nhanh thì hơn ai hết, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn của Việt Nam - đơn vị tham mưu chính cho chính phủ phải đẩy nhanh tiến trình để chính phủ ra quyết định.”

Nỗ lực lâu nay

Xe chở gỗ trên quốc lộ 20, ngoại thành Hà Nội hôm 17/05/2003. AFP PHOTO.
Xe chở gỗ trên quốc lộ 20, ngoại thành Hà Nội hôm 17/05/2003. AFP PHOTO.

Ông Nguyễn Đình Xuân chia xẻ kinh nghiệm của Vườn Quốc Gia Lò gò - Xa Mát suốt thời gian qua về hoạt động bảo tồn rừng:

“Rừng của tỉnh chúng tôi không còn nhiều, chỉ chừng 70 ngàn héc ta rừng thôi; nhưng số rừng khi ‘đóng cửa’ như vậy được giữ gìn tốt hơn rất nhiều. Chúng ta có thể hình dung sau khi đóng cửa thì hầu hết những loại gỗ ngoài thị trường là gỗ bất hợp pháp nên cơ quan chức năng có thể ‘sờ gáy’, bắt bất cứ lúc nào; không thể nói gỗ có giấy phép; nên cũng dễ dàng hơn.Trên thị trường chỉ còn lại gỗ rừng trồng, và một ít gỗ nhập khẩu; ở đây chúng tôi dùng rất ít gỗ nhập khẩu.”

Một thực tế lâu nay ở Việt Nam là kế hoạch vạch ra rất hay nhưng trong thực tế việc triển khai thực hiện không là bao; thậm chí còn ngược lại với những gì được đề ra. Điều này được ông Trần Văn Thành cảnh báo:

Ông Nguyễn Đình Xuân

“Hiện nay tôi thấy những chương trình chính phủ đó chỉ trên giấy, đem lại lợi ích cho bảo vệ rừng rất thấp. Lý do thứ nhất vì nhận thức, thứ hai vì mức độ đầu tư, thứ ba vì quyết liệt hiệu quả của các chương trình đó của chính phủ chưa cao.”

Ông Nguyễn Đình Xuân thì thẳng thắn hơn khi phát biểu:

“Việc chúng ta để mất rừng và một số tài nguyên khác có một nguyên nhân rõ ràng, không thể chối cãi là ‘quản lý kém’. Trong quản lý kém có nhiều vấn đề ví dụ như con người, năng lực, thủ tục hành chính phức tạp… và tham nhũng. Bởi vì bất cứ nguồn tài nguyên nào được lấy đi đều có lợi nhuận; khi có lợi nhuận thì có sự phân chia, lo lót, bảo kê nên phải có sự lo lót, bảo kê… Có người dân nói với chúng tôi ‘cái gì chúng ta muốn giữ thì không thể mất’; như thế có thể hiểu ngược lại những nơi bị mất, đặc biệt mất nhiều là vì lý do gì đó mà họ không muốn giữ.

Mỗi lúc chính phủ đề ra một chủ trương mới, rất nhiều người tỏ ra phấn khởi vì rất đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tế. Lúc này biện pháp quyết liệt phải ‘đóng cửa’ những khu rừng tự nhiên cũng đáp ứng được mong mỏi của những người lo lắng cho mảng xanh của đất nước, cũng như của Trái Đất; và họ tin tưởng chính sách đó sẽ có hiệu quả.”

Theo dòng thời sự: