Tuy nhiên vấn đề ô nhiễm khu Vịnh đẹp quí giá đó đang gây quan ngại cho nhiều người. Vậy công tác giúp bảo tồn môi trường trong lành, sạch sẽ tại Vịnh Hạ Long ra sao?
Xả rác thải, nước thải chưa qua xử lý
Mới hồi tháng bảy vừa qua, báo mạng Sài Gòn Tiếp Thị có bài viết nêu ra tình trạng được nói đến mức hiểm họa cho môi trường của Vịnh Hạ Long. Đó là nguồn rác thải, nước thải sinh hoạt cũng như các chất xả thải của các nhà máy, xí nghiệp, mỏ than quanh đó lâu nay tiếp tục được tống xuống Vịnh trực tiếp mà không qua xử lý.
Một hướng dẫn viên du lịch từ miền Nam thường xuyên đưa các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan Vịnh Hạ Long cho biết về việc xả rác thải mà ai cũng có thể chứng kiến hằng ngày:
“Rác từ các tàu du lịch họ xả ra rất nhiều, thấy rác trôi bềnh bồng vậy đó. Vịnh Hạ Long là khu biển mà rất nhiều khách du lịch đến. Có rất nhiều tàu đưa khách, và những tàu không đàng hoàng thì cứ xả rác xuống, rồi chưa kể ở những chỗ tắm biển, người ta buôn bán và xả rác nữa.”
Tại Vịnh Hạ Long có một Ban Quản lý Di sản. Đơn vị này chịu trách nhiệm về việc bảo vệ nói chung đối với khu vực Vịnh, và cùng chịu trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường tại đó với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Công Thái, phó ban Quản lý Di sản Hạ Long, thừa nhận vẫn còn khó khăn trong công tác gìn giữ khu vực này cho xứng với danh hiệu là di sản thiên nhiên thế giới. Ông trình bày về những khó khăn đó như sau:
Một hướng dẫn viên du lịch
“Chúng tôi thấy rằng việc quản lý môi trường Vịnh Hạ Long là một việc làm khó khăn, phức tạp trong tình hình phát triển hiện nay. Khó khăn lớn nhất hiện nay của chúng tôi là tiềm lực về điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai việc bảo vệ môi trường. Chúng tôi cần sự đầu tư tương xứng, thỏa đáng hơn nữa ví dụ như đội phương tiện, tàu bè thu gom nhặt rác. Kể cả nhân lực cũng được tăng cường thêm.”
Tuy có khó khăn như vừa nêu, nhưng đối với tình hình rác thải sinh hoạt do người dân, các tàu du lịch thải ra thì Ban Quản lý Di sản Hạ Long đang thực hiện những gì?
Ông Nguyễn Công Thái trình bày về những công việc đó như sau:
“Hiện nay các cơ quan liên quan có trách nhiệm quản lý môi trường vẫn có những biện pháp, giải pháp phối hợp cụ thể để bảo vệ môi trường tại vùng di sản trọng tâm và vùng ven bờ. Nói chung về cơ bản cũng giữ được giá trị của nó.
Hiện việc thu gom rác thải trôi nổi trên Vịnh Hạ Long thì tỉnh giao cho Ban quản lý Di sản Vịnh Hạ Long chịu trách nhiệm chính trong việc thu gom và giữ gìn vệ sinh môi trường trong vùng di sản. Thế còn những vùng ven bờ thì giao cho thành phố Hạ Long và các địa phương có liên quan để trực tiếp thu gom, nhặt rác và xử lý rác thải ở ven bờ Vịnh.”
Trong phạm vi trách nhiệm của Ban Quản lý Di sản, công việc thực tế trong việc bảo vệ môi trường sạch cho Vịnh Hạ Long, một số công tác cụ thể được ông Nguyễn Công Thái cho biết:
“Cụ thể thì Ban Quản lý thành lập những tổ đội chuyên thu gom nhặt rác và chuyển chở vào bờ để xử lý. Đối với các đối tượng tham quan du lịch, và các đối tượng khác có liên quan trên Vịnh Hạ Long thì Ban tổ chức thường xuyên việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cùng chung bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.”
Tại khu vực Vịnh Hạ Long có một số cư dân sinh sống tại các làng chài truyền thống. Đó là nơi với nét địa phương đặc trưng; tuy nhiên cũng là một nguồn gây ô nhiễm cho Vịnh Hạ Long nếu không có biện pháp thích hợp.
Ông Nguyễn Công Thái nói về hỗ trợ cho dân chúng làng chài không thải rác làm bẩn môi trường Vịnh:
“Hiện nay tại các khu vực làng chài thì trong việc thu gom rác thải Ban Quản lý đã có cố gắng ,hỗ trợ bà con để thu gom, như hỗ trợ phương tiện, dụng cụ chứa rác, Định kỳ một số ngày cho tàu ra chở rác thải đi xử lý.”
Một tình trạng phổ biến tại nhiều thành phố ở Việt Nam là nguồn nước thải được xả thẳng cho hòa vào nước sông, nước biển mà không qua xử lý. Tình trạng này cũng diễn ra tại thành phố Hạ Long.
Về vấn đề nước thải sinh hoạt xả thải thẳng xuống Vịnh Hạ Long, ông Nguyễn Công Thái cho biết cách giải quyết của chính quyền địa phương như sau:
“Tôi thấy nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư trước khi đổ ra Vịnh thường được thu gom xử lý như tại nhà máy ở Bãi Cháy trước khi tống ra Vịnh Hạ Long. Còn những khu còn lại Cẩm Phả, Hạ Long thì tới đây chắc sẽ có triển khai những khu vực lọc thải trước khi đưa xuống Vịnh Hạ Long.
Hiện nay độ thải hòa tan vào thì theo tôi thấy tương đối cân bằng chứ không đáng lo ngại lắm; tuy nhiên trong xu hướng phát triển đô thị thì chắc chắn trong tương lai chính quyền tỉnh sẽ có giải pháp hữu hiệu qui hoạch những cơ sở xử lý nước thải trước khi đẩy ra Vịnh Hạ Long.”
Biện pháp khắc phục
Quảng Ninh là địa phương nổi tiếng với ngành khai thác than. Hoạt động khai thác tại một số nơi quanh Vịnh Hạ Long cũng gây ô nhiễm. Thông tin cho biết một số chủ đầu tư tận dụng chất thải từ các mỏ than để lấn biển tại những vị trí như khu Hòn 1, bãi Cọc 6 thuộc thành phố Cẩm Phả. Hành động đó làm nước Vịnh bị đục, tăng chất rắn lơ lửng hòa tan, tăng hàm lượng các loại kim loại nặng như sắt, chì khiến ô nhiễm nước của Vịnh.
Đối với tình hình này, ông Nguyễn Công Thái có ý kiến:
“Việc khai thác than ở các mỏ trên bờ ở khu vực Cẩm Phả là quá trình đã có từ xưa. Trong quá trình khai thác không thể tránh khỏi chuyện đất, đá, có thể chất thải của mỏ trôi ra ảnh hưởng phần nào ven bờ Vịnh Hạ Long cũng như Bái Tử Long.
Việc này chúng tôi thấy trong những năm qua, tỉnh có chỉ đạo quyết liệt đối với các cơ quan, cơ sở sản xuất mỏ ví dụ trong việc hoàn nguyên lại khu vực bãi thải, hạn chế thấp nhất việc để đất đá trôi ra Vịnh Hạ Long.”
Chế tài đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm là một trong những biện pháp nhằm giúp bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long khỏi những loại rác thải, chất thải làm ô nhiễm môi trường. Công tác này được thực hiện tại khu vực đó ra sao? Ông Nguyễn Công Thái cho biết:
“Chế tài chủ yếu là tuyên truyền, nâng cao ý thức của mọi nguời bảo vệ môi trường trong khu di sản, Những đơn vị cá nhân vi phạm có biện pháp chế tài như xử lý hành chính, nếu nghiêm trọng thì xử lý truy tố.
Ô. Nguyễn Công Thái
Lâu nay xử lý chủ yếu phạt vi phạm hành chính, nhắc nhở cảnh cáo, giáo dục. Phạt có thể đến chục triệu đồng, mà nhẹ là vài ba trăm ngàn đồng.”
Theo ông Nguyễn Công Thái, công tác bảo vệ môi trường tại khu vực di sản Vịnh Hạ Long không thể chỉ riêng các đơn vị như Ban Quản lý Di sản và những cơ quan liên quan có thể thực hiện được, mà cần có sự tham gia của toàn cộng đồng dân chúng địa phương và khách du lịch từ các nơi đến. Ông nói về điều này:
“Tất nhiên ngoài vai trò Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, tôi nghĩ trách nhiệm cộng đồng cũng quan trọng. Nếu chỉ có cơ quan quản lý không thôi thì trách nhiệm bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long khó mà thực hiện được.
Ngoài ra trong việc bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có những bước đi thích hợp như việc xã hội hóa đối với công tác này. Ví dụ giao các vùng ven bờ Vịnh cho các địa phương, các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là những tổ chức có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải.”
Vịnh Hạ Long từng được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới nên nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cũng tham gia góp phần xử lý tình trạng ô nhiễm tại khu vực Vịnh. Hồi ngày 20 tháng 8 vừa qua, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, JICA, tổng kết dự án hỗ trợ xây dựng hệ thống tuần hoàn tài nguyên trên Vịnh Hạ Long có sự tham gia của người dân địa phương giai đọan 2009- 2012.
Dự án trong suốt thời gian thực hiện tiến hành điều tra thực trạng rác thải tại khu vực Vịnh Hạ Long. Dự án giúp xử lý rác thải thành phân hữu cơ. Song song đó là công tác giáo dục, tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường bền vững cho Vịnh Hạ Long.
Ông Nguyễn Công Thái đánh giá về hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như JICA giúp cho Vịnh Hạ Long trong hoạt động giữ gìn môi trường trong sạch:
“Tôi thấy dự án của JICA hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ninh trong việc bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long trong thời gian qua tiến hành bình thường, có những nỗ lực đáng kể và chắc chắn có những hiệu quả tích cực, rất tốt trong việc chung tay chung sức giữ gìn Vinh Hạ Long.”
Vùng di sản Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận có diện tích 434 kilomet vuông. Khu vực đó gồm 775 đảo. Đảo Đầu Gỗ nằm ở đỉnh phía tây, hồ Ba Hầm ở đỉnh phía nam và đảo Cống Tây ở đỉnh phía đông. Những đảo đá nhấp nhô trên sóng nước tạo thành một khung cảnh huyền ảo. Trong những đảo đá có những hang động đẹp nổi tiếng … Tất cả được xem như là tuyệt tác của tạo hóa.
Tuy nhiên nhiệm vụ bảo vệ hiện nay do con người đảm trách. Nếu không biết giữ gìn, bảo tồn thì tác phẩm tự nhiên đó sẽ không được toàn vẹn và sẽ bị mai một do sự tắc trách của nhiều người.
Theo dòng thời sự:
- Biển Việt Nam đang bị ô nhiễm
- Triển khai chương trình quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường
- Đà Nẵng - 'Thành phố Môi trường'
- Những kỷ lục về môi trường và biển, đảo tại Việt Nam
- Thách thức trong lĩnh vực môi trường tại VN
- Việt Nam chuẩn bị gì trước viễn cảnh Vịnh Hạ Long bị tác động do biến đổi khí hậu?
- Vịnh Hạ Long vào vòng chung kết cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới
- Cảnh báo rác thải tràn ngập nông thôn