Trận bão lịch sử: siêu bão Hải Yến (Haiyan)

0:00 / 0:00

Siêu bão Hải Yến, tên quốc tế Haiyan, được cho là trận bão đổ bộ vào đất liền lớn nhất trong lịch sử. Trận bão quét qua Philipines khiến số người thiệt mạng theo báo cáo sơ bộ lên đến cả chục ngàn người. Bão cũng vào Biển Đông và hướng về phía Việt Nam.

Trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này, Gia Minh hỏi chuyện giáo sư Đinh Văn Ưu, thuộc khoa Khí tượng Thủy Văn và Hải Dương Học, Đại học Quốc gia Hà Nội về một số thông tin liên quan trận siêu bão này. Trước hết ông cho biết:

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Người ta đã nói rồi đây là cơn bão đổ bộ vào đất liền tại Philippines mạnh nhất từ xưa đến nay, với vận tốc trên 320 km/giờ. Khi đi vào Biển Đông cũng còn mạnh lắm, và đối với vùng Biển Đông có lẽ cũng là một trong những cơn bão mạnh nhất từ xưa đến nay đi vào biển; tuy nhiên khi đổ bộ vào bờ nó cũng có khả năng giảm xuống như những cơn bão khác thôi, nhưng rồi ảnh hưởng dọc bờ cũng lớn chứ không phải như so với các cơn bão thường.

Gia Minh: Như giáo sư nói đây là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Vâng. Nếu tính ngoài biển khơi có thể có những cơn bão khác tương đương, thế nhưng bão đổ bộ vào đất liền tại Philippines thì chưa. Ngay cả cơn bão Katrina hay Sandy đổ bộ vào Mỹ thì tương đương, thậm chí vận tốc đo được còn nhỏ hơn.

Gia Minh: Theo đánh giá của giới chuyên môn như giáo sư, sự hình thành của những trận siêu bão như thế này ra sao?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Theo tôi có nhiều nguyên nhân; còn những người vội vàng có thể nói do biến đổi khí hậu. Theo tôi thì tự nhiên nhiều lúc cũng không ngờ được, ví dụ những cơn bão lớn kể cả cơn bão Katrina cũng lâu rồi. Sau đó có bão Sandy và rồi bão Bopha năm ngoái cũng làm chết hằng năm- sáu trăm người. Những bão lớn tương đương với bão này cũng hiếm, nhưng dù sao tần số hiếm cũng không thể ngờ trước được; nên bây giờ nói vì lý do gì cũng khó lắm.

Nhà cửa bị phá hủy bởi những cơn gió mạnh do bão Haiyan tại Tacloban, đông đảo Leyte vào ngày 09 tháng 11 năm 2013.AFP
Nhà cửa bị phá hủy bởi những cơn gió mạnh do bão Haiyan tại Tacloban, đông đảo Leyte vào ngày 09 tháng 11 năm 2013.AFP (AFP)

Đây là cơn bão đổ bộ vào đất liền tại Philippines mạnh nhất từ xưa đến nay, với vận tốc trên 320 km/giờ. Khi đi vào Biển Đông cũng còn mạnh lắm, và đối với vùng Biển Đông có lẽ cũng là một trong những cơn bão mạnh nhất từ xưa đến nay đi vào biển

Giáo sư Đinh Văn Ưu

Đặc thù của cơn bão này là phát triển rất nhanh, tức tăng từ cấp bình thường lên thành siêu bão theo tôi cũng là điều đặc biệt. Không rõ sau này các nhà chuyên môn đánh giá thế nào, nhưng hiện tại thì điểm đặc biệt là bão này phát triển rất nhanh và di chuyển cũng rất nhanh. Theo dự báo là trên 30 cây số/giờ. Thông thường bão chỉ chuyển động từ 15 đến 20 cây số/giờ thôi.

Gia Minh: Mùa bão năm nay có gì khác hơn so với những mùa bão các năm trước, thưa giáo sư?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: So với năm ngoái, năm nay số cơn bão tăng lên đáng kể ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương. Năm ngoái chỉ 27-28 mà năm nay đến bây giờ đã là 31 cơn bão rồi. Có lẽ năm nay sẽ là năm có nhiều cơn bão nhất, nếu theo dự báo của các nhà chuyên môn từ đây đến cuối năm còn ba, bốn cơn bão nữa, đạt đến mức 34-35 cơn bão ở tây Thái Bình Dương. Ở Việt Nam đã là cơn bão số 13 rồi, nói là 14 nhưng thực tế là 13 thôi. Như thế là khá lớn rồi, vì theo thống kê mỗi năm ở Biển Đông chỉ có từ 11 đến 12 cơn bão mà thôi. Năm nay vượt số ấy rồi mà khả năng chưa dừng lại ở đây mà có thể lên đến 15.

Gia Minh: Thưa giáo sư đã có ghi nhận về những năm tăng lên đến như thế không?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Có chứ. Theo thống kê thì vào năm 1964. Năm đó trên 40 cơn bão ở tây bắc Thái Bình Dương. Năm nay cũng gần như quay lại kỷ lục của năm 1964.

Gia Minh: Nhưng đối với kỷ lục năm 64 như thế, về mặt hủy diệt thì lần nào mạnh hơn?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Về mức độ hủy diệt, như khi nãy tôi nói, đây là cơn bão đầu tiên đi vào đất liền mà có cường độ lớn như thế này. So với cơn bão Bopha cũng đổ vào miền nam Philippines làm chết mấy trăm người thôi, thì sức hủy diệt của cơn bão lần này tại đó là chưa từng thấy.

Gia Minh: Theo giáo sư có phải do những tác động của nó quá mạnh và con người không thể nào chuẩn bị mà phòng chống được?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Đúng là quá mạnh thật, vận tốc trên 300 cây số/giờ. Cứ hình dung như tàu tốc hành TGV của Pháp hay Shinkansen của Nhật cũng chạy trên dưới 300 cây số/giờ. Trận bão cực kỳ mạnh. Trước đây những nhà cấp 4, nhưng trong bão này nhà cấp 3 cũng bay đi. Nhìn cảnh Philippines, tất cả những nhà trơ ra chỉ còn móng mà thôi. Ô tô cũng bay. Sức gió như thế này giống như những cơn lốc ( tornado) bên Mỹ. Diện rộng của cơn bão hàng ngàn cây số nên sức hủy diệt không thể có sự so sánh nào đâu.

Năm nay số cơn bão tăng lên đáng kể ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương. Năm ngoái chỉ 27-28 mà năm nay đến bây giờ đã là 31 cơn bão rồi. Có lẽ năm nay sẽ là năm có nhiều cơn bão nhất, nếu theo dự báo của các nhà chuyên môn từ đây đến cuối năm còn ba, bốn cơn bão nữa

Giáo sư Đinh Văn Ưu

Gia Minh: Giới chuyên môn có bao giờ chỉ ra có những cơn bão mạnh đến như thế không?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Tức là chưa từng quan trắc, nhưng người ta từng dự đoán về cấp bão 5; người ta ngồi lại và nói có lẽ phải thay đổi cách đo đi. Bây giờ không phải chỉ còn hạng năm nữa mà phải mở rộng ra vì cấp độ của những cơn bão ngày càng có thể tăng lên. Nguyên nhân về điều này thì chưa chắc, nhưng có lẽ trước đây bão ở ngoài khơi chỉ có thể đo gián tiếp qua vệ tinh, nay người ta có thể đo được vận tốc nên thấy có tăng lên.

Gia Minh: Như giáo sư nói đến nay mới mở rộng ra như thế, nên việc dự phòng cho những công trình vẫn chưa có?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Nói thực ra cũng không thể xây dựng được đâu vì nói chung những siêu bão sau cấp 12 trở đi mà đi vào những công trình như ở Philippines và Việt Nam thì đó cũng là những bão cực kỳ lớn rồi. Thành ra nếu lớn hơn thêm mấy bậc nữa thì tất cả gần như bão đều có thể phá hủy được. Thiên nhiên khó có thể nói được lắm. Trươc đây người ta nói siêu bão là hurricane, typhoon từ cấp 12 Beauford thì trên đường bão qua cây cối đổ hết… Phạm vi cơn bão (Haiyan) này rộng. Theo đánh giá hai phần ba nước Philippines chịu ảnh hưởng của cơn bão này. Cường lực mạnh và phạm vi rộng khiến cho sự thiệt hại lớn.

Công tác dự báo của Việt Nam cũng có khá lên. Có hai mặt: một mặt kinh nghiệm dự báo cũng tăng lên so với lực lượng của mình, thứ hai điều kiện tham khảo dự báo của nước ngoài, dự báo quốc tế đưa vào dự báo cũng ngày càng tiến lên

Giáo sư Đinh Văn Ưu

Gia Minh: Hiện nay việc dự báo tốt và chính xác hơn nên người ta có thể biết trước mà đi tránh?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Tại Việt Nam người ta gọi là sơ tán. Những người ở nhà cấp 4 được đưa đến những nơi kiên cố hơn; ở vùng bờ biển có thể có sóng thần thì sơ tán đến vùng cao hơn. Như thế sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại. Tôi ngạc nhiên trước khi bão đổ bộ vào Philippines, người ta dự báo rồi, chắc vùng này có điều vừa xảy ra là bị động đất nên không kịp sơ tán, rồi các công trình kiên cố tại đó không được nhiều.

Gia Minh: Riêng công tác dự báo tại Việt Nam hiện nay thế nào?

Giáo sư Đinh Văn Ưu: Theo tôi công tác dự báo của Việt Nam cũng có khá lên. Có hai mặt: một mặt kinh nghiệm dự báo cũng tăng lên so với lực lượng của mình, thứ hai điều kiện tham khảo dự báo của nước ngoài, dự báo quốc tế đưa vào dự báo cũng ngày càng tiến lên. Tuy nhiên sự tiến bộ này cũng không phải cho mọi cơn bão hay mọi điều kiện thời tiết được; còn có 'tiếng ra, tiếng vào'; nhưng theo tôi nghĩ có tiến bộ hơn trước.

Gia Minh: Cám ơn giáo sư Đinh Văn Ưu.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Gia Minh chào tạm biệt.