Trong chương trình kỳ trước khi đề cập đến Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010, chúng tôi trình bày cùng quí thính giả ý kiến của một số chuyên gia về tình trạng suy giảm đa dạng sinh học tại Việt Nam nói chung, trong đó có đề cập đến suy giảm nguồn tài nguyên biển. Trong chương trình kỳ này chúng tôi tiếp tục bàn đến tình trạng liên quan, cùng với công tác đánh giá nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú trên biển của Việt Nam, cũng như các họat động gìn giữ, bảo tồn hệ sinh thái ven bờ cũng như trên biển bấy lâu nay ra sao.

Tình hình tại Biển Đông gần đây nóng lên vì Trung Quốc có những hành động gây hấn đối với cả Việt Nam, Philippines. Một nguyên nhân của sự kiện đó được giới quan sát cho là vì nguồn dầu mỏ, khí đốt dồi dào cũng như nguồn tài nguyên biển phong phú tại đó mà Trung Quốc đang rất thèm khát, muốn chiếm để độc quyền khai thác bất chấp mọi qui định được công pháp quốc tế công nhận. Trong khi đó từ rất lâu đến nay, người dân Việt Nam sống dọc vùng ven Biển Đông đã sống nhờ vào biển.
Thực trạng suy giảm
Tuy nhiên có thể nói qua thời gian, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nguồn tài nguyên biển mà thiên nhiên ban tặng mỗi ngày bị suy giảm. Thực trạng này được một nhà hải dương học họat động lâu năm trong nghề, nay là chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế- xã hội, giáo sư Tiến sĩ Lê Đức Tố cho biết như sau:
"Bây giờ đánh giá một cách rất cụ thể thì chúng ta chưa thể đánh giá được hết; nhưng chúng ta có thể nói vào khỏang 30%, có nơi lớn hơn có nơi ít hơn.
Trong số các vùng sinh thái gần cửa sông- ven biển là rừng ngập mặn tiếp giáp gần cửa sông, cửa biển, hệ sinh thái san hô và các hệ sinh thái tự nhiên như vũng, vịnh…
Theo GS-TS Lê Đức Tố, vùng sinh thái cửa sông- rừng ngập mặn cửa sông do phù sa bồi lắp lên tạo nên điều kiện sống cho sinh vật phát triển đang gặp nguy cơ rất lớn làm cho hệ sinh thái vùng ven bờ giảm đi. Ông nói đến tầm quan trọng của hệ sinh thái đó “Vì hệ sinh thái dọc ven biển VN, và đặc trưng là biển nhiệt đới nên rất quan trọng bởi đó là nơi cư trú, phát tán của các nguồn giống biển, nếu mất đi thì thế giới sinh vật không còn nữa’. Đây là một hệ sinh thái mà theo giáo sư Lê Đức Tố không chỉ quan trọng đối với sinh vật mà còn giúp bảo vệ bờ biển, nếu mất đi sẽ ảnh hưởng đến cả khí hậu vùng ven biển, nguồn sống của con người. Tuy nhiên hệ sinh thái đó đang bị suy giảm trầm trọng như đánh giá của vị gíao sư như sau:
“Cho đến nay, nguy cơ rất lớn về suy giảm rất lớn các hệ sinh thái. Về rừng ngập mặn nguyên sơ: chúng ta có hơn 400 ngàn héc ta, bây giờ chỉ còn chưa được 50%. Con số thống kê của Viện Rừng là còn được hơn 200 ngàn héc ta”

Nguyên nhân của tình trạng suy giảm hệ sinh thái biển của Việt Nam được GS-TS Lê Đức Tố đánh giá rằng nếu đi dọc ven biển của Việt Nam từ Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau, ngược lên đến miền Trung, rồi miền Bắc thì: “ Đâu đâu cũng thấy các công trình xây dựng, các nhà máy, bến cảng, các khu nghỉ mát.Chúng ta phát triển một cách không có tổ chức. Nếu đi sâu hơn nữa thì là không có sự quản lý của Nhà Nước”. Ông cho rằng tình trạng đó có thể nói là ai muốn làm gì cũng được, tự do một cách vô tổ chức.. Ngòai ra GS-TS Lê Đức Tố cũng nêu ra những nguyên nhân khác:
“Việc sử dụng của chúng ta không hợp lý, ở điểm là khi phát triển các khu công nghiệp, hải cảng, du lịch thì đã chặt phát rừng ngập mặn đi. Ở miền nam cụ thể là Vịnh Vân Phong”.
Theo giáo sư, đó là hệ sinh thái ven bờ nhưng có độ sâu trung bình đến 20 mét, nhưng rồi các nhà kinh doanh đã chặt phá, san lấp làm cho hệ sinh thái ở đó gần như mất gần hết.
Họat động nghiên cứu
Thực tiễn đáng ngại đến như thế; trong khi đó công tác khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu nguồn tài nguyên và bảo tồn, phát triển chúng cũng là một mối quan tâm của chính những người làm công tác khoa học trong lĩnh vực này.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại, trưởng phòng thực vật biển, Viện Hải Dương Học Nha Trang cho rằng nghiên cứu về đa dạng sinh học của Việt Nam có thực hiện nhiều rồi nhưng đôi khi lại chồng chéo, hiệu quả chưa chín chắn. Làm nhiều mà hiệu quả không cao.
Ông cho biết:
“Bây giờ người ta rất chú trọng đến, nhưng lực lượng cơ quan đầu não nghiên cứu về biển cũng chồng chéo.Các tổ chức, quản lý, đầu mối thống nhất chưa có. Việt Nam bây giờ cơ quan nào cũng làm, mặc dù không có chuyên môn mà chỉ vì kinh phí dễ, từ đó không có sức mạnh. Cơ quan nào nay cũng đổ xô vào. Nay số liệu về tài nguyên biển bị lọan, sao chép nhau.”
Trong khi đó thì chương trình khoa học công nghệ biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế- xã hội được vị giáo sư chủ nhiệm, tiến sĩ Lê Đức Tố, cho biết chương trình cũng đạt được một số thành quả có thể phục vụ công tác khai thác nguồn tài nguyên biển của Việt Nam. Trước hết đó là về công nghệ dự báo:“ Về dự báo khí tượng thủy văn, chúng tôi đã xây dựng được qui trình công nghệ dự báo được khí tượng trên biển: gió, bức xạ lớp không khí trên mặt biển, dự báo sóng …Dự báo các dòng chảy”
Những dự báo đó giúp bảo đảm họat động lưu thông hàng hải, dự báo ngư trường về nguồn cá, lọai cá, trữ lượng để đưa tàu phù hợp ra để khai thác. Một thành tựu cụ thể được giáo sư tiến sĩ Lê Đức Tố cho biết : “Đó là dự báo khai thác cá ngừ ở vùng miền Trung, gần khu vực quần đảo Trường Sa nơi mà ngư dân Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa hay ra khai thác, nay có thể giúp phát báo cho họ biết”
Một điểm được giáo sư tiến sĩ Lê Đức Tố nêu ra đó là sự chưa tương thích giữa dự báo với các phương tiện để có thể khai thác tối đa thông tin do dự báo đưa ra. Ông nêu ra trường hợp nước Nhật: khi có dự báo phát ra thì Nhật có những tàu thích hợp được đưa ra nơi có luồng cá và thời gian ở lại khai thác bao lâu. Rồi những dự báo đó cũng giúp bảo vệ nguồn lợi hải sản : “ Trong đó có được điểm bảo vệ môi trường giúp thời kỳ đánh, lọai lưới thích hợp để giúp tránh bắt những lòai cá nhỏ chưa đến tuổi khai thác. Đây là công nghệ dự báo mà chương trình đã đạt được.”
Đối với giới khoa học biển tại Việt Nam thì những thành tựu như thế so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới vẫn còn thua kém.
Giáo sư Tiến sĩ Lê Đức Tố nêu ra những khó khăn của những người làm công tác nghiên cứu về biển đó là " Nghiên cứu trong một môi truờng mà chúng ta không nhìn thấy. Khác với trên đất liền vì người ta có thể thấy rõ, mà nghiên cứu biển là 'mò mẫm' dù nay có những máy móc hiện đại hơn."
Nghiên cứu trên biển cần phải có những phương tiện đặc biệt như tàu chuyên dụng thích hợp, về mặt này thì giáo sư– Tiến sĩ Lê Đức Tố trình bày:
“Cho đến nay chúng ta chưa có con tàu nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc gia, hay quốc tế nào cả. Lâu nay chỉ sử dụng tàu của Bộ đội biên phòng, kiểm ngư, của ngư dân. Nếu không có tàu thì tài liệu đưa ra không được quốc tế công nhận. Vừa qua Nhà Nước có cung cấp vốn để đóng tàu nghiên cứu địa hình nhưng chưa xong.”
Một chuyên gia khác về môi trường của Việt Nam, Tiến sĩ Lê Huy Bá, viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ- Quản lý Môi trường, thuộc Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết một số thực tiễn trong nghiên cứu môi trường biển tại Việt Nam:
“Môi trường biển Việt Nam làm quá ít, vì làm ở đó phải có công cụ, chuyên gia, vì VN đang yếu, ít hay không có, chỉ dựa vào tàu hải quân, công ty thăm dò khai thác dầu khí. Ngành này mấy năm nay mới rộ lên thôi. Môi trường ven biển còn đỡ, nhưng môi trường đại dương thì có thể nói chưa có gì”.
Một trở ngại khác mà hầu như ngành nghiên cứu nào tại Việt Nam cũng đang vấp phải đó là nguồn kinh phí cung cấp cho họat động nghiên cứu khoa học. Nguồn vốn mà đơn vị nhận đuợc chỉ là vốn cầm hơi mà thôi thì không thể thực hiện những nghiên cứu theo mong muốn.

Ông còn tỏ lo ngại trong tình hình hiện nay do tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông nên việc nghiên cứu của Việt Nam trên biển có những khó khăn vì nhiều điểm bị cho là nhạy cảm thì không đến được. Ông nói: “Ngư dân đã khó rồi, với nhà khoa học còn khó hơn, không có gì bảo đảm cho nhà khoa học làm việc trên biển.”
Trước tình hình mà Giáo sư- Tiến sĩ Lê Đức Tố tỏ ra bi quan đó, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại cho rằng Nhà Nước phải có thay đổi trong chiến lược. Ông đề xuất:”Việt Nam phải thay đổi quản lý và chiến lược quản lý về khoa học biển. Có thể kế thừa, chiến lược quản lý dự án, quản lý các nhà khoa học, quản lý các nhà khoa học”
Quan ngại
Không riêng gì trong lĩnh vực biển, mà khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam, tình trạng ‘ăn vào môi trường’, gây ô nhiễm và hủy họai môi sinh vẫn tiếp tục ở mức độ đáng ngại cho đến báo động; nhưng rồi các biện pháp giải quyết vẫn chưa được rốt ráo, hiệu quả.
Giáo sư- Tiến sĩ Lê Đức Tố nói lên nỗi lo của ông truớc những tình trạng đáng ngại đó như sau: “ Khi có tiền trong tay chúng ta không có chỗ để sử dụng tiền nữa. Như người nông dân, khi có tiền tỷ trong tay mà không còn đất nữa thì phải ra chợ, lệ thuộc vào thị trường. Việt Nam đang xuất khẩu gạo mà để cho biến đối khí hậu diện tích nông nghiệp giảm đi, tác động về điều kiện môi trường không thích hợp nữa, chúng ta là nước cuối cùng phải nhập khẩu thì nhập từ đâu?”
Tâm tình về nỗi lo hậu quả của tình trạng phát triển kinh tế mà không chú tâm đến bảo vệ môi trường như Giáo sư–Tiến sĩ Lê Đức Tố vừa chia xẻ, đã kết thúc mục Khoa học- Môi trường kỳ này. Gia Minh chào tạm biệt và hẹn quí thính giả trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.