Những tranh cãi về công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Dư luận trong nước tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng hai công trình thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai, đoạn qua khu vực Rừng quốc gia Cát Tiên.

Vậy những luồng ý kiến trái chiều tiếp tục được đưa ra thế nào? Cách làm cần phải ra sao?

Không xây

Vào ngày 31 tháng 8, trên mạng Internet xuất hiện thêm một lá thư ngỏ nội dung kêu gọi không nên xây dựng hai đập thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai. Bức thư ngỏ đề gửi cho chủ tịch nước Trương Tấn Sang với tiêu đề 'Nói không với thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vì hạnh phúc số đông'. Người thay mặt ký tên gửi bức thư ngỏ này là ông Nguyễn Huỳnh Thuật. Ông này cho biết là viên chức Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn được cử làm việc tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Một đoạn của lá thư ngỏ ghi rằng 'Việc qui hoạch và đang chuẩn bị thẩm định dự án lấn chiếm hằng trăm héc ta rừng đặc dụng cho thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A ngay trong vùng lõi và điểm yếu huyệt … là rất nguy hại cho nhiều mặt chưa thể ước tính hay lường trước như trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường đang trình duyệt'

Chim ở rừng Cát Tiên. Photo courtesy of blog SavingCatTienNationalPark.
Chim ở rừng Cát Tiên. Photo courtesy of blog SavingCatTienNationalPark.

Bản thân ông Nguyễn Huỳnh Thuật nói về lý do phải có lá thư ngỏ thứ hai gửi đến chủ tịch nước về dự án thủy điện 6 và 6 A:

“Bởi vì các đây hơn một năm, tôi đã có gửi thư kêu cứu đến thủ tướng chính phủ về rừng quốc gia Cát Tiên rồi, nhưng chưa thấy hồi âm, và bây giờ lại thấy hình như lại đầu tư cho thủy điện tại Vườn Quốc gia Cát Tiên nên gửi thư đến chủ tịch nước để kêu cứu và nhằm có sự hồi âm.”

Trong tháng 8 vừa qua, trên mạng cũng xuất hiện một trong blog mang tên 'Saving Cat Tien National Park', tức 'Cứu Vườn Quốc gia Cát Tiên'. Tôn chỉ của trang này được nêu ra là 'Chúng tôi yêu quí và muốn cứu Rừng Quốc gia Cát Tiên trong thời điểm hiện tại và trước mắt. Lâu dài, chúng tôi muốn góp phần tăng cường bảo vệ, bảo tồn, phát triển rừng quốc gia mãi mãi.'

Ô. Nguyễn Huỳnh Thuật

Ông Nguyễn Huỳnh Thuật thì nhắc lại những nguy hại khi xây dựng hai thủy điện 6 và 6 A trên Sông Đồng Nai, đoạn đi qua Vườn quốc gia Cát Tiên như sau:

“Tác động lớn vì khu dự trữ sinh quyển này là cho thế hệ mai sau tại Việt Nam cũng như thế giới. Một trong những hệ lụy khi xây dựng thủy điện là tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống an bình của hằng triệu người dân bản địa, cũng như làm ô nhiễm nguồn nước cung ứng cho hằng chục triệu người ở hạ lưu. Việc phá những vạt rừng nguyên sinh thì sẽ làm mất đi những loài gien di truyền đặc chủng. Đó là chưa nói đến những văn hóa, tập tục của người Mạ bản địa. Mồ mả của người bản địa phải được di dời đi …”

Ông Nguyễn Huỳnh Thuật cho biết nhóm những người phản biện sẽ có ý kiến của họ đối với dự án sẽ được đưa ra:

“Trong tình hình nửa công khai, nửa không công khai như hiện nay, đánh giá tác động môi trường do Viện Môi trường ở TP Hồ Chí Minh thực hiện chưa công khai, nhưng do cách nào đó mà một số người cũng được biết rồi, họ đang đọc bản báo cáo và trong một thời điểm thích hợp, họ sẽ đưa ra thôi.”

Làm rõ

Một loài khỉ ở rừng Cát Tiên. Photo courtesy of blog SavingCatTienNationalPark.
Một loài khỉ ở rừng Cát Tiên. Photo courtesy of blog SavingCatTienNationalPark.

Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên viện trưởng Viện Qui hoạch Thủy Lợi tại thành phố Hồ Chí Minh, vào đầu tháng 9 vừa rồi có bài 'Thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A những điều chưa rõ'.

Theo ông này thì báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án thủy điện vừa nói do Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh thực hiện là tốt hơn nhiều so với báo cáo được thực hiện một lần trước. Tuy nhiên theo tiến sĩ Tô Văn Trường thì còn nhiều vấn đề tồn tại cần làm rõ về phương pháp luận đánh giá tác động môi trường, tính khả thi của việc điều tiết nước về phía hạ lưu, các thông tin chi tiết về hiện trạng rừng và mức độ đa dạng sinh học, văn hóa bản địa tại khu vực dự án, cũng như nhiều vấn đề khác nữa.

Một trong những đánh giá được ông Nguyễn Văn Phước, viện trưởng Viện Tài Nguyên Môi trường, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đưa ra trong bài trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị hồi ngày 30 tháng 8 năm 2012 cho rằng rừng tại khu vực dự kiến xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A đã mất sạch rồi, ngay cả kỳ nhông, tắc kè cũng không còn thì làm thủy điện là hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Phước trả lời phóng viên Lê Quỳnh rằng có thể chứng minh được là dự án 6 và 6 A làm mất rất ít rừng so với các dự án thủy điện khác. Ông này cho rằng các dự án thủy điện trước đây chỉ làm một bậc, vực sâu không có nên chiếm diện tích lớn; đối với thủy điện 6 và 6 A làm 2 bậc, tận dụng vực sâu nên diện tích rừng bị mất ít. Thủy điện hai bậc như thế cũng làm giảm khả năng dòng chảy.

TS Tô Văn Trường cho rằng báo cáo mới nhất của Viện Tài Nguyên Môi trường, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh chưa tính đến diện tích đất dùng cho tuyến truyền tải điện, bao gồm cả hành lang an toàn. Ông này cho rằng phương án truyền tải chưa được nêu ra, và dù hành lang an toàn theo qui định không lớn, nhưng kéo dài; như thế diện tích đất và rừng bị mất là con số không nhỏ, cần phải làm rõ.

Chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Văn Phước, viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh để hỏi thêm về một số kết quả của báo cáo mới nhất do cơ quan này đưa ra; thế nhưng ông Phước yêu cầu phải đến tại văn phòng của ông để được thông tin.

Làm đúng

Rừng Cát Tiên. Photo courtesy of blog SavingCatTienNationalPark.
Rừng Cát Tiên. Photo courtesy of blog SavingCatTienNationalPark.

Đối với dự án xây dựng hai thủy điện 6 và 6 A do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư thì lâu nay đã có một số đơn vị tham gia tiến hành các cuộc hội thảo và khảo sát đánh giá tác động môi trường của dự án.

Trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm ngoái đã diễn ra bốn hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học trong nước về vấn đề xây dựng thêm hai thủy điện 6 và 6 A trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua Vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ gây tác động thế nào đối với hệ sinh thái khu rừng cần được bảo tồn này, cũng như tác động đến dòng chảy của Sông Đồng Nai với những hệ lụy cho người dân sinh sống trong khu vực và hạ lưu con sông.

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch Hội tư vấn Khoa học - Công nghệ Quản lý, thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là viện trưởng Viện Điện tử Tin học cho biết đánh giá của ông về cách làm trong thời gian qua liên quan việc thẩm định đánh giá tác động môi trường của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A như sau:

TS Tô Văn Trường

“Trong chuyện này, Nhà Nước đã chấp nhận làm lại báo cáo đó, chủ đầu tư cũng chấp nhận làm chuyện đó. Thế nhưng nếu như bây giờ vẫn làm theo cách chủ đầu tư chỉ định viện A, B, C nào đó làm một bài phản biện thì người ta sẽ nói chủ đầu tư đổ tiền ra thuê người làm để ‘nói bậy, nói bạ’. Trong khi đó dư luận xã hội vẫn nói theo ý mình và ‘chửi cả chủ đầu tư và nhà tư vấn ‘, Như thế không giải quyết được gì cả.

Theo tôi thì ở Việt Nam chưa thể làm việc này, nhưng tôi sẽ kiến nghị Nhà Nước. Thứ nhất phải có luật phản biện xã hội, cụ thể trong trường hợp này chủ đầu tư phải đưa ra đấu thầu những nhà tư vấn có thể làm báo cáo, chứ không thể giao cho ai thì giao, Nhà Nước phải kiểm soát đấu thầu này. Phải công khai đấu thầu cho mọi hội tư vấn có đủ chuyên gia. Chủ đầu tư phải thẩm tra tư vấn, thuê một tư vấn khác thẩm tra lại xem tư vấn có đúng không.

Thứ hai cơ quan Nhà Nước phải quyết định thẩm định. Cơ quan Nhà nước quản lý nên phải tổ chức lại thẩm định, lại thuê các đơn vị tư vấn thẩm định lại xem báo cáo gửi lên đúng chưa. Nếu thế mới có kết luận đúng đắn. Chứ nếu làm như hiện nay thì cả 100 năm cũng không có được kết quả đúng đắn.”

Tiến sĩ Tô Văn Trường cho rằng cần phải có thẩm định mở, tôn trọng ý kiến đa chiều trong vấn đề xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A. Theo ông đó là ‘lối ra’ hợp lý nhất cho dự án được gọi là nhạy cảm này.

Theo tiến sĩ Tô Văn Trường cần phải thẩm định một cách khách quan và khoa học như thế mới có thể đi đến một quyết định hợp lý nhất. Đó là quyết định dựa trên chứng minh khi làm hai dự án thủy điện đó sẽ được lợi nhiều nhất, mà hại là tối thiểu.

Xin được trích nguyên văn trong bài viết hồi ngày 2 tháng 9 của tiến sĩ Tô Văn Trường để kết thúc tạp chí kỳ này: 'Rừng là một bộ phận kết cấu hạ tầng sinh thái của đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nhận xét, không có thủy điện vẫn có giải pháp khác thay thế, còn khi mất rừng là mất tất cả!'

Theo dòng thời sự: