Khi nhắc đến danh hiệu đặc biệt đó, người ta biết ngay là khán giả muốn nói đến nghệ sĩ nào. Về các danh ca vọng cổ, chúng ta còn nhớ những biệt danh như vua vọng cổ Út Trà Ôn, Vua vọng cổ hài Văn Hường, vua xàng xê Minh Chí, Hoàng Đế dĩa Nhựa Tấn Tài, giọng ca vàng Hữu Phước giọng ca sầu nữ Út Bạch Lan, giọng ca liêu trai Mỹ Châu, nữ hoàng sân khấu Thanh Nga,…
Về các vai hề, ta còn nhớ quái kiệt Ba Vân, hề té Văn Chung, hề râu Thanh Việt, hề nhựa Thanh Hoài…
Các nghệ sĩ trưởng thành sau năm 1975 thì không được may mắn có những mỹ danh do khán giả và báo chí kịch trường tặng cho như các nghệ sĩ thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường…Các nghệ sĩ thế hệ thứ ba, thứ tư cũng học theo đặc điểm của các thế hệ nghệ sĩ đi trước mình để gây ấn tượng, tạo cho mình một thương hiệu( nói theo cách nói hiện nay) nhưng tuy vẫn đạt được hiệu quả diễn xuất như các nghệ sĩ tiền bối nhưng họ không được khán giả tặng cho mỹ danh như các sư phụ của họ.
Ví dụ: nghệ sĩ danh hài Bảo Chung, học theo lối cười dê của Văn Chung và lối diễu hình của Bảo Quốc nên anh lấy biệt danh là Bảo Chung, tức là ghép hai tên Bảo Quốc và Văn Chung thành ra tên Bảo Chung. Danh hài Bảo Chung có một lối cười đặc biệt, không nghệ sĩ hài nào bắt chước theo được. Khi nghe giọng cười của Bảo Chung, dù không nhìn thấy mặt , khán giả cũng biết đó là danh hài Bảo Chung, tuy nhiên Bảo Chung không được khán giả hay ký giả kịch trường tặng cho một mỹ danh nào kèm thêm giống như trước đây khán giả đã tặng cho sư phụ Văn Chung biệt danh hề té Văn Chung.
Danh hài Bảo Chung tên thật là Nguyễn Văn Lâm, sanh ngày 04 tháng 8 năm 1955, quê mẹ ở Bình Chánh, ngoại thành Sàigon. Khi lên 6 tuổi, em Lâm được cha mẹ gỡi vào chùa để học chữ, học kinh kệ. Chú tiểu Lâm học kinh kệ nhưng tâm tánh không thanh tịnh như một kẻ tu hành, trái lại tánh lý lắc vui đùa quậy phá lại phát triển nên chú Tiểu Lâm thích bôi mặt đóng tuồng, làm vua làm quan, múa kiếm ca vọng cổ, bắt chước các đám hát cúng đình ở xã. Năm 13 tuồi ( 1968 ) nhân dịp đoàn hát Đồng Ấu Hoa Thế Hệ của ông bầu Quang Phục đến hát tại chợ Bình Chánh, chú tiểu Lâm trốn chùa, xin gia nhập đoàn Đồng Ấu Hoa Thế Hệ.
Học hát cải lương là đúng sở nguyện của em Lâm nhưng khởi đầu bằng cách đóng vai quân sĩ, đánh võ, chạy hiệu đến khi đóng được các vai kép ba, kép nhì, học ca được một số bài bản cổ nhạc, em Lâm phải chịu đói chiụ khổ vì gánh hát nghèo, số doanh thu kém, có khi em Lâm chán nản định trở về nhà thì đoàn Đồng Ấu Hoa Thề Hệ rã gánh. Lại gặp đoàn hát khác, em Lâm như một dề lục bình nhỏ, thả trôi theo dòng sông lạch nước, qua ghềnh qua thác, qua nhiều đoàn hát, cuộc đời lưu lạc của em Lâm đã đưa em đi đến khắp các thôn, xã, tỉnh thành.
Năm 1975, em Lâm được 20 tuổi, theo đoàn hát đã 7 năm, đã đóng được vai kép chánh ở đoàn hát Sông Hậu 3 trong vai Lục Vân Tiên, hát với nữ nghệ sĩ Tuyết Thu trong vai Kiều Nguyệt Nga. Khi hỏi nghệ danh của em Lâm khi em làm diễn viên chánh của đoàn hát Sông Hậu 3, em cười, nói: Thôi, chú Phương cứ gọi cháu là Bảo Chung, khán giả biết tên nầy, chú gọi Bảo Chung, nói chuyện vui hơn. Nói xong Bảo Chung cười hề hề.
Tôi hỏi Bào Chung trong trường hợp nào Bảo Chung không diễn kép mùi nữa mà lại chuyển qua diễn vai hề. Bảo Chung cho biết:
Bảo Chung làm kép chánh qua nhiều đoàn hát, giữa năm 1979. Bảo Chung đang đi một đoàn hát miền Trung, đoàn thiếu một diễn viên đóng vai hề cho các vở Lâm Sanh Xuân Nương, Bên Cầu Dệt Lụa, ông trưởng đoàn nhờ nghệ sĩ Bảo Chung đóng giúp. Đang là kép chánh, Bảo Chung không nhận lời đóng vai hề nhưng vì đoàn bán dàn hát với một hợp đồng cao giá, không thể không hát. Nhiều nghệ sĩ trong đoàn cùng với trưởng đoàn năn nỉ Bảo Chung hy sinh cứu đoàn. Nghe bùi tai và vì sự sống của nhiều bạn nghệ sĩ trong đoàn, Bảo Chung hát vai hề trong chuyến bán dàn đó. Không ngờ khán giả cười quá mạng, nghệ sĩ trong đoàn cũng hoan nghinh tài nghệ và duyên chọc cười của Bảo Chung.
Vậy đó, sau đó tiếp theo nhiều lần Bảo Chung diễn hài, anh tự thấy thành công hơn khi hát vai kép chánh, số lương vẫn được trả cao như kép chánh nên từ năm 1985, vai hài đầu tiên với nghệ danh Bảo Chung được chính Bảo Chung và giới nghệ sĩ công nhận là vai Trần Lôi trong tuồng Chắp Cánh Chim Bằng, tác giả Thanh Kim Huệ, đạo diễn Thanh Điền và Đoàn Bá, đoàn cải lương Saigon 1.Vai hài nổi bậc nhất của danh hài Bảo Chung là vai ông trưởng ấp trong tuồng Tìm Lại Cuộc Đời của đoàn cải lương Saigon 2. Bảo Chung rất mê giọng cười của nghệ sĩ hài Văn Chung nên xem Văn Chung như người thầy trong nghề hát diễu của mình, Bào Chung đã gia công rèn luyện giọng cười dê kiểu Văn Chung, anh phải lấy hết ruột gan gân sức ra mới tạo được một tràng cười và cũng từ đó giọng cười đặc biệt không giống ai đó của Bảo Chung được khán giả và đồng nghiệp công nhận là giọng cười đặc sắc riêng của Bảo Chung.
Bảo Chung hát trên sân khấu đoàn cải lương Saigòn 1. Saigon 3, đoàn Trần Hữu Trang Năm 1992 nghệ sĩ Bảo Chung được khan giả và đọc giả các báo bỏ thăm bình chọn là một trong 10 danh hài được ưa thích nhất trong năm.
Sân khấu cải lương ngày một mất dần khán giả, Danh hài Bảo Chung rời sân khấu cải lương , thành lập nhóm tấu hài Bảo Chung. Danh hài Bảo Chung nổi danh qua các vai tấu hài với nữ nghệ sĩ Tài Linh, Hồng Vân, Thanh Hằng và các nghệ sĩ hài Bào Quốc, Phú Quý… qua nhiều tiểu phẩm tấu hài trong chương trình video Mưa Bụi.
Nhóm hài của Bảo Chung có những tiểu phẩm hát rất thành công như vở Bao Công, vở Tiên Ông, vở Táo Quân, vở Giao Thông Vận tải… vân vân…
Đa số các tiểu phẩm không có nội dung gì đao to búa lớn. Châm biếm một chút những thói hư tật xấu của người đời, đá nhẹ một chút những tiêu cực, tham nhũng của xã hội, móc ngoéo sơ sơ những chuyện nghịch lý trong đời sống thường nhật, những chuyện cười vô thưởng vô phạt, cười thư giản sau những giờ làm việc mệt nhọc trong các công trường, tấu hài của nhóm Bảo Chung cũng như hơn bốn chục nhóm tấu hài đang hoạt động rầm rộ trên các tụ điểm văn hóa như Đầm Sen, Hồ Kỳ Hòa, công viên Lê Thị Riêng, sân khấu Trống Đồng, tụ điểm 135, rạp Hoàn Kiếm, đại nhạc hội Duy Ngọc, quán bar Điểm Hẹn Saigon, quán bar Champa …
Nhờ có giọng cười độc đáo, nhờ có duyên sân khấu, danh hài Bảo Chung chẳng những đắc show diễn ở trong nước mà anh cũng được mời diễn nhiều show ở Hoa Kỳ.
Nghệ sĩ Bảo Chung tâm sự về nghề nghiệp tấu hài của anh. Bảo Chung nói:” Đến bây giờ tôi mới thấy diễn hài là khó. Hồi trước cứ ra sân khấu là diễn, còn bây giờ phải đau đầu nhức óc với mấy cái kịch bản tấu hài. Năm vừa qua, tôi khá thành công với hai tiểu phẩm “ Bao Công” và Tiên ông năm mới” nhưng cũng chính thành công đó đã gây khó cho tôi, vì nếu có cái nào mới, phải làm sao cho hay hơn, chớ dở hơn thì coi sao được?
Nói thì nói vậy chớ nhiều khi tấu hài, thấy khán giả cười quá mạng thì nhiều khi diễn viên tấu hài cũng sa đà, diễu tới tấp, cương ẩu, nếu nói những câu dung tục thì khán giả sẽ la ó phản đối, nếu cương mà nói những chuyện nhạy cảm thì Sở Văn Hóa bắt làm kiểm điểm, phạm lỗi nặng thì cấm hành nghề vài tháng. Nghệ sĩ hài muốn giữ vững nồi cơm của mình nên phải tránh không nói đến những chuyện nhạy cảm.
Về gia đình thì danh hài Bảo Chung đã một lần gảy đổ hạnh phúc gia đình. Nếu có ai hỏi đến thì anh cười hề hề, xin đừng nhắc lại chuyện cũ, nói chuyện mới vui hơn.
Chuyện mới mà Bảo Chung muốn nói tức là nói chuyện anh rất hạnh phúc với Bảo Uyên, người vợ tâm đầu ý hiệp của anh, người đã đem đến cho anh hạnh phúc trọn vẹn với hai đứa con gái mà anh rất yêu quý.
Bảo Chung nói:” Bảo Uyên là người mẫu minh họa cho các chương trình ca nhạc. Khi Bảo Uyên minh họa cho chương trình thu video tấu hài của Bảo Chung, Bảo Chung làm quen và chỉ một vài lần nói chuyện với nhau, Bảo Chung có cảm tình và thấy rằng đây là một nữa của mình. Vậy đó, Bảo Chung đeo riết, bày tỏ cảm tình, chân thành nóng bõng đến độ sắt thép cũng phải bị nung chảy ra…Kết quả là Bảo Chung và Bảo Uyên đã chọn đúng một nữa của mình. Chúng tôi làm lễ thành hôn. Bảo Uyên không làm người mẫu nữa mà chuyển qua kinh doanh bất động sản. Trong khi Bảo Chung thực hiện những chương trình tấu hài thì Bảo Uyên ở nhà chăm sóc con cái, lo lắng hậu phương cho Bảo Chung yên lòng theo đuổi nghề nghiệp.
Hiện tại, Bảo Chung và Bảo Uyên có hai đứa con gái, một ngôi nhà, một chiếc xe hơi, đủ tiền bạc và cơ ngơi chung sống một cuộc đời ấm no và hạnh phúc.
Thưa quí thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.