Nữ Nghệ sĩ Ngân Huệ, cô bé lọ lem của thế kỷ 21

Trong khi tình hình sân khấu cải lương ngày một xuống dốc, không có rạp hát, không có tuồng tích mới, khán giả ngày càng ít đến với những đêm hát cải lương nhưng nghệ sĩ cải lương, nhất là lớp trẻ vẫn không bỏ nghề hát vì họ tìm thấy niềm vui mỗi khi được xuất hiện trên sân khấu.

Khi màn nhung kéo lên, dưới ánh sáng sân khấu, họ mặc những trang phục cổ xưa hay hiện đại để cảm thấy được sống dưới hình tượng nhân vật đó, sống trong tâm trạng của vua chúa, hoặc công nương, hoàng hậu, hoặc những người sang trọng quyền quý mà trong thực tế, họ không thể nào có được cuộc sống như vậy.

Gia đình nghèo

Một chút ảo tưởng đẹp hầu vui trong lòng để mà vượt qua cái đói nghèo, cái bất công của xã hội đang đổ ập trên đầu họ. Và khi mà họ sống một cuộc sống đầy ảo tưởng đó, họ cảm thấy tâm hồn họ được nâng cao lên. Có nhiều nghệ sĩ trở nên đẹp hơn về hình thể và sắc diện khiến cho nhờ đó mà biến đổi được cuộc đời của họ giống như một con bé lọ lem được phép thần kỳ của bà tiên để trở thành một nàng công chúa sinh đẹp, sang giàu và hạnh phúc. Nữ nghệ sĩ Ngân Huệ là một bé lọ lem mà nghệ thuật sân khấu đã ban phép thần kỳ để thay đổi cuộc đời của cô và giúp cho cô một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Nữ nghệ sĩ Ngân Huệ tên thật là Phan Thị Thu Sương, sanh năm 1971, quê tại Sông Bé tức tỉnh Thủ Dầu Một.

Về hoàn cảnh gia đình thì Thu Sương, còn cha mẹ, cô có ba người anh, một chị và hai em. Gia đình không có ai theo nghề hát và đang sống ở tỉnh Sông Bé.

Khi còn học văn hóa, nhờ có giọng trong trẻo, ngân vang mà Thu Sương được cha mẹ cho học ca cổ nhạc. Năm 1986, mười lăm tuổi cô đã được đoàn Sông Bé nhận vào đoàn làm học diễn. Thu Sương lấy nghệ danh là Băng Sương.

Nữ nghệ sĩ Băng Sương tiến bộ nhanh, có thể đóng đào nhì và thế vai đào chánh nhưng một năm sau, Cô cảm thấy cái tên Băng Sương có vẻ lạnh lẽo quá, không hên nên nhân có giọng ca giống với nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ và Linh Huệ là hai nghệ sĩ thần tượng của cô nên Băng Sương đỗi nghệ danh lại là Ngân Huệ. Chữ Huệ là muốn giống như Thanh Kim Huệ hay Linh Huệ, còn chữ Ngân là có lẽ với ý khiêm tốn cô là bạc( ngân ) kém hơn Kim là vàng của Thanh Kim Huệ, nhưng một ông thầy bói lóc cóc tử ở Sông Bé quả quyết cái chữ Ngân đó là mang về nhiều tiền của để cho Ngân Huệ giúp đở cha mẹ và các anh chị còn ở quê nghèo Sông Bé.

Lời thầy bói

Lời bói của ông thầy lóc cóc tử Sông Bé chưa thành hiện thực vì nữ nghệ sĩ Ngân Huệ đi hát đoàn cải lương Saigon 3, rồi về đoàn Minh Tơ, đoàn Sông Bé 2 và Dạ Lý Hương, cuộc sống còn nhiều cơ cực tuy rằng giọng ca và nghệ thuật diễn xuất của Ngân Huệ cũng thu hút được sự tán thưởng của một số lớn khán giả ở các vùng mà cô có dịp đi diễn qua.

Ngân Huệ sau nầy nhắc lại năm 1994, cô về Saigon kiếm đoàn hát để đi, vì quá nghèo cô không có tới hai bộ đồ dính da, gia đình riêng của cô tan vở, đứa con 7 tuổi phải gởi cho cha mẹ nuôi dùm. Ngân Huệ quyết không chịu thua số phận, cô quyết đeo đuổi theo nghề hát vì cô tin là giọng ca của cô cùng sắc vóc và kinh nghiệm diễn xuất sẽ giúp cho cô vượt qua cơn khủng hoảng để ổn định cuộc sống và có một sự nghiệp sân khấu rỡ ràng như hai nghệ sĩ thần tượng Thanh Kim Huệ và Linh Huệ.

Năm 1995, nữ nghệ sĩ Ngân Huệ dầu chưa hoàn toàn ổn định cuộc sống, cô vẫn được giới thiệu dự thi huy chương vàng giải Thanh Tâm, tuy không đoạt được huy chương nhưng nữ nghệ sĩ Ngân Huệ được các nam danh ca ưa thích, chọn ca chung vọng cổ với cô. Trong các chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An và Đằm Sen, Ngân Huệ từng ca vọng cổ chung với danh ca Châu Thanh, một nghệ sĩ nổi tiếng có giọng ca dài hơi rất êm và điêu luyện. Ngân Huệ cũng từng diễn cặp với Vũ Luân, Kim Tử Long, Linh Châu và cô được đoàn hát Kim Thanh ( tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) mời về hát vai chánh, đóng cặp với kép chánh Kim Tiểu Long.

Bây giờ thì lời thầy bói bói về chữ Ngân trong cái tên Ngân Huệ trở thành hiện thực. Một người có cơ sở kinh doanh nổi tiếng ở Saigon, từng say mê tiếng hát của Ngân Huệ trong nhiều năm qua, đã kiên tâm đeo đuổi theo cô giống như Ngân Huệ kiên tâm đeo đuổi theo nghề hát. Khi Ngân huệ lên được đỉnh cao danh vọng thì cuộc hôn nhơn của cô và người yêu cô cũng thành tựu. Ngân Huệ có một cuộc sống sung túc, giúp đở được cha mẹ, anh chị em của cô ở Sông Bé và quan trọng hơn hết là chồng của cô nhiệt tâm giúp đở và khuyến khích cô trên con đường sự nghiệp ca hát mà cô yêu thích.

Thưa quý thính giả, vừa rồi là giọng ca của nữ nghệ sĩ Ngân Huệ. Năm 1999, nhà hát Trần Hữu Trang mời nữ nghệ sĩ Ngân Huệ đóng vai chánh, hát cặp với nam nghệ sĩ Chiêu Hùng trong các tuồng Giũ Áo Bụi Đời của soạn giả Quốc Khánh, vở Của Trời Cho của soạn giả Đức Hiền.

Những vai diễn được gọi là để đời, được nhiều khán giả ưa thích và báo chí thường nhắc đến là các vai đào chánh trong tuồng Tiếng Sáo Tương Tư, Giấc Mộng Phù Hoa, Trọn Giấc Mộng Tình, Đứa Con Mồ Côi…

Trong các năm gần đây, nữ nghệ sĩ Ngân Huệ ít đi hát theo các đoàn tỉnh, cô được mời ca nhiều hơn trong các chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc ở Saigon và các tỉnh. Nữ nghệ sĩ Ngân Huệ cùng đóng chung trong tuồng Phận Làm Gái của soạn giả Quy Sắc, hát chung với các nghệ sĩ Phương Quang, Thanh Tuấn, Đức Lợi, Hề Sa, Trọng Phúc, Mỹ Hằng, Tuyết Ngân.

Nữ nghệ sĩ Ngân Huệ cùng với các nghệ sĩ Trọng Phúc, Ngân Tâm, Trinh Trinh, Thanh Nguyệt, Ngân Huệ , Hữu Tài tham gia đóng bộ phim Cuộc Đời Đức Phật.

Nhớ thuở cơ hàn

Từ khi có cuộc sống khá giả, Ngân Huệ nhớ thuở cô lâm cảnh cơ hàn nên cô chú tâm làm công tác từ thiện, giúp cho đồng bào nghèo yếu neo đơn và các nghệ sĩ kém may mắn hơn mình. Ngoài việc thường xuyên đóng góp cho Ban Ái Hữu Nghệ Sĩ, chùa Nghệ Sĩ, nhà Dưỡng Lão Nghệ sĩ, Ngân Huệ còn giúp cho 5 tấn gạo cho đồng bào nghèo ở Bình Dương, giúp nhiều tấn gạo cho các gia đình nghèo ở phường Nguyễn Thái Bình, một số chùa ở Thủ Đức, Đà Lạt, Nha Trang để chùa thực hiện chẩn bần cho bà con phật tử nghèo. Đặc biệt nữ nghệ sĩ Ngân Huệ còn tặng cho nghĩa trang nghệ sĩ 10 chiếc quan tài để giúp cho các gia đình nghệ sĩ nghèo có hòm chôn nghệ sĩ vắng số và cô giúp 100 triệu đồng để làm con đường dẫn vào chùa nghệ sĩ..

Ngoài ra Ngân Huệ cũng tham gia các xuất hát không nhận thù lao nhằm thực hiện qủy giúp xây dựng nhà tình nghĩa, quỷ học bổng giúp học sinh nghèo.

Ngân Huệ đi ca giúp trong các chương trình của Đoàn Từ Thiện Phật Giáo, ca vọng cổ, viếng thăm các trại tù các trại cai nghiện ma túy ở Bến Tre, ở Bà Rịa Vung Tàu.

Việc cứu trợ đồng bào nghèo yếu, neo dơn, bị thiên tai bão lục thì gần như năm nào cũng có Hội Tiừ thiện, Chùa Nghệ sĩ đứng ra tổ chức, nhất là giúp đồng bào các tỉnh miền Trung, miền Tây, những vùng thường bị lũ lụt, khi nào có tổ chức cứu trợ, làm việc từ thiện thì người ta đều thấy có sự đóng góp rất hào sản của nữ sĩ Ngân Huệ.

Ngân Huệ và chồng của Ngân Huệ rất tâm đắc với nhau trong việc làm từ thiện vì Ngân Huệ nghĩ là mình được lộc của Tổ Nghiệp, dđược ơn phước của trời nên sẳn sàng chia xẻ với những người đồng nghiệp, đồng bào kém may mắn hơn mình.

Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.