Chuyện đêm Noel

Soạn giả Nguyễn Phương

Nghệ sĩ cải lương thờ Tổ Nghiệp nhưng cô Thanh Nga và một số nghệ sĩ đoàn Thanh Minh Thanh Nga tổ chức mừng Giáng Sinh không phải vì theo cái mode thời thượng của Saigon mà là vì một chuyện rất thương tâm của một em vũ nữ của đoàn hát.

ChristmasSingerChurch150.jpg
Một cô gái hát ở nhà thờ St. Antoine ở Hà Nội hôm 24-12-2003. AFP PHOTO

Câu chuyện như sau… Khi đoàn hát ở Biên Hòa, Thanh Nga gặp một em bé mồ côi tên Mão ở Gia Kiệm. Em xin theo gánh hát. Thanh Nga thương một em bé mới độ 13 tuổi, di cư vào Nam, nghèo khổ. bữa đói bũa no nên cô xin với mẹ thâu nhận hai anh em Mộc và Mão vô gánh hát.

Sau đêm hát chót ở rạp Biên Hùng, đoàn đi hát ở Đàlạt. Bà Bầu Thơ, Thanh Nga, Út Trà Ôn, những đào kép lớn và soạn giả ở khách sạn Palace; một số nghệ sĩ khác mướn khách sạn gần chợ Dalat, công nhân sân khấu, vệ sĩ, vũ nữ ở trong rạp hát. Em Mộc thì ở rạp hát với anh Mười, xếp âm li, còn cô bé Mão thì ở theo cô Thanh Nga.

Hát ở Dalat đêm nào cũng bán hết vé. Ban ngày, bà Bầu cho nghĩ tập tuồng để anh em đi du ngoạn. Chúng tôi hợp lại thành từng nhóm, hùng tiền nhau đi du ngoạn các hồ Than Thở, hồ Xuân Hương.

Tôi muốn đi viếng nhà thờ Domain de Marie nhưng Hữu Phước thì lại muốn tới Thiền viện Trúc Lâm và chùa Linh Quang Tự. Cuối cùng chúng tôi kéo nhau vô quán cà phê Tùng, thưởng thức cà phê trong cái phòng nóng hầm hập mịt mù khói thuốc.

Thành phố Dalat vào mùa Giáng Sinh se lạnh nhưng mỗi đêm, đèn sao giăng đầy trên các nẽo đường trên phố chợ, chiếu sáng lấp lánh khiến cho ta có cái cảm giác lâng lâng mộng ảo. Buỗi chiều ngày 24 tháng 12 năm 1962 đó, Hữu Phước bỗng nhớ ra là ngày Chúa Giáng Sinh, anh bèn mua một băng cassette nhạc Giáng Sinh, đưa cho anh Mười ampli nhờ hát loa nơi trước rạp hát.

Ðêm đông lạnh lẽo Chúa sanh ra đời, Chúa sanh ra đời, Nằm trong hang đá nơi máng lừa Trong hang Bê Lem, - Ánh sáng tỏa lan tưng bừng Nghe trên không trung, - Tiếng hát thiên thần vang lừng Ðàn hát (réo rắc tiếng hát) - Xướng ca (dư âm vang xa) Ðây Chúa Thiên Tòa giáng sinh vì ta Người hỡi (hãy kiếp bước tới) Ðến xem (nơi hang Bê Lem) Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn. . .

Nghệ sĩ Hoàng Giang đi chơi về, nghe loa phát thanh bài Ðêm Thánh Vô Cùng, anh phát la lên: "Trời đất! Bộ muốn mạt hay sao mà rạp hát lại hát bài đêm đông lạnh lẽo? Lạnh lẽo là vắng khách đó, mấy cha. Thay bài hát quảng cáo khác đi".

Vậy là Hữu Phước và Hoàng Giang cãi nhau về cái vụ có nên tin hay không tin dị đoan qua bài hát quảng cáo. Tôi quan tâm đến việc khác: tôi thấy bé Mão đứng tựa trước cửa rạp, lắng nghe bài hát "Ðêm đông lạnh lẽo Chúa sanh ra đời" một cách rất thành kính.

Cô Thuận, vũ nữ của đoàn, thấy bé Mão đang chấp tay, lim dim đôi mắt nên nhảy tới " Hù" một tiếng lớn. Bé Mão giựt mình, mở mắt ra, la: "Giới ơi! Chết tôi rồi!" Cô bé khóc liền ngay sau đó.

Tôi tới nói với bé Mão: "Chị em giỡn với nhau như vậy, có gì mà mầy khóc?"

- Con đang khấn nguyện Chúa, con bị hù, giựt mình, khấn nguyện chưa xong. . .

- Thì mầy khấn nguyện lại, Chúa còn ở trên trời chớ có đi đâu đâu mà mầy sợ Chúa không nghe…Mà mầy cầu xin Chúa điều gì? Nếu muốn thành đào hát thì thắp nhang lạy ông Tổ Nghiệp trong rạp hát kìa, còn cầu Chúa thì …. Tao hõng hiểu mầy muốn xin Chúa điều gì!

- Con muốn đến Giáo đường đọc kinh kính mừng Chúa vào giờ Chúa giánh sinh tối nay ở thành phố này..

Tôi lắc đầu, nói: "Tao mà còn không biết nhà thờ trên Dalat nầy ở đâu, gánh hát chân ước chân ráo mới tới đây, mầy đừng có đi ẩu, lạc đường rồi bị chết lạnh đó, nghe không. Với lại mầy giúp việc cho cô Thanh Nga, muốn đi đâu, phải xin phép cô Nga, biết chưa?". Con bé dạ lí nhí trong miệng.

Ðêm 24 đó, gánh hát Thanh Minh đông nghẹt khán giả. Hữu Phước nói móc ngoéo: "Nhờ hát bài " Ðêm đông lạnh lẽo" đó mà khán giả kéo vô nghẹt rạp, họ ngồi chen lấn với nhau cho ấm áp, phải vậy không anh Ba?"

Tôi biết là Hữu Phước chọc tức Hoàng Giang, tôi nói: "Thôi! Lo hát đi tía! Tối nay khách sạn Palace có tổ chức tiệc nữa đêm cho khách ở khách sạn. Bà Bầu đóng tiền gìùm cho tất cả chúng mình rồi. Chừng ăn ngổng quay, nhậu champagne, rượu chát, rượu vô lời ra, muốn nói gì để dành tối nay nói!"

Khách sạn Palace có dựng một cây thông giả thật lớn nơi phòng tiếp tân, dưới gốc thông có nhiều gói quà to nhỏ gói bằng giấy màu. Ðèn ngôi sao tí ti quàng trên cành lá thông sáng lấp lánh, chớp tắt lung linh, mờ ảo. Nhạc Giáng sinh phát ra ở đâu đó nghe như có như không. Một lò sưởi lớn tỏa hơi nóng hừng hực, ánh lửa reo vui. . .

Chuông nhà thờ ở đâu đó vọng lại, vang lên, mông lung xa vắng. Ông chủ khách sạn mời Bà Bầu Thơ, Thanh Nga, Út Trà Ôn, Hoàng Giang và mọi nguời nâng ly chúc sức khoẻ cho nhau. Cuộc tiệc mới bắt đầu mà đã ồn ào, náo nhiệt. Mọi người ăn mạnh bạo như rồng bay gió cuốn.

Bắt đầu cụng ly, Hoàng Giang khởi đầu bằng cách cạn một hơi ly rượu chát của ông chủ khách sạn mời. Hoàng Giang uống xong, rót rượu cho Hữu Phước. Hữu Phước nói: "Cho tới bến luôn" rồi nhắm mắt làm một hơi coi cũng ngon lành. Cái tua rượu xoay quanh các nghệ sĩ lớn, các nghệ sĩ đàn em vổ tay cổ võ, nói khích, chấm điểm, hò hét trợ oai cho mấy ông nội nhậu say, té bò càn chơi cho nó đã…Tiếng nhiều người cùng hô to Vô… Vô… Vô…khiến cho tiệc rượu náo nhiệt càng thêm náo nhiệt…

Tôi chợt nhìn quanh, không thấy con Mão, tôi hỏi thì Thanh Nga nói chắc là con Mão kiếm cái gì đó ăn rồi đi ngũ rồi. Bà Bầu biểu con Thuận đi kêu nó ra ăn uống vui chơi với mọi người. Con Thuận lên phòng ngũ của Thanh Nga, rồi tìm kiếm khắp các phòng khác, cũng không tìm thấy con Mão. Nó chạy ra, hớt hơ hớt hải, nói con Mão mất tích rồi.

" Con Mão mất tích! Con Mão mất tích!" Mấy tiếng nói gọn hơ của con Thuận làm cho mọi người ngơ ngác, như tiếng sấm sét nữa đêm khiến cho cuộc thi uống rượu hào hứng bỗng bị cụt hứng. Bà Bầu nói: "Phải cho người đi kiếm con Mão về. Ở đây lạ nước lạ cái, mình nhận con của người ta theo đoàn hát, không thể để cho nó đi đâu mất được."

- Trời tối hù như vầy, biết nó đi đâu mà kiếm? Hay là nhờ khách sạn điện thoại hỏi Ty cảnh sát, nhờ kiếm dùm.

- Nó lạc đường rồi! Từ rạp hát ở gần chợ, về tới khách sạn Palace, xa lắm và nhiều ngõ ngách quanh co, gập ghềnh lắm, chớ bộ. . .

Mỗi người góp một ý kiến, ồn ào như nhóm chợ chồm hỗm. Tôi nói hồi chiều con Mão nói nó muốn đi nhà thờ xem lễ nữa đêm và đọc kinh kính mừng Chúa Hài Ðồng.. Tôi không biết nhà thờ ở đâu nên nói nó trước khi muốn đi đâu thì phải xin phép cô Nga.

Bây giờ nếu có ai biết nhà thờ ở đâu, dẫn tôi đi, tôi tin là sẽ kiếm được con Mão. Ông chủ khách sạn cho một người bồi phòng dẫn tôi đi. Họa sĩ Phan Phan và Kiên Giang cùng đi với tôi vì hai người đó ăn no quá, muốn đi lội bộ cho tiêu thịt ngổng, đi cho nhẹ bụng.

Hoàng Giang đề nghị tổ chức bốn toán, đi bốn ngã đường và ra rạp hát kiếm. Hữu Phước cầm đầu một toán, Hoàng Giang, một toán khác, Minh Ðiễn và hề Kim Quang đi thành hai toán nữa. Hoàng Giang dặn ông chủ khách sạn khoan dọn dẹp bàn tiệc. Các anh kiếm được con Mão rồi sẽ về nhậu tiếp cho tới sáng. ông chủ khách sạn điệu nghệ, sẳn sàng chìu khách.

Ðường khuya trong thành phố Dalat không thơ mộng như đường phố những buỗi chiều hay lúc vừa chạng vạng tối. Sương đêm dày đặt, lạnh buốt xương. Ánh đèn đường tỏa ra một màu vàng mù mờ; trong các ngôi nhà có đạo thì thấy còn thấp nến hay đèn mờ mờ cho buỗi tiệc nữa đêm. Ngoài ra ở các nhà khác thì tắt đèn, bóng tối bao trùm một màu đen thủi đen thui. Ba người chúng tôi đi theo anh bồi khách sạn, bước thấp bước cao trên con đường đá xanh hướng về phía nhà thờ.

Thi sĩ Kiên Giang bỗng cao hứng, ngâm lớn mấy câu thơ :

Ðêm hiện dần lên những chấm sao, Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao. Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh, Ai biết cầu Ô ở chỗ nào?

Tôi nói, câu thơ thứ tư phải đỗi lại như vầy: Con Mão giờ đây ở bến nào? Rồi tôi lập lại:

Ðêm hiện dần lên những chấm sao, Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao. Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh, Con Mão giờ đây ở bến nào?

Kiên Giang bật cười ha hả: "Anh thực tế quá nên phá ý thơ của tôi. Sông Ngân đối với cầu Ô thước mới chỉnh, anh chen con Mão, con mèo đối với con quạ ô thước thì chết cha thơ của tôi rồi!"

Phan Phan cười hề hề: "Lạnh thấy mẹ mà thơ thẩn gì nỗi. Hồi nảy quên lấy chai rượu Martel trên bàn tiệc mang theo, phải nhớ thì bây giờ có chút gì cay cay để cho ấm bụng, đở phải làm thơ lôi thôi!"

Phan Phan phát la lớn: "Kia kìa, phải con Mão nằm trong gốc tường đá đó không?"

Chúng tôi nhìn theo hướng ngón tay chỉ của Phan Phan, thấy nơi góc hai bờ tường của hai ngôi nhà giao lại, có bóng một người ngồi co ro, run rẩy. Tôi chạy đến, đở lên thì đúng là con bé Mão, nó lạnh quá nên co quắp lại, hai tay ôm ngực, môi tím bầm. Thấy tôi, nó run run, thều thào: "Ông ơi! Cứu con… con lạnh quá… Cứu con !"

Tôi cởi cái áo mưa dầy hai lớp mà tôi thường mặc mỗi khi đi đêm ở Dalat, choàng cho con Mão, vổ về nó: "Có mấy ông, mấy chú đây rồi… đừng lo".

Tôi cho nó một viên kẹo ho để nó ngậm cho ấm lại. Anh Bồi phòng trùm nó trong cái áo mưa của tôi, vác nó trên vai, trở về khách sạn để sưởi cho nó.

Lửa trong lò sưởi được tiếp thêm nhiều khúc gổ thông lớn, con bé Mão ngồi gần lò sưởi nhất. Da mặt của nó ửng hồng lại rồi, môi cũng hết màu tím xanh. Ông chủ khách sạn cho nó ăn một chén súp nóng,

Bà Bầu Thơ khi biết kiếm được con Mão, bà lập tức đến xem việc cấp cứu nó. Con Mão tỉnh lại, nhìn bà lo sợ, nó ngước mắt ra cửa khách sạn, thấy anh Mộc của nó, nó chạy lại, hai anh em ôm nhau mà khóc.

Anh nó đứng trước bà bầu, khoanh tay lại nói: "Thưa bà, thưa các bác, các chú,… hai anh em con xin cám ơn bà, cám ơn các bác, các chú đã thương yêu và đùm bọc cho chúng con. Không phải em con ham vui, đi lạc đường, làm nhọc lòng các bác các chú.

Em con muốn đến nhà thờ để cầu nguyện cho mẹ… Con đã đi nhà thờ cầu nguyện cho mẹ con mà không dẫn em đi vì em con giúp việc cho cô Ba, con không muốn em nó bê trể phận sự… (Nó cố nén tiếng khóc, nghẹn ngào nói tiếp)

Mẹ con mất vào ngày 24 tháng 12, ngày lễ Chúa Giáng sinh… Hồi đó mẹ con đau nặng, mẹ muốn đến nhìn hang Bê Lem, nhìn tượng Chúa Hài Nhi và đức Mẹ Ðồng Trinh để cầu nguyện… Con và em con dìu mẹ đi đến hang đá của giáo đường, nhưng đi gần tới thì mẹ qụy xuống, mẹ đã về nước Chúa mà không thực hiện được nguyện vọng cuối cùng. Mẹ muốn nguyện cầu trước tượng Chúa Hài Nhi mà không được…”

Nghe anh nó nói tới đây, con Mão òa khóc lớn lên, Thằng Mộc cũng khóc lớn, hai anh em nó ôm nhau mà khóc, khóc như mưa bấc.

Bà Bầu lắc đầu, gạt nước mắt, quay đi chậm chậm lên cầu thang để về phòng của bà. Thanh Nga đôi mắt đỏ hoe: "Nhớ mẹ, muốn cầu nguyện thì nơi đây cũng có hang đá, có Chúa Hài Nhi…Sao không ở đây cầu nguyện?"

- Em không dám. Khi đi nhà thờ, em đi chưa tới nhưng lạnh quá, cóng tay, cóng chân, đi không nỗi nữa, em khụy xuống, tưởng chừng như mẹ đã khụy chết khi chưa tới bên hang đá, em sợ quá… Muốn kêu cứu mà không kêu được, không nói được… Nếu các ông không tới kịp, có lẽ em đã theo về nước Chúa với mẹ em rồi..

Biết gia đình của Mộc và Mão có đạo dòng, di cư từ Bắc vào Nam từ năm 1954 nên Thanh Nga cho bày hang đá, tượng Chúa Hài Nhi và tổ chức tiệc nữa đêm tại nhà trong dịp lễ Giáng Sinh, cho bé Mão và Mộc tham dự. Anh em trong đoàn hát cũng tổ chức tiệc nữa đêm tại nhà, luân phiên tới viếng nhau để nhắc kỹ niệm xưa.

Ngày nay, ở xứ người, mỗi dịp Noel, nghe tiếng chuông Giáo đường đổ, nghe nhạc khúc Ðêm thánh vô cùng, tôi bồi hồi nhớ lại chuyện cũ năm xưa…hồi đó, sao mà người nghệ sĩ lại có thể thương mến nhau một cách rất mộc mạc, rất chân tình như vậy?

Chương trình cổ nhạc đến đây xin dứt, Nguyễn Phương xin hẹn giờ nầy tuần sau.