Kỳ trước tôi đã trình bày tục lệ cưới hỏi, mà trầu cau là biểu tượng cho lễ nghĩa. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, và trầu cau không thể thiếu trong lễ cưới hỏi.
“18 Thôn Vườn Trầu”
Ở vùng Bà Điểm, Hóc Môn cách Sài Gòn khoảng hơn 15 cây số về hướng Tây Bắc, nơi đây khi xưa gọi là “18 Thôn Vườn Trầu”. Vùng này hầu như nhà nào họ cũng có trồng trầu, trồng cau không nhiều thì ít. Về kỹ thuật trồng trầu có liên quan đến câu ca dao, mà các thiếu phụ ở miền thôn quê hát ru con: “Trồng trầu thì phải khai mương, làm trai hai vợ sao thương không đồng”.
Không biết cách ăn trầu ở ngoài Bắc có khác với ăn trầu trong Nam hay không, mà cô đào đất Bắc khi nhận đóng vai Bà Năm Trầu, cô đã phải khổ công nghiên cứu tập dượt. Do bởi nhận một vai trò, mà dù người miền Nam rặt cũng chưa chắc ăn, nếu như không tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ lưỡng thì khó mà nhập vai được, đó là vai Bà Năm Trầu, một bà già trầu Nam Bộ.
Tuy đã sống hơn 20 năm ở miền Nam, đã nhiều lần gặp các bà già trầu trong Nam, nhưng lần này khi nhận vai diễn, Thanh Vy rất lo, nên ngoài phần tập dượt chung ở sàn tập, cô đã phải bỏ nhiều buổi đi ra chợ để quan sát các bà già trầu, đồng thời tiếp xúc với mấy bà bán trầu cau, để tìm hiểu thêm về cách ăn trầu, têm trầu, xỉa thuốc của các cụ, rồi về nhà tập thử, đến nỗi tối ngủ còn nằm mơ thấy mình nhau trầu đến... cứng hàm!
Do đạo diễn buộc phải ăn trầu thật, và bởi vì lần đầu mới tập ăn nên Thanh Vy bị say trầu. Ít ai biết được tối nào diễn vai bà Nam Trầu, Thanh Vy cũng như... người say. Đàn ông say rượu, còn cô say... trầu, say đến chảy cả nước mắt vì cả đời chưa hề biết mùi trầu là gì. Suất hát nào cũng vậy, trước giờ diễn hơn nửa tiếng thì Thanh Vi đã phải ăn trầu, nhổ bớt hai lớp nước đầu cho bớt say, để cái cảm giác say nồng giảm đi chỉ còn như lâng lâng. Có người nói vui nhờ cái say lâng lâng ấy mà diễn xuất của Thanh Vy trong vai Bà Năm Trầu dường như bay bổng hơn.
Thanh Vy làm người xem hết sức thú vị, vì một tính cách rất dễ thương của một bà lão. Bà Năm Trầu vừa xuất hiện đã lập tức gây sự chú ý.
Sự tích Trầu Cau
![Bìa đĩa hát Chuyện cổ tích “Trầu Cau”. Photo courtesy of CLVN.](https://www.rfa.org/resizer/v2/RIJTXJF2ADGSOX7RQQ44CBOFRE.jpg?auth=7890db2a82112e4702278fd4be9e799df8edaa9ae53db2edd40d0bfee11dcd88&width=400&height=385)
Và sau đây tôi xin kể tiếp câu chuyện sự tích Trầu Cau:
Từ ngày người em bỏ ra đi, Tân Sinh buồn vô cùng, chàng quyết tìm kiếm em. Tân Sinh đến nhà lão tiều, lão tưởng là Lang Sinh sống dậy, vì hai người giống nhau như một, Tân Sinh được biết chuyện như thế, ra thăm mộ người em. Bấy giờ nấm mộ biến thành một phiến đá lớn. Tân Sinh gục đầu bên gò đá mà khóc cho đến chết.
Vợ chàng ngày tháng trông chờ bên mái tranh hiu quạnh, vẫn vắng bặt bóng chồng, nàng quảy gói lên đường vạn lý tầm phu. Rồi thì cũng lại đến nhà lão tiều, nàng biết rõ câu chuyện. Ra thăm mộ chồng và em, nàng vô cùng kinh ngạc vì chỉ thấy một phiến đá trắng, cạnh bên có một cây cau. Sự đau đớn xé nát lòng người vợ hiền, chị thảo. Nàng dựa vào thân cây, khóc kể đến chết cho trọn lòng chung thủy. Nàng chết rồi, có một dây trầu quấn chặt lấy thân cau, cạnh phiến đá vôi trắng nỏn nà.
Vua Hùng Vương thứ 6 có dịp thân hành ngang qua đây, nhìn thấy cây cau, dây trầu và phiến đá, và nghe lão tiều phu kể lại câu chuyện. Nhà vua lấy trái cau, lá trầu và miếng đá vôi nhai thử, thấy màu đỏ thắm, và mùi vị cay nồng. Cảm thương ba người trong câu chuyện, nhà vua truyền trong nhân gian tập ăn trầu, và dùng trầu cau làm lễ cưới hỏi. Tập tục được lưu truyền từ đó cho tới ngày hôm nay.