Khán giả cải lương đi xem phim
Đào kép cải lương nhảy sang đóng phim đã làm cho màn nhung sân khấu tệ hại thêm, do bởi hãng phim đã mời toàn nghệ sĩ nổi tiếng, đang được khán giả ái mộ. Do vấn đề thương mại, các hãng phim thời bấy giờ họ tính toán khá kỹ, thay vì mời tài tử chuyên nghiệp, họ lại mời đào kép cải lương tên tuổi, bởi khi có mặt đào kép cải lương đang là mục tiêu mua vé của khán giả trên sân khấu, thì con số khán giả đó sẵn sàng đi coi phim, nếu như thần tượng của họ có mặt trong phim, như trường hợp đào Thanh Nga là một vậy.
Người sành điệu thời đó nói rằng, khán giả đi coi phim “Loan Mắt Nhung” thì hết tám chục phần trăm là khán giả thuần túy cải lương. Do vậy mà phim này hốt bạc cũng đúng thôi. Số khán giả xưa giờ vốn trung thành với cải lương, giờ đây họ đi coi chiếu bóng, khiến cho rạp cải lương ghế trống trơn thì mở màn thế nào được. Sau Thanh Nga rồi đến đào Bạch Tuyết cùng đào Mộng Tuyền cũng nối gót bước sang điện ảnh. Người ta con nhớ, năm 1970 hoạt động cải lương tê liệt, nghệ sĩ than trời như bộng, cải lương chi bảo Bạch Tuyết tâm sự với một ký giả kịch trường, cô nói:
Trong tình thế này, khó mà làm gì hơn. Tuyết may mắn đứng vào tư thế đỡ khổ hơn nhiều anh chị em nghệ sĩ, vậy mà còn gặp phải bao nhiêu trở ngại khiến cho sân khấu cải lương phải sa sút. Thấy mà không làm được gì, biết mà khó sửa chữa có hiệu quả, thôi thì Tuyết tạm nghỉ hát trong một thời gian coi xem sao. Tuyết có chương trình, nhưng nói bây giờ e rằng sớm và không hay vì biết đâu vì lẽ này hoặc lẽ khác, Tuyết chưa thực hiện được thành ra mình nói lố...
Hỏi về vấn đề tuồng tích, Bạch Tuyết trả lời:
Chú nghĩ coi, tuồng tích bây giờ chỉ hát độ 2 tuần lễ rồi cất luôn, soạn giả nào nào còn tinh thần sáng tác. Viết cho mau, viết vội để có tuồng, và viết trong lúc xuống tinh thần, dĩ nhiên là kém rồi. Nhiều lúc diễn viên ra sân khấu không chỗ diễn, khán giả phàn nàn mình thiếu cố gắng. Thôi thì phải chịu. Tuyết tạm rời sân khấu một thời gian. Tái ngộ với quí khán giả bốn phương là việc mà Tuyết mong muốn rồi, nhưng chưa biết ngày nào. Và như Tuyết đã nói Tuyết có chương trình, song chưa dám nói ra. Có điều Tuyết có thể nói với chú một cách thành thật là Tuyết rất
yêu nghề, yêu sân khấu...
Cải lương chỉ bảo Bạch Tuyết số hên hơn phần đông đào kép khác, nghỉ lên sân khấu chẳng bao lâu thì được mời đóng phim. Bạch Tuyết được nhiều hãng phim mời mọc trong đó có hãng Việt Ảnh của đạo diễn Bùi Sơn Duân, mời đóng phim “Như Hạt Mưa Sa”. Cuốn phim được tham dự giải điện ảnh và Bạch Tuyết đoạt giải tượng vàng diễn viên xuất sắc vai phụ. Cùng lúc ấy đào Mộng Tuyền cũng tham gia tài tử màn bạc, và là nữ tài tử sáng giá. Về phía kép cải lương thì Hùng Cường, Thanh Tú cũng trở thành tài tử chính ở địa hạt điện ảnh. Đào kép tên tuổi rời bỏ sân khấu, vậy thì bảo sao cải lương không ngất ngư chớ!
Ngoài ra vấn đề diễn xuất tuy có sự khác nhau giữa “sân khấu” và “ống kính”, nhưng nhiều đào kép thông minh chỉ cần nhắc sơ là có thể đóng phim ngay được. Thêm vào đó ở Việt Nam đa số dân chúng bình dân rất dễ dãi khi xem chiếu bóng, vì vậy sự có mặt của đào kép cải lương sẽ làm tăng số khán giả loại này rất nhiều.
Hãng phim âm thầm mời nghệ sĩ cải lương
Kể từ sau các phim “Loan Mắt Nhung”, phim “Chiều Kỷ Niệm” được ra mắt khán giả với mức thành công khả quan về số thu, thì đào kép cải lương được mùa đóng phim. Các hãng âm thầm chạy mời nghệ sĩ cải lương ký giao kèo để thực hiện gấp rút những phim khác, và những nghệ sĩ tên tuổi đang ăn khách của sân khấu được chiếu cố đến.
Trước tình hình sa sút của sân khấu vì thời cuộc càng ngày càng bóp chẹt mọi mặt cho sự hoạt động của các đoàn hát, nên gặp dịp được các hãng phim mời là một số nghệ sĩ nhận lời ngay. Trước hết và nhiều nhứt có 4 nghệ sĩ sân khấu được các hãng phim thi đua ký giao kèo trước để dành quyền ưu tiên là: Thanh Nga, Hùng Cường, Bạch Tuyết và Thanh Tú.
Rồi đến các vua hề cũng được hãng phim Tàu chiếu cố. Hãng Á Đông phim ở Chợ Lớn, một công ty của người Tàu, do người Tàu điều khiển và họ đã âm thầm chạy mời tất cả các anh hề đang ăn khách nhứt của sân khấu cải lương, tân nhạc để đóng trong một cuốn phim hài hước từ đầu đến cuối gồm có: Thanh Việt, Khả Năng, Phi Thoàn, Hoàng Mai và Văn Chung.
Nữ tài tử có: Bé Bự (của Dạ Lý Hương), Túy Hoa, Diễm Kiều, Tường Vi và Túy Hồng, nghĩa là có 5 ông và 5 bà tất cả, nhưng bên nữ kể về hề thì có Túy Hoa và Bé Bự.
Hỏi một anh hề tựa phim và cốt truyện do ai viết, nội dung ra sao. Anh ta đáp:
Cốt truyện do người Tàu viết, và đạo diễn cũng do người Tàu luôn, thành ra chưa biết tựa sẽ mang tên là gì? Nghệ sĩ chỉ theo sự hướng dẫn của đạo diễn ở sàn quay thôi.
Hỏi thăm về tiền thù lao? Anh cho biết:
Kể như là hãnh diện lắm, do đó mà tôi ký luôn với hãng phim này một phim thứ nhì thuộc loại kiếm hiệp.
Tuy vậy dần dần số đào kép cải lương này cũng giảm bớt, ông Thái Thúc Nha cho biết như Hùng Cường chẳng hạn, về sau cũng ít ai chịu mượn vào đóng phim nữa. Từ năm 1973 trở đi thì điện ảnh bắt đầu xuống dốc, xuống mau lẹ, khiến cho nhiều người hăm hở trước đó đã phải bỏ cuộc, có người sạt nghiệp luôn bởi bao nhiêu vốn liếng bỏ vào chẳng thu lại được, mà còn thêm nợ cũng do làm phim mà ra.
Từ năm này tài tử chiếu bóng thất nghiệp dài dài, đa số đào kép cải lương tham gia điện ảnh đành quay trở về sân khấu để sống. Nhưng chạy ô mồ mắc ô mả. Bắt đầu thời điểm giữa năm 1969, hai hãng chiếu bóng Show và Lido của Chú Ba tranh nhau thuê tất cả rạp hát ở đô thành để khai thác về điện ảnh, và dĩ nhiên mấy chú chỉ chiếu phim Tàu. Những hãng phim lô canh như Mỹ Vân, Mỹ Phụng, Alpha, Liêm... đều bó tay chịu trận để ngồi coi phim kiếm hiệp Tàu tràn lan trên đất nước.
Về phía cải lương không có rạp, phải rút về tỉnh, nhưng rồi ở tỉnh cũng không xong, các rạp ở tỉnh lỵ, thì xã cũng bị Chú Ba mua hoặc thuê dài hạn hết. Ở Cần Thơ có rạp Minh Châu xưa giờ là nơi đón tiếp cải lương, nếu hát đều đều vẫn kiếm ăn được, bởi khán giả Tây Đô rất mến mộ cải lương. Thế nhưng đến thời điểm nọ rạp Minh Châu cũng bái bai cải lương, bởi khoảng giữa 1971 thì rạp Minh Châu sửa chữa lại phá bỏ sân khấu để cho chiếu phim Hồng Kông.
Sức mạnh của Chú Ba thời này thật là vô địch, đuổi không cho cải lương sống tại Thủ Đô là quá lắm rồi! Rồi lại còn tràn xuống tỉnh lỵ để tống quách cải lương đi hát đình hát chợ, đau như bị bò đá. Thời đó dân Cân Thơ muốn coi cải lương phải xuống Cái Răng hoặc qua Cái Vồn mà coi, và người ta nói rằng Chú Ba dùng “đại đao” để giết cải lương.