Đi hát lúc 8 tuổi
Là một giọng ca nữ được giới mộ điệu ưa chuộng, Ngọc Giàu thành danh rất sớm, và nghệ thuật cải lương cùng dĩa hát đã đưa người nghệ sĩ đến mức vinh quang trong sự nghiệp cầm ca.
Đi hát lúc 8 tuổi, đến 16 tuổi đoạt giải Thanh Tâm 1960 cùng một năm với kiều nữ Bích Sơn, và từ ấy cho đến thập niên sau Ngọc Giàu vẫn còn hát. Còn Bích Sơn thì sau ngày đoạt giải thì gần như không còn đứng trên sân khấu.
Ngọc Giàu tên thật là Công Tôn Nữ Ngọc Giàu, sinh năm 1945, cha mẹ là người Huế vào Nam lập nghiệp ở vùng Thủ Thiêm. Lúc đầu Ngọc Giàu gia nhập đoàn Kim Phụng, sang năm 1957 đi đoàn Thanh Thanh của bầu Văn Khá, 1958 cộng tác với Mai Lan Phương, rồi về đoàn Tỷ Phượng.
Lúc đó Ngọc Giàu chỉ xin một chân vũ sinh mà thôi, nhưng rồi khi nghe qua làn hơi ca của Ngọc Giàu thì mọi người không khỏi ngạc nhiên, vì tuy rằng giọng nói khàn khàn, lại có thể phát âm một giọng thổ đặc biệt trong lời ca.
Rồi thì soạn giả thử thách Ngọc Giàu qua các vai đào non nhí nhãnh, rồi đào thương, đào võ v.v... để rốt cuộc nhận định rằng Ngọc Giàu có nhiều triển vọng trở thành một đào thương quí phái. Theo như ký giả kịch trường Hoài Ngọc thì Ngọc Giàu thông minh và dễ dạy nên chẳng bao lâu cô đóng được vài vai chánh. Ngọc Giàu đi đoàn Cữu Long và đã được sự trìu mến của khán giả miền Hậu Giang. Tuy nhiên, tài nghệ của Ngọc Giàu ít được người trong giới biết đến. Bởi vậy khi Cữu Long tan rả, về gia nhập đoàn Minh Hùng, Ngọc Giàu không được giao phó một vai nào xứng đáng cả.
Đến khi bước sang sân khấu Ngọc Kiều thì được bầu Hoàng Kinh biết vận dụng mầm non đúng mức, và biết khai thác tận tình những sở trường của cô đào trẻ. Thỉnh thoảng bầu Hoàng Kinh gặp Hoài Ngọc là vội khoe: “Ngọc Giàu hát có duyên lạ lắm mà hơi ca cũng đang đà tình cảm khó tả”.
Rồi cũng nhờ sân khấu Ngọc Kiều đó mà Ngọc Giàu được sự chiếu cố của cặp mắt nhà nghề khác: Bà bầu Kim Chưởng! Về với đoàn Kim Chưởng, Ngọc Giàu thay vai cho Út Bạch Lan trong vở “Nước Mắt Kẻ Sang Tần” đến lần hồi được thủ một loạt vai chính trong những vở mới nhất của các soạn giả Phong Anh, Yên Trang, Hoài Linh, Hoài Sơn, bên cạnh Kim Chưởng và Thúy Nga. Chịu khó học tập, trau dồi nghề nghiệp, luôn vui tánh Ngọc Giàu được cảm tình của các từng lớp khán giả cũng như được anh chị em trong giới khen ngợi.
Các hãng dĩa chú ý nhiều nhất
Trọn năm 1960 trong hàng đào trẻ, Ngọc Giàu là người được các hãng dĩa chú ý nhiều nhứt. Bởi vậy nên trên các mặt dĩa: Thành Công, Tứ Hải, Việt Thanh, Hồng Hoa đâu đâu người ta cũng thấy tên Ngọc Giàu.
Mỗi lượt đài phát thanh mở lên phần cổ nhạc thu thanh, chỉ nghe đến hơi ca của Ngọc Giàu là giới sành điệu biết ngay: một hơi ca truyền cảm lạ, một giọng thổ đặc biệt chỉ riêng có ở một Ngọc Giàu mà thôi, và một hãng dĩa mới chọn Ngọc Giàu mở đầu cho loạt dĩa tình cảm, mời vài ký giả kịch trường đến thăm để nghe Ngọc Giàu diễn đạt. Một ký giả đang say sưa theo dõi từng câu ca, thì bỗng nhiên người chuyên viên thu và phát âm của hãng đến vỗ vai nói: ông có nghe gì qua hơi ca của Ngọc Giàu không?
Rồi chính người ấy lại nói tiếp: “Tôi nghe có tí cá rô trong đó”. À! Thì ra người ta nhớ lại rằng chính ở Ngọc Giàu còn phảng phất chút âm điệu của người Huế, bởi cha mẹ cô người miền Trung thực sự. Sự pha trộn âm điệu của tiếng miền Trung và tiếng miền Nam để tạo cho Ngọc Giàu một hơi ca khác biệt là vậy đó. Ít ai phân tách được tỉ mỉ trường hợp hiếm có này.
Rời đoàn Kim Chưởng, Ngọc Giàu ký hợp đồng với đoàn Thanh Minh Thanh Nga, với số tiền khá lớn nên cha mẹ Ngọc Giàu đã cất được nhà gạch trên nền nhà xập xệ năm xưa. Có đi sâu vào nghề và có trực tiếp đạo diễn cho Ngọc Giàu, thì người ta mới thấy một nhược điểm khá trầm trọng của cô đào trẻ này:
Khi đã phạm phải một lỗi lầm nào trong lời ca hay trên lối diễn rồi, thì Ngọc Giàu khó thể sửa được. Hôm nay diễn sai lớp ấy, ngày mai lại vẫn tái phạm. Ban nãy đã ca chẽ văn hay trật chữ trong một câu ca, thì lát sau lại cũng lầm lạc nữa. Điều này bắt buộc soạn giả và đạo diễn phải chăm sóc tỉ mỉ Ngọc Giàu từ khi mới ráp tuồng, hay đọc lời văn thì mới giúp đỡ cho cô tránh được nhược điểm nói trên. Lại cũng còn một nhược điểm khác, mà trời đã dành cho Ngọc Giàu và cô không có can đảm nhờ khoa học biến cải:
Đó là cái mũi tẹt của cô. Đã có nhiều ông bà bầu muốn đưa Ngọc Giàu đến thẫm mỹ viện sửa mũi cho cao hơn để gương mặt tròn trịa của cô càng thêm sáng đẹp, nhưng Ngọc Giàu đã phải thốt ra những lời sợ hải:
Không! Không em không chữa mũi đâu. Trời sanh sao để vậy, vì biết đâu chữa mũi rồi thì em lại mất hơi ca!
Kể ra thì Ngọc Giàu cũng có lý đấy, nên muốn giữ được hơi ca trời cho, Ngọc Giàu đành cam mang cái mũi trời cho không mấy đẹp. Tuy nhiên đã mấy phen Ngọc Giàu được các tay hóa trang nhà nghề về điện ảnh chỉ bảo cho cách tô son điểm phấn để cố tình đánh lạc đi phần nhược điểm nói trên rồi. Cho nên ra sân khấu, Ngọc Giàu vẫn đẹp cái đẹp trang nhả dịu hiền của cô gái Xuân vừa mười sáu, và nhờ vậy mà ban tuyển chọn giải Thanh Tâm 1960 đã chấm cho Ngọc Giàu đủ điểm để nhận lãnh huy chương vàng nghệ sĩ triển vọng.
Mời quí vị tiếp tục theo dõi trong phần âm thanh làn hơi ca truyền cảm của Ngọc Giàu qua bản vọng cổ “Tình Mẫu Tử” thu thanh dĩa hát đầu thập niên 1960.