Amy Trần thủ môn Việt Nam của đội banh hockey Hoa Kỳ ở Olympic 2008

Thưa quý vị thính giả, từ năm 1996, cũng như trong thế vận hội Bắc Kinh 2008 vừa qua, đội tuyển Hockey nữ của Hoa Kỳ có mặt để tranh tài. Hockey là một môn thể thao giống như bóng tròn, nhưng thay vì dùng chân, thì các cầu thủ phải dùng một cây gậy cong để điều khiển trái banh.

0:00 / 0:00

Cha cô là một TQLC thuộc QLVNCH

Người thủ môn của đội tuyển Hoa Kỳ là cô Amy Trần, người Mỹ gốc Việt. Trang Phụ Nữ kỳ này xin được giới thiệu đến quý vị và các bạn đôi nét về cô thiếu nữ rất đặc biệt này. Và cũng xin thưa rằng, vì cô không nói được tiếng Việt nên phần chuyển ngữ sẽ do Nhã Trân trình bày.

Cha cô người Việt, từng phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hoà. Sau biến cố 30/4/1975, ông định cư tại Harrisburg, Pensylvania.

Thưa quý vị, Amy Trần sinh năm 1980 ở Pennsylvania, tiểu bang Philadelphia. Cha cô người Việt, từng phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hoà. Sau biến cố 30/4/1975, ông định cư tại Harrisburg, Pensylvania. Sau đó, ông lập gia đình với một phụ nữ Mỹ tên Susan và sinh ra hai người con gái là Amy và Katy.

Ngay từ khi còn nhỏ, Amy rất mê chơi banh, cô kể lại:

Tôi bắt đầu chơi Hocky khi tôi được 13 tuổi, trước đó thì tôi chơi đá banh. Tôi là thủ môn cho đội banh. Tôi rất thích chơi đá banh nhưng vì khi lên lớp 7 thì trường không có đội nữ nên tôi chuyển sang chơi Hocky. Tôi không biết một tí gì về môn này cả cho đến khi tôi bắt đầu chơi thử và tôi cảm thấy rất thích thú và hấp dẫn. Tôi thích những thử thách của môn hocky này. Và tôi nghĩ là tôi rất may mắn khi được trở thành cầu thủ chính thức của môn hocky này.

Được biết, khi bắt đầu vào trung học, Amy tham gia chương trình USA Field Hocky’s Future Program, một chương trình dành cho các cầu thủ có triển vọng và sau khi tốt nghiệp, thì tên cô được đưa vào danh sách học sinh danh dự của trường và được học bổng vào trường đại học North Carolina, là nơi cung cấp nhiều cầu thủ nhất cho đội tuyển Hoa Kỳ hiện nay.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Amy Trần được các huấn luyện viên chọn là thủ môn đội hình tiêu biểu nhất của các trường đại học trên toàn quốc.

Tốt nghiệp cử nhân ngành truyền thông

Năm 2002, Amy tốt nghiệp cử nhân ngành truyền thông và hiện làm cho một công ty tư nhân ở Virginia Beach, bang Virginia. Tuy vậy, cô vẫn tiếp tục đóng góp cho nền thể thao Hoa Kỳ. Năm 2003, cô chính thức được tham gia đội tuyển quốc gia, thi đấu tại hơn 20 quốc gia và bắt đầu nổi tiếng thế giới. Và ngày 3 tháng 8 vừa qua, cô đã vinh dự được tham gia Olympic Beijing 2008. Nhìn lại những chặng đường đã qua, Amy Trần cho biết, cô đã học được rất nhiều điều ở môn thể thao này, cô nói

Đối với tôi, những thử thách đó là sự kiên nhẫn ở mức độ cao nhất, là một thủ môn, phải có sự chú ý cao độ, tập trung trí óc…Bất cứ môn banh nào cũng vậy, thủ môn phải đấu trí…Đó chính là điều mà có lẽ cá tính của tôi thích như thế.

Khi được hỏi rằng liệu cô cảm thấy mình có cá tính mạnh mẽ, khác hẳn với đa số những thiếu nữ thời nay không, cô tâm sự:

Tôi nghĩ là điều này đối với tốt lắm vì từ khi còn nhỏ, tôi đã chọn thể thao là một sự rèn luyện chính cho tôi. Chính vì thế, nó đã giúp tôi tự tập cho mình sự kỷ luật, nhẫn nại, tinh thần đồng đội. Cũng như những thiếu nữ khác, tôi cũng có những sở thích của phụ nữ chung chung....

Tôi cũng đã có bạn trai rồi và anh ấy rất ủng hộ tôi, mặc dù anh âý lại không chơi môn thể thao nào cả. Như tôi đã nói, tôi rất may mắn vì cha mẹ tôi cho tôi chơi thể thao từ nhỏ. Tôi ủng hộ và khuyến khích các em gái nhỏ nên chơi một môn thể thao nào đó.

<i>Thể thao là một sự rèn luyện:<br/>Tin tôi đi, các em sẽ học được rất nhiều điều như kỷ luật, tính cương quyết, mạnh dạn. Khi lớn lên, ở tuổi teenage, các em sẽ xây dựng được nhiều cá tính rất tốt. </i> <br/>

Amy Trần<i> </i>

Tin tôi đi, các em sẽ học được rất nhiều điều như kỷ luật, tính cương quyết, mạnh dạn. Khi lớn lên, ở tuổi teenage, các em sẽ xây dựng được nhiều cá tính rất tốt.

Ngoài ra, Amy Trần cho biết cảm tưởng của cô sau khi từ Thế Vận Hội 2008 trở về:

Tôi nghĩ là trận đấu cuối cùng ở thế vận hội Olympic Bejing vừa qua là trận tôi ghi nhớ mãi. Mặc dù chúng tôi đã thua và dĩ nhiên ai cũng buồn lắm, nhưng bên cạnh đó, đã mang lại cho chúng tôi một niềm hãnh diện vì chứng tỏ rằng chúng tôi có thể chơi trên sân đấu toàn cầu.

Hiện nay, chúng tôi vẫn đang cố gắng tập luyện để chứng minh rằng đội chúng tôi sẽ chơi giỏi nhất thế giới, chứ không phải chỉ dừng lại ở mức độ như hiện nay. Riêng tôi, mặc dù cũng thất vọng nhưng tôi cảm thấy rất hãnh diện vì đã được tham dự trong trận đấu Thế Vận Hội.

Cha mẹ khuyến khích và ủng hộ

Cô còn cho biết rằng, có được ngày nay phần lớn là do sự khuyến khích của cha mẹ cô ngay từ khi còn bé. Cô kể lại rằng:

Cha mẹ tôi đã khuyến khích tôi chơi hockey và tạo mọi điều kiện cho tôi chơi. Khi ba tôi xem tôi chơi và thấy tôi thích quá, thì lập tức, ba tôi đã hết sức ủng hộ tôi. Ông cũng nhìn thấy rằng: việc chơi hockey có thể sẽ mang lại cho tôi học bổng của đại học, và đúng như vậy!

Lúc đầu thì ba tôi chỉ suy nghĩ đơn giản như thế thôi, nhưng bây giờ thì ông ấy rất thích xem hocky. Mẹ tôi thì rất dễ thương, bà khuyến khích tôi chơi cũng y như ba tôi vậy…Nói tóm lại, ba mẹ tôi rất ủng hộ và luôn tìm cách tụ họp cả gia đình lại để đi xem tôi thi đấu.

Về phần ông Trần Pháp, cha của Amy, tuy bản thân ông luôn tôn trọng ý kiến và ủng hộ con cái. Nhưng cũng không tránh khỏi sự thắc mắc của thân nhân họ hàng khi quyết định cho Amy trở thành cầu thủ chuyên nghiệp chơi Hockey. Ông kể lại:

Chị của tôi ở bên Cali cứ nói hoài, rằng người Việt Nam qua đây làm bác sĩ, kỹ sư, luật sư…mà tại sao con của tôi lại đi chơi thể thao. Nó có cái mộng là một ngày nào đó nó sẽ chơi tại Thế Vận Hội, thành ra, tụi tôi đồng ý để cho nó chơi môn này…

Tôi đã qua bên đây rồi, đời sống bên Mỹ khác, với lại vợ tôi người Mỹ, tôi lại sống ở khu vực này toàn là Mỹ thôi, thành ra, tôi theo lối sống ở bên đây. Mình chỉ giữ được phần nào điều hay của Việt Nam, và điều hay của Mỹ thì mình tổng hợp lại.

Tôi dậy con theo kiểu truyền thống gia đình Việt Nam, cha, con, anh chị, tụi nó theo lối sống đó. Nhưng suy nghĩ thì theo lối Mỹ, nó muốn làm cái gì thì nó theo cái đó, tụi tôi giúp đỡ cho nó. Tôi không bắt nó phải là bác sĩ hay luật sư…

Tôi cũng thường nói con tôi là sau này hết chơi thể thao rồi thì về trường học lạị…Điều quan trọng nhất là phải ra đại học và nó đã làm điều đó cho tôi.

Riêng với bà Susan Trần, mẹ của Amy, thì tỏ ra không hề lo ngại lắm khi chứng kiến cảnh Amy với bộ quần áo nặng chịch cùng cây gậy cong cong trên tay để chận bóng đối phương. Bà cho biết:

Tôi luôn cảm thấy rằng cháu đã chuẩn bị thật kỹ cho mình mỗi khi thi đấu và đấy là công việc hàng ngày của nó. Cho nên, tôi cũng không thấy lo ngại lắm. Tôi nghĩ là là biết tự kiểm soát bản thân nó, Amy hiểu biết rõ cách chơi như thế nào khi thi đấu, và đã được huấn luyện thật kỹ lưỡng nên Amy biết phải xử trí ra sao, phải để ý tránh thương tật như thế nào…

<i>Tôi không biết về Việt Nam nhiều mặc dù ba tôi là người Việt và mẹ tôi là người Mỹ. Tôi không nói được tiếng Việt, nhưng tôi đã đến Việt Nam cách đây 3 năm. Việt Nam thật xinh đẹp và có tập quán, phong tục thật hay. Tôi rất muốn được trở lại lần nữa.</i>

Amy Trần

Tôi cũng nghĩ rằng đã là một vận động viên thì phải chấp nhận thương tích, nếu có xảy ra, và phải cố gắng vượt qua, cố gắng hồi phục. Cho nên, khi ở lớp cuối trung học, nó bị thương. Dĩ nhiên, là mẹ thì tôi cũng đâu có muốn nhìn thấy con mình bị thương như thế, nhưng tôi biết là nó thích chơi hockey lắm, và chấp nhận mọi chuyện rủi ro xảy ra thôi. Nhưng rất may mắn, là nó đã bình phục, vẫn tiếp tục chơi và lên đại học.

Trở lại với Amy Trần, cô cho hay rằng cô đã từng về Việt Nam và chuyến đi đó để lại ấn tượng mãi trong cô, cô nói:

Tôi không biết về Việt Nam nhiều mặc dù ba tôi là người Việt và mẹ tôi là người Mỹ. Tôi không nói được tiếng Việt, nhưng tôi đã đến Việt Nam cách đây 3 năm. Việt Nam thật xinh đẹp và có tập quán, phong tục thật hay. Tôi rất muốn được trở lại lần nữa.

Hiện nay, Amy đang trong thời gian nghỉ ngơi và tiếp tục đi làm. Cô sẽ trở lại tập luyện vào tháng giêng năm 2009 và đang có kế hoạch trở lại trường để học tiếp chương trình hậu đại học. Theo cô, điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người là sự thành công trong lãnh vực nào mà mình ưa thích nhất, cô nói:

Tôi nghĩ là có nhiều con đường để đưa chúng ta đến thành công. Bạn có thể thành công khi chọn thể thao, hay thành công trong nghề nghiệp của bạn…Nhưng điều quan trọng nhất là làm sao sự thành công đó cho chúng ta được vui, được hạnh phúc.