Nữ chính trị gia Benazir Bhutto – niềm tự hào và ước mơ của người dân Pakistan

Phưong Anh, phóng viên đài RFA

Trong những ngày cuối năm Dương Lịch, một sự kiện làm chấn động toàn thế giới. Đó là việc bà cựu thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto bị ám sát vào ngày 27 tháng 12 vừa qua. Ngay sau khi tin bà bị ám sát, tất cả các hệ thống truyền thông lớn trên toàn thế giới đều nhanh chóng đưa tin. Hầu như các vị lãnh đạo các quốc gia đều bày tỏ lòng thương tiếc và lên án bọn chủ mưu ám sát bà.

BhuttoPakistan200.jpg
Bà Benazir Bhutto tại buổi vận động tranh cử hôm 27-12-2007. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Với quốc gia Pakistan, sự ra đi của bà là một mất mát lớn. Thậm chí,có nhà phân tích chính trị quốc tế còn cho rằng niềm hy vọng cho một tương lai sáng của đất nước Pakistan cũng không còn. Bà Benazir Bhutto là phụ nữ như thế nào và đã có ảnh hưởng sâu đậm ra sao đối với quốc gia Pakistan nói riêng và thế giới nói chung? Trang Phụ Nữ kỳ này xin dành để nói về vị nữ chính trị gia rất đặc biệt này.

Thưa quí vị thính giả, bà Benazir Bhutto sinh ngày 21 tháng 6 năm 1953. Là trưởng nữ của vị lãnh tụ dân cử đầu tiên Zulfiqar Ali Bhutto. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã có sự thông minh đặc biệt. Năm 16 tuổi, bà được nhận vào trường Havard và sau đó tiếp tục học tại Oxford.

Bà trở về Pakistan năm 1977 và sự nghiệp chính trị của bà bắt đầu từ đó. Cũng trong năm này, thân phụ của bà bị quân đội do tướng Zia ul-Haq lãnh đạo đảo chánh và hai năm sau thì ông bị treo cổ. Trước đó, bà đã chính phủ quân nhân bắt giam giữ cho đến tháng giêng năm 1984, bà mới được phép đến Anh Quốc để chữa bệnh.

Tại Luân đôn, bà đã thành lập một văn phòng của Đảng Nhân Dân Pakistan và tiến hành chiến dịch chống tướng Zia ul-Haq. Ngày 10 tháng 4 năm 1986, bà trở về Paksitan với tư cách lãnh đạo Đảng Nhân Dân để tranh đấu cho nền dân chủ của người dân Pakistan. Hàng triệu người đã nồng nhiệt chào đón bà tại phi trường Lahore. Ngày 18 tháng 12 năm 1987, bà lập gia đình với Asif Ali Zardari.

Khi tướng Zia ul-Haq chết trong một tai nạn máy bay năm 1988, bà được chọn làm thủ tướng Paksitan. Khi đó, bà tròn 35 tuổi và là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một quốc gia Hồi Giáo. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, bà mất chức thủ tướng do các cáo buộc liên quan đến tham nhũng.

Năm 1993, một lần nữa bà lãnh đạo chính phủ Pakistan, nhưng cũng chỉ ba năm sau bà lại mất chức vẫn do những cáo buộc tham nhũng như lần trước. Trong cả hai lần, các cuộc buộc đều nhắm đến chồng của bà hơn là chính bà. Từ năm 1999, bà bị buộc phải sống lưu vong tại nước ngoài. Tháng 10 năm 2007 vừa qua, sau 8 năm sống ở Anh Quốc, bà trở về Pakistan sau khi đạt được một số thoả thuận với tổng thống Pervez Musharraf.

Lần hồi hương này, bà kỳ vọng vào sự hợp tác với chính quyền đương nhiệm để có thể thực hiện một tiến trình chuyển đổi hoà bình, đem lại nền dân chủ cho quốc gia và no ấm cho người dân Pakistan. Hàng chục ngàn người đã đổ xô ra đường để chào đón bà. Giữa lúc dân chúng Pakistan đang hân hoan mừng rỡ chào mừng bà hồi hương thì một xe bom đã phát nổ.

BenazirBhuttoPakistan200.jpg
Hôm 9-11-2007, bà Benazir Bhutto, cựu Thủ Tướng Pakistan (giữa) đang cố gắng ra khỏi nhà riêng ở Islamabad, sau khi lệnh quản chế được ban hành. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

May mắn, bà thoát chết nhưng 150 người trong đoàn người ủng hộ bà bị thiệt mạng. Ngay sau đó, bà tuyên bố rằng tuy biết rõ những nguy hiểm đang rình rập, nhưng vì mục đích tái lập nền dân chủ cho Pakistan, bà sẵn sàng chấp nhận. Chỉ hai tháng sau, vào ngày 27 tháng 12 vừa qua, sau khi kết thúc buổi gặp gỡ những ủng hộ viên, bà bị một tên khủng bố bắn vào ngực và cổ, trước khi nổ bom tự sát. Lần này, bọn khủng bố thành công. Bà đã vĩnh viễn ra đi, đem theo niềm hy vọng vừa lóe lên của dân chúng Pakistan.

Thưa qúi vị, là một phụ nữ Pakistan, được thưà hưởng từ cha mình một ý chí mãnh liệt tranh đấu cho lý tưởng tự do dân chủ, được học hỏi cùng chịu ảnh hưởng của phương Tây, bà thường xuyên lên án những hành vi bạo động của phe Hồi Giáo cực đoan. Bà ủng hộ nền dân chủ và luôn mong đem lại bộ mặt mới cho đất nước Pakistan, thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Chính vì thế, bà là mục tiêu của phe Hồi Giáo cực đoan. Với họ, một phụ nữ thì không thể nào lãnh đạo chính quyền. Bà cũng từng bị phe Al Quaeda, Taliban mưu sát vì đã tuyên bố nếu nắm chính quyền, bà quyết tâm tiêu diệt những phần tử Taliban phiến loạn đang trú ẩn ở biên giới Pakistan.

Sự trở lại chính trường của bà được quốc tế coi là một vận hội mới cho nền dân chủ của quốc gia này. Vì thế, sự ra đi của bà đã làm cho dân chúng Pakistan tức giận và nghi ngờ vào chính phủ đương thời. Riêng tại Hoa Kỳ, sau khi nghe tin bà cựu thủ tướng Benazir Bhutto bị ám sát chết, tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã lên tiếng rằng:

“Laura và tôi vô cùng thương tiếc và xin thành thực chia buồn với thân nhân và gia đình của bà Benazir Bhutto, với bạn bè thân hữu, với những người ủng hộ bà. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới tất cả những gia đình đã có thân nhân bị chết trong cuộc bạo loạn ngày hôm nay. Và chúng tôi chia buồn tới tất cả nhân dân Pakistan trong thảm kịch này.”

Với cộng đồng người Pakistan ở Hoa Kỳ, tất cả đều tiếc nuối và lo lắng cho tương lai của quốc gia Pakistan. Một chủ bút báo điện tử Pakistan Link ở California, ông Faruqui Akhter phát biểu: "Chúng tôi rất đau buồn trước tin bà Bhutto bị ám sát. Chúng tôi vô cùng thương tiếc bà. Bà là một phụ nữ trẻ đẹp, giỏi, có trình độ giáo dục cao, đầy triển vọng. Bà là niềm hy vọng của chúng tôi.Cái chết của bà đã dập tắt sự mong đợi của chúng tôi. Tất cả mọi người đều vô cùng buồn bã.

Tôi đã được tiếp xúc với bà cách đây gần hai năm. Tôi rất ngưỡng mộ và thán phục bà. Với sự hiểu biết, thông minh của bà, bà đã chinh phục tất cả mọi người chúng tôi. Tôi nghĩ là đất nướcPakistan vẫn sẽ có được những người phụ nữ xuất sắc khác, nhưng sẽ không thể có được Bhutto thứ hai.”

Thưa quí vị thính giả, để qúi vị hiểu rõ thêm về người phụ nữ được cả thế giới quí trọng này, Phương Anh có hỏi thăm anh Nguyễn Khanh trong ban Việt Ngữ, khi biết anh đã từng gặp mặt bà hai lần. Anh cho hay:

“Tháng 6, 1989, bà Bhutto có đến Hoa Kỳ và lúc đó tôi đang làm cho tờ Người Việt ở California, và tôi có dịp được gặp bà hai lần. Lần thứ nhất, tôi gặp bà với tính hiếu kỳ. Trong buổi họp báo ở Toà Đại Sứ Pakistan ở Washington D.C, tôi đến tham dự cuộc họp báo vì đây là một phụ nữ đầu tiên của thế giới làm thủ tướng.

Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến một điểm là :không biết bà thủ tướng của Pakistan có đội khăn che mạng hay không? Tôi chỉ muốn đến để nhìn như vậy thôi. Nhưng khi tôi đến nơi thì hoàn toàn khác vì sự thu hút của bà với thính giả ở phiá dưới. Thính giả ở phiá dưới trong đó có tôi và hàng trăm nhà báo khác.

BhuttoNewspapers200.jpg
Hôm 28-12-2007, trang đầu của các tờ báo ở Anh Quốc đăng hình bà Benazie Bhutto. Photo: AFP>> Xem hình lớn hơn

Tôi nhớ mãi là bà đeo cặp kính trắng, khuôn mặt rất xinh đẹp, nhưng quan trọng hơn nữa là tôi nhìn thấy sự thông minh của người phụ nữ và qua sự thông minh đó bà thể hiện được ý chí của bà, quyết tâm của bà là muốn xây dựng đất nước. Những người đến tham dự cuộc họp báo đều có ý khác nhau.

Tôi nghĩ đây là cuộc họp báo mà mọi người lắng nghe bà nói chuyện, lắng nghe bà trình bày, nhiều hơn là người ta muốn đặt câu hỏi với bà. Tôi cũng là một trong những người may mắn được bà chỉ để đặt một câu hỏi. Tôi có hỏi là “Bà là người phụ nữ đầu tiên của cả quốc gia Hồi Giáo hay nói đúng hơn là cả thế giới Hồi Giáo nắm vai trò lãnh đạo chính phủ. Bà cũng có một cô con gái vậy bà có nghĩ là con gái của bà có nối nghiệp mẹ hay không?”

Câu trả lời của bà làm tôi hoàn toàn ngạc nhiên. Bà trả lời: Không. Con của bà không có liên hệ gì với chính trị, và bà cũng không muốn con bà hoạt động chính trị. Bà kể cho chúng tôi là bà có hai người con, một người con trai và một người con gái. Bà ước mơ con trai của bà trở thành luật sư, và con gái của bà trở thành cán sự xã hội.

Bà cũng nói đuà rằng ở quốc gia như Pakistan, những người cán sự xã hội là những người rất cần vì đó là những người đi sát với người dân hơn bất kỳ ở quốc gia nào khác. Bà cũng cho biết là ở quốc gia như Pakistan, vai trò của phụ nữ không được tôn trọng đúng mức nên bà chỉ mong ước sao phụ nữ Pakistan biết rõ hơn cái vai trò, trách nhiệm của mình, không phải chỉ là trách nhiệm với gia đình, mà với trách nhiệm xã hội.

Nếu làm được như vậy, đạt được như vậy thì chắc chắn trong tương lai, Pakistan sẽ sáng sủa không kém gì những quốc gia mà bà đã từng đặt chân đến, kể cả Hoa Kỳ, kể cả Anh Quốc, là nơi bà đã từng theo học trong bậc Đại Học.”

Hỏi: Thưa anh, đó là lần thứ nhất, thế còn lần thứ hai, anh đã gặp bà ở đâu?

Đáp: Ngày hôm sau, bà được mời nói chuyện trước lưỡng viện Hoa Kỳ. Tôi nhớ mãi kỷ niệm rất buồn cười là khi giới thiệu bà, thì người ta lại giới thiệu bà là thủ tướng Ấn Độ chứ không phải Pakistan.

Chúng ta cũng biết là Ấn Độ với Pakistan bề ngoài là vui vẻ với nhau, nhưng bên trong thì có rất nhiều căng thẳng về măt ngoại giao, chính trị cũng như về mặt quân sự…nên sự sai lầm đó khiến cho mọi người cười ầm lên.

Nhưng mà bà rất điềm tĩnh và nói rất khéo là: bất kể thủ tướng của một quốc gia nào thì cũng đều có những mục tiêu giống nhau, có chung một ý tưởng là làm sao để xây dựng quốc gia mình được vững mạnh, người dân được thịnh vượng, làm sao để người dân của mình hợp tác với chính quyền và bà nói rõ quan trọng là làm sao biến sự hợp tác quốc gia trở thành hợp tác quốc tế để đem lại nền hoà bình cho toàn thế giới.

Tôi đã được nghe rất nhiều nữ chính trị gia nói chuyện, phần lớn đều là những nữ chính trị gia của Hoa Kỳ, nhưng tôi chưa thấy người phụ nữ nào duyên dáng, sắc bén và cương quyết như bà Bhutto mà tôi đã gặp tại thủ đô Washington.

Thưa qúi vị thính giả, bà cựu thủ tướng Benazir Bhutto đã vĩnh viễn nằm xuống, nhưng chắc chắn, sự quyết tâm tranh đấu cho dân chủ, cùng những đức tính cao quí, lòng hy sinh vô bờ bến cho đất nước của bà sẽ mãi mãi được mọi người ghi nhớ. Và phải chăng sẽ khó có được một Benazir Bhutto thứ hai, đúng như nghĩa tên của bà: Benazir: “độc nhất vô nhị.” Trang Phụ Nữ xin chấm dứt nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị vào kỳ sau.