Phụ nữ và mũ bảo hiễm

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Ngày 15 tháng 12 tới đây là ngày thi hành luật đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường trong cả nước. Nhiều người bắt đầu đi tìm mua mũ bảo hiểm cho mình và gia đình. Tại các cửa hàng, số lượng khách gia tăng mạnh.

MuBaoHiem200.jpg
Kể từ khi có chiến dịch bắt phạt những người đi xe không có mũ bảo hiểm thì lại nảy sinh một nghề mới của dân lao động. Photo courtesy VnExpress

Lý do chính để bắt buộc họ phải mua cho mình một mũ bảo hiểm vì mỗi lần vi phạm là sẽ phải nộp phạt 150.000 đồng, bằng tiền mua một chiếc mũ khá tốt. Với các chị em phụ nữ, hầu hết đều không ủng hộ việc đội mũ bảo hiểm này tí nào, vì khi ra đường, ai ai cũng phải diện vào một tí, như chải tóc kiểu này kiểu kia, hay mang các túi xách, các bóp cầm tay nên việc đội mũ bảo hiểm cũng ảnh hưởng không kém cho họ.

Đó là chưa kể những phụ nữ người dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La, có tục lệ búi tóc cao trên đầu, thì còn gặp khó khăn hơn nhiều. Kỳ này, Phương Anh xin gửi đến quí vị những ý kiến của các chị em phụ nữ, nhất là các chị em người Thái, về việc đội mũ bảo hiểm.

Khi hỏi thăm chị Loan, ở Hà Nội, trong nhiều tháng qua, cả gia đình vẫn để đầu trần khi đi xe máy, chị cho biết rằng, gần tới ngày qui định, sợ nộp phạt nên đành phải chuẩn bị:

“Mua hết cả rồi vì phạt ghê lắm, chắc là phải đội thôi. Kỳ này quyết định phạt nặng lắm. Dần dần, nếu cơ sở hạ tầng mà khá thì chắc mọi người đi ô tô hết, vì đi xe máy, lủng củng mũ thì chết! Nhiều người vẫn nói là mũ bảo hiểm an toàn cho bản thân. Nhưng Việt Nam thì bất tiện vì đi vào đâu, treo mũ bảo hiểm vào xe thì sẽ mất, xách vào thì lại bất tiện, thì phải gửi, vừa gửi tiền xe, lại gửi tiền mũ bảo hiểm..nhiều vấn đề. Vì thế, xe ga bây giờ đặt giá, vì cốp xe làm to lắm, vừa để được mũ, bóp vào trong.”

Cũng theo lời chị Trâm, một phụ nữ có sạp vải ở Sàigòn, nhà ở quận Tân Bình, thì mặc dù đã mua sẵn mũ bảo hiểm, nhưng chỉ khi nào đi bán, thì mới đội. Và, để làm bớt đi hình ảnh cái mũ sắt nặng nề trên đầu của các phụ nữ, thì gần đây, có nhiều dịch vụ trang trí mũ bảo hiểm, bằng cách vẽ vời lên mũ. Chị nói:

“Khi mình đi Sàigòn, hay đi những con đường chính, thì phải đội vào, bất tiện, vướng víu lắm, nhưng từ từ thì quen. Có nhiều dịch vụ vẽ ở trên mũ bảo hiểm, vẽ hoa văn…đẹp lắm. Nhiều người vẽ đẹp lắm, chứ đâu phải đội nón lên là xấu, nhiều cô xoã tóc, kẹp tóc, cũng đẹp như ai…”

Mua hết cả rồi vì phạt ghê lắm, chắc là phải đội thôi. Kỳ này quyết định phạt nặng lắm. Dần dần, nếu cơ sở hạ tầng mà khá thì chắc mọi người đi ô tô hết, vì đi xe máy, lủng củng mũ thì chết! Nhiều người vẫn nói là mũ bảo hiểm an toàn cho bản thân.

Bác sĩ Ánh Tuyết, cư ngụ ở đường Ngô Gia Tự thì cho hay rằng có lẽ từ bây giờ trở đi, nếu có đi tiệc tùng, đám cưới, mà làm đầu tóc, kiểu dáng, thì chắc hết đi xe gắn maý. Chị cho hay:

“Chắc phải đi taxi hết vì không đội mũ bảo hiểm được. Tùy theo mũ, có những mũ “fashion” lắm, thời trang lắm, một số ở trong nước sản xuất, một số ở nước ngoài, một số hàng giả cũng có…nếu đủ chất lượng thì trong siêu thị là tám chục ngàn, còn ở ngoài đường thì khoảng 3, 4 chục ngàn, hàng không xuất xứ. Còn hàng tốt là mấy trăm ngàn.”

Theo chị, việc đội mũ bảo hiểm trong thành phố cũng chẳng có ích gì thêm vì thực ra, liệu có tin tưởng được chất lượng mũ hay không. Đó mới là quan trọng, vì:

“Chất lượng thì cũng đang bàn cãi, vừa rồi, cũng có vụ té xuống thì mũ bảo hiểm bể nát hết, mấy cái miểng bay vô đầu còn nguy hiểm hơn…”

Được biết, trước đây, những chiếc mũ dành cho các công nhân ở các công trường xây dựng cũng được cho phép đội thay cho các mũ bảo hiểm. Thế nhưng, theo qui định mới hiện nay, thì những chiếc mũ ấy cũng không được chấp thuận. Chị Tuyết nói tiếp: "Mũ công nhân bây giờ không cho nữa. Ai cũng phải mua mũ bảo hiểm thật sự nên thời gian này rất đắt khách. Hiện tại, nếu mua xe máy và mua bảo hiểm thì họ cho luôn mũ bảo hiểm, hoặc là khuyến mãi ở các cửa hàng, mua đồ thì tặng mũ bảo hiểm…đang có đợt khuyến mãi như thế."

Khi được hỏi ý kiến về lệnh đội mũ bảo hiểm, chị phát biểu: "Tôi không ủng hộ nhưng bây giờ bắt buộc rồi, đội cũng bực bội lắm vì đường thành phố, kẹt xe, mỗi lần dừng lại, nóng nực, mà lại phải đội mũ bảo hiểm nữa. Theo tôi, đội để an toàn cho mình, nếu đi đường xa, thì nên đội, còn ở trong thành phố thì không hợp lý tí nào, đâu phải như bên nước ngoài, đường xa.. Ở đây đi làm gần, buổi tối ra đường cũng phải đội, nên tôi không ủng hộ tí nào."

Các phụ nữ người dân tộc

Vừa rồi là ý kiến của các phụ nữ ở Hà Nội và Sàigòn, thế còn các phụ nữ người dân tộc, như người Thái, Hmong, Dao, ở các tỉnh thì sao? Hiện nay, các phụ nữ này khó có thể đội mũ bảo hiểm cho đúng vị trí mũ ở trên đầu hầu mang lại sự an toàn cho bản thân.

ý do đơn giản là vì theo phong tục, những phụ nữ này một khi đã lập gia đình thì phải búi tóc thật cao, và to trên đỉnh đầu. Búi tóc này gọi là “tằng cẩu” và “tằng cẩu” càng cao, càng to thì lại càng đẹp. Một chị người Thái, hiện đang làm việc tại UBND tỉnh Sơn La cho biết:

Nhiều dân tộc theo phong tục địa phương, nếu không đội mũ bảo hiểm mà bị tai nạn thì thiệt hại cho mình…Người Thái ở Sơn La này mà bỏ “cẩu” xuống thì chồng chết, chứ còn đã có gia đình thì phải tằng cẩu hết, nếu bỏ cẩu xuống thì nhà chồng không chấp nhận.

Có chồng mới búi tóc lên, không đội được, nhưng bắt buộc phải đội nên cũng như đội để không cho người ta phạt mình thôi…Có nhiều trở ngại lắm, búi tóc lên, búi tóc xuống, mất nhiều thời gian lắm…Nếu bỏ “tằng cẩu” xuống thì lại kiêng, dân tộc bắt buộc phải “cẩu” nên rất khó, nên việc đội mũ nhiều trở ngại lắm.

Bà Lò thị Mai Khiêm, Hội Trưởng Hội Phụ Nữ tỉnh Sơn La cũng xác nhận:

Dân tộc Thái búi tóc cao trở thành phong tục tập quán rồi cho nên chị em nào đã búi lên thì rất ngại bỏ xuống vì kiêng, đến khi chồng mất thì mới bỏ xuống, như khăn tang vậy. Khi búi thì cũng vất vả, nên sáng ra chỉ búi một lần, đến tối, có chị thì để như thế đi ngủ, có chị thì tháo ra…Thường gội đầu thì mới tháo ra để phơi tóc, thế thôi!

Chị Lò thị Lợi, người Thái đen, cho hay rằng, việc búi tóc này phải cần đến một cái búi len, tóc giả để độn thêm vào tóc thật, thì mới búi cao được và thông thường, tốn ít nhất là 30 phút mới xong một “tằng cẩu”. Chính vì thế, việc đội mũ bảo hiểm thật là khó khăn cho các chị. Chị Lợi nói:

Có chồng mới búi tóc lên, không đội được, nhưng bắt buộc phải đội nên cũng như đội để không cho người ta phạt mình thôi…Có nhiều trở ngại lắm, búi tóc lên, búi tóc xuống, mất nhiều thời gian lắm…Nếu bỏ “tằng cẩu” xuống thì lại kiêng, dân tộc bắt buộc phải “cẩu” nên rất khó, nên việc đội mũ nhiều trở ngại lắm.

Chị Hội Trưởng Hội Phụ Nữ tỉnh Sơn La, Lò thị Mai Khiêm, cũng đồng quan điểm:

Nó hơi bị vướng, bọn mình cũng phải tìm mũ sâu mới đội được. Cái tóc ở trên đầu mất khoảng 10 đến 15 phân, các chị đội mũ thể thao, mũ nông thì chỉ đội được phần tóc, phần đầu thì chẳng bảo vệ được cái đầu, và nó vướng. Thời gian gần đây thì chị em cũng tìm được cái mũ hơi sâu một tí, và khoét cái phần “sốp” ở trên đi, nhưng lại không bảo vệ được cái đầu.

Cho nên, hôm nọ, có người dự kiến là sẽ thiết kế cái mũ, một số doanh nghiệp cũng có nói là sẽ hỗ trợ để làm thử. Khi nhìn những cái mũ bảo hiểm vắt vẻo trên những chiếc “tằng cẩu” như thế, anh Lò Văn Hùng, ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho rằng:

Họ chỉ đội lên thôi, cao cao một tí…phải đội, kể cả người búi tóc cũng phải đội, không thể cắt được, nếu người trẻ thì còn có thể…đi hơi khó, vì đội khó. Theo em, nếu làm mũ sâu, dài một tí thì nó sẽ hợp, chứ còn kiểu này chỉ để đối phó, phải đội thôi. Đa số thì đều không lấy xuống.

Cũng theo lời chị Lò Thị Mai Khiêm, thì ở Sơn La, phần đông chị em phụ nữ là người Thái và việc đội mũ bảo hiểm được chấp hành khá tốt, nhưng trên thực tế thì:

"Chị em cũng đội nhưng thực chất chỉ là đội đối phó thôi, chứ không hiệu quả. Có chị cũng biết tìm mũ sâu, và khoét phần sốp, vì chẳng ai ngã mà đập đầu thẳng xuống cả, với lại nó cũng có phần đệm rồi… Cũng mong muốn là những nhà thiết kế, các nhà sản xuất, cho phần sốp sâu hơn một chút."

Riêng chị Lò thị Minh thì cho biết rằng, đây là một phong tục rất thiêng liêng từ bao đời nay của người dân tộc Thái, không thể nào bỏ “tằng cẩu” trên đỉnh đầu xuống được, mà cũng không thể nào không chấp hành luật. Hơn nữa, khi chiếc mũ bảo hiểm treo chông chênh trên đỉnh đầu như thế thì cũng sợ “tằng cẩu” rơi ra.

Cho nên, cũng có chị em khi đi làm thì đành dỡ chiếc “tằng cẩu” xuống để đội mũ, và đến cơ quan thì dành ra 30 phút để búi lại. Nhưng, nếu làm như thế, khi đi đường, ngộ nhỡ gặp gia đình nhà chồng, không thông cảm, thì lại bị quở trách. Thật là một điều nan giải. Thế nên, chị mong rằng:

Theo em, thì các cơ quan mà sản xuất mũ bảo hiểm thì phải lưu ý, quan tâm đến đặc điểm điạ phương, làm cái mũ dài ra một tí cho điạ phương Sơn La, mà nếu thế thì vừa bán được hàng, mà chúng em cũng không bị phạm luật, an toàn được tính mạng.

Quí vị vừa nghe những ý kiến của các chị em phụ nữ về việc đội mũ bảo hiểm. Qủa thật, việc đội mũ này là để giúp bảo vệ cho phần đầu, khi nhỡ chẳng may bị tai nạn xe cộ. Nhưng liệu việc này, trên thực tế, có đạt hiệu quả hay không, và đến bao giờ thì các chị em người dân tộc có được cái mũ bảo hiểm đúng theo tiêu chuẩn an toàn, lại không làm ảnh hưởng đến luật tục của họ lại là chuyện khác. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị vào kỳ sau.