Thời xưa, chuyện mấy bà vợ chung một ông chồng là bình thường, và xã hội bấy giờ còn cổ xúy. Thời gian trôi qua, xã hội đổi thay theo hướng hiện đại hóa và chuyện gia đình một vợ một chồng không những được mọi người trong xã hội bây giờ ủng hộ mà còn được quy định rõ trong luật pháp.
Vậy những trường hợp gia đình đa thê ngày nay vì sao còn nhiều kẽ hở trong việc xử lý theo pháp luật, tình trạng này có nên diễn ra tràn lan giữa thời buổi hiện đại và thông điệp gì có thể rút ra từ những câu chuyện “trái pháp luật” này.
Đa thê thời hiện đại
Một vợ thì nằm giường lèo
Hai vợ thì nằm chèo queo
Ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm
Câu ca dao dí dỏm được phụ nữ dân gian truyền miệng để nhắn nhủ với cánh mày râu rằng muốn được sống yên ổn, hạnh phúc bên “bọn tôi” thì cứ coi chừng chuyện năm thê bảy thiếp!
Gia đình một vợ một chồng được xã hội ngày nay cho là cái cơ sở căn bản nhất để vợ chồng có thể sống chung với nhau và gia đình được êm ấm.
Giữa một xã hội tân tiến khi Internet tràn ngập khắp nơi, mạng xã hội đến cả đứa trẻ lên ba cũng biết đến, người ta đua nhau chia sẻ những clip phụ nữ đánh ghen lột đồ, giật tóc, tát bôm bốp vào mặt cô ả nào dám nhăm nhe chồng “bà”. Ấy vậy mà ở nhà nọ có 5 bà vợ sống chung với một ông chồng theo đúng nghĩa “năm thê”, mà lại rất hòa hợp với nhau, nhường nhịn nhau và hết mực quý mến chồng.
Mình cũng nghĩ đến tình nghĩa bác ấy hay giúp đỡ mình nên cũng mủi lòng. Về làm dâu thì các con các cháu của bác ấy cũng rất quý mình.<br/> - Bà Vân, vợ út của ông Thuần
Nếu tìm về quê lúa Thái Bình nổi tiếng với biệt danh quê chị Hai Năm Tấn, không khó để tìm ra ông Phùng Văn Thuần, ở thôn Khả, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông Thuần năm nay đã 75 tuổi, ở cái thôn Khả người dân ai cũng biết đến ông vì ông nổi tiếng là người tài giỏi, vượt khó đi lên từ hai bàn tay trắng và trở thành “đại gia” ở một vùng quê mà người ta vẫn còn phải lao động cực lắm mới đủ ăn. Ở cái tuổi đã quá thập cổ lai hi, ngoài vốn liếng tiền bạc dầm dề, ông còn một tài sản khác là 5 bà vợ mà ông đã gắn bó mấy chục năm nay.
Chúng tôi có dịp trò chuyện với bà Vân, là bà vợ út của ông Thuần. Người ta nói thân phụ nữ đi lấy chồng như con đò cập bến nước đục trong, không hiểu vì duyên cớ gì mà bà lại tìm cho mình một bến nước đã có sẵn 4 “con đò”:
Tớ cũng vất vả từ bé, bố mẹ mất sớm. Tớ chăm lo cho các em đến tuổi trưởng thành rồi tớ cũng có cuộc sống riêng tư của mình. Lúc đó tớ đi làm ở công ty nước sạch Duyên Hải, bác sếp này rất tốt, là con người hiểu biết xã hội và sống rất nhân đạo. Bác ấy cũng quý mến tớ, rồi các bà ở nhà cũng thông cảm bảo rằng thôi thì đâu cũng cái duyên cái phận, hơn nữa các bác cũng nhiều tuổi rồi có con có cháu cả rồi nên cũng nhờ tớ còn trẻ hơn, khỏe mạnh hơn thì giúp các bác ấy một phần trong gia đình. Mình cũng nghĩ đến tình nghĩa bác ấy hay giúp đỡ mình nên cũng mủi lòng. Về làm dâu thì các con các cháu của bác ấy cũng rất quý mình.
Làm vợ út trong một gia đình có đến 5 bà vợ đâu phải là dễ! Người ta nói út là hay được cưng chiều nhất, được yêu thương nhiều nhất vì thường là người mới nhất và trẻ trung nhất. Mà, “ớt nào là ớt chẳng cay, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”, nên nếu bà út Vân mà bị 4 bà lớn ghen tuông cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, anh chị em ruột thịt đôi khi sống còn chẳng hợp nhau, nữa là người dưng nước lã lại còn chung nhau tấm chồng:
Mình cố gắng sống hòa nhã với mọi người nên các chị ấy cũng quý, nhưng riêng có 1, 2 người cũng đố kỵ với mình nhưng mình cũng nghĩ một điều thế này: thôi thì các bác là trên nên các bác muốn nói gì thì kệ các bác, em cứ sống tốt lấy cái tâm. Chủ yếu bên ngoài họ nhìn vào, chứ mình cũng chẳng đối lời. Mỗi lần như vậy các bác cũng chẳng nói gì nữa. Tớ sai thì tớ sửa chứ sống mà cứ cạnh tranh thì tớ cũng không thích. Con người ta chả sống được bao nhiêu mà rồi mình mang tiếng ở đời.
“Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ”
Câu thơ tỏ ý trách móc ông chồng khi mải mê với bóng hồng khác mà bỏ mặc vợ con này có lẽ không thích hợp với gia cảnh nhà ông Thuần. Bởi vì ngay từ những năm đầu sống với bà vợ cả Nguyễn Thị Len, tình cảm trọn vẹn dành cho bà chẳng được bao lâu thì ông Thuần đã đem lòng tương tư một bóng hình khác là bà Nguyên mà ông cưới làm vợ hai sau này. Nhưng thay vì “nhảy dựng lên” đánh ghen, bà cả dù ban đầu cũng có chút muộn phiền theo lẽ thường tình, về sau đã đích thân đến tận nhà bà Nguyên để hỏi vợ cho chồng. Câu chuyện bi hài cách đây đã mấy chục năm nhưng đã cho làng xóm được một phen cười vỡ bụng lúc bấy giờ. Rồi sau đó các bà vợ của ông lần lượt cùng nhau đi hỏi cưới thiếp cho chồng. Bà Phiến, là người vợ thứ 4, tâm sự về cuộc sống thê thiếp nhưng hạnh phúc của gia đình bà:
Gia đình tôi không được như người ta một vợ một chồng theo đúng chế độ nhưng chúng tôi hạnh phúc lắm. Chúng tôi không thấy có gì khúc mắc cả, chị em cứ vui vẻ, công việc gia đình và con cháu cũng vẫn tốt.
Phụ nữ cam chịu
Trong xã hội thời xưa người chồng đóng vai trò trụ cột trong gia đình, là chủ gia đình và là chỗ dựa cho vợ con. Do tâm lý cần điểm tựa như vậy nên nhiều phụ nữ phải nín nhịn chịu đựng dù cho cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Nhưng ngày ngày xã hội tiến bộ hơn, phụ nữ, đặc biệt là ở thành thị, nhiều người không lấy chồng, cũng một phần là do muốn được tự do, muốn có nhiều thời gian cho bản thân hơn, do sự e sợ không tìm người hòa hợp sau nhiều lần thất bại trong tình trường, nhưng một số đông trong đó không lấy chồng là do nghe nhiều câu chuyện về đàn ông gia trưởng, mắng chửi coi thường vợ con, trăng hoa ngoại tình mà sinh ra tâm lý sợ hãi, “thà rằng ở vậy cho thân béo mầm”.
Còn đối với gia đình ông Thuần, có lẽ sự đào hoa, khéo ăn khéo nói, cách đối nhân xử thế của ông đã mê hoặc 5 người phụ nữ tới mức họ không màng danh phận, quyết một phen theo chàng về dinh. Bà vợ thứ 3 của ông, bà Tùng, chia sẻ trong sự tự hào:
Đàn ông không ai giống ai, mỗi người một khác. Nhưng ông nhà tôi có duyên nên mọi người vẫn yêu, mà ông ấy nói chuyện nghe lọt tai lắm, lại không mắng chửi ai. Có gì sai ông ấy bảo ban mình khéo léo thôi chứ không mắng không chửi, không đánh hay nặng lời bao giờ. Có người một vợ một chồng nhưng cứ đánh nhau, nhưng nhà tôi ông ấy không mắng ai bao giờ.
Mình là người Đông Nam Á làm sao chấp nhận tư tưởng đa thê đa thiếp như thế được. Thứ nhất là phải chia sẻ tình cảm. Một vợ một chồng vẫn hơn. <br/> - Chị Phương, Hà Nội
Những năm gần đây tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam đang tăng lên. Năm 2014, số liệu thống kê cho thấy 70% số người đứng tên ly hôn là phụ nữ. Nhìn lại câu chuyện nhà ông Thuần, dẫu biết gia đình như vậy là vi phạm luật hôn nhân và gia đình quy định một vợ một chồng ở Việt Nam. Nhưng bên cạnh sự bi hài của một gia đình năm thê bẩy thiếp giữa thế giới phẳng, câu chuyện ấy để lại một bài học và một thông điệp cho các gia đình khác rằng vì sao người ta 5 vợ nhưng lại sống với nhau hòa hợp, còn mình một vợ một chồng lại đưa nhau ra tòa. Có phải “một vợ một chồng” là căn bản của gia đình hạnh phúc hay là cách đối xử, cách tôn trọng, yêu thương, nhường nhịn nhau mới là nhân tố chính?
Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Mạnh Hùng có trao đổi với chúng tôi về những trường hợp như gia đình ông Thuần:
Về nguyên tắc chuyện này không đúng với quy định của pháp luật nhưng vì con người là những chủ thể mang tính riêng biệt cho nên bản thân những người trong cuộc cảm thấy hạnh phúc, thoải mái là được. Còn về chuyện có nên để cho tình trạng này xảy ra tràn lan hay không, tôi nghĩ rằng đó là do quan điểm của từng người khác nhau, chứ khó mà đặt ra một khuôn chung, hay khuyến khích, hay ngăn cấm. Biết là vi phạm pháp luật nhưng gia đình này là 1, còn nhiều nơi khác xảy ra chuyện tương tự nên ngăn cấm cũng không được. Mà để phát tán tràn lan ra xã hội cũng không được vì vi phạm pháp luật.
Pháp luật ở đâu?
Gia đình ông Thuần không phải là trường hợp duy nhất trong xã hội hiện nay xảy ra tình trạng đa thê, đa phu. Như vậy rõ ràng là chính quyền địa phương hoặc là không can thiệp, hoặc đã can thiệp nhưng không thành công. Giải thích về điều này, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết:
Thường thì họ cũng tôn trọng quyền cá nhân. Về góc độ lý thì pháp luật can thiệp là đúng nhưng còn phải về tình, nhà người ta đang hạnh phúc mình tới ngăn cản, chia rẽ cũng không được. Có cản rồi người ta cũng âm thầm tụ hội lại với nhau thôi.
Pháp luật Việt Nam quy định gia đình một vợ một chồng cũng phần nào thể hiện sự tiến bộ trong bình đẳng giới ở Việt Nam. Thời xa xưa đàn ông là phải năm thê bảy thiếp cung phụng thì mới thể hiện cái quyền lực, sự đào hoa, tài giỏi đặc biệt là giới thượng lưu mới ra dáng quan. Phụ nữ thời bấy giờ cũng tôn sùng chồng, chấp nhận cảnh gia đình đa phu đa thê như một điều thường tình trong xã hội. Ngày nay phụ nữ được quyền chia tay nếu phát hiện chồng mình ong bướm bên ngoài thôi, chứ lại đưa về nhà làm bà hai thì chỉ là giấc mơ xa vời. Bởi vì, “Rằng tôi chút phận đàn bà, Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”.
Về nguyên tắc chuyện này không đúng với quy định của pháp luật nhưng vì con người là những chủ thể mang tính riêng biệt cho nên bản thân những người trong cuộc cảm thấy hạnh phúc, thoải mái là được. <br/> - Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng
Chị Phương, ở Hà Nội cho biết quan điểm của chị nếu chồng ngoại tình hoặc có ý định cưới vợ khác về ở chung:
Mình là người Đông Nam Á làm sao chấp nhận tư tưởng đa thê đa thiếp như thế được. Thứ nhất là phải chia sẻ tình cảm. Một vợ một chồng vẫn hơn. Ngay cả khi chồng mình để ý đến người ngoài đường thôi mình đã chả thích rồi chứ chẳng nói là sống chung hay có người này người kia. Nếu có việc đó mình cũng giải tán, chia tay thôi chứ sao mà sống chung được.
Dù sao gia đình cũng là từng tế bào của xã hội nên cần tuân thủ pháp luật để mỗi một tế bào đó được lành mạnh, hạnh phúc. Câu chuyện vui về gia đình ông Thuần không nên được đưa ra để cổ xúy cho chế độ đa thê trong mọi xã hội nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, trang Tạp chí phụ nữ tuần này vẫn muốn được giới thiệu câu chuyện này đến với khán giả, hi vọng những điều hay, điều tốt về cách ứng xử trong gia đình này sẽ được học hỏi, phát huy, còn những yếu tố vi phạm pháp luật cần được né tránh.
Mọi đóng góp của quý vị để trang Phụ nữ thêm sinh động hơn, xin gửi về địa chỉ peymane@rfa.org.