Sa sút của Trung Quốc là tiến bộ

0:00 / 0:00

Trận chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thu hút sự quan tâm của các thị trường vì hiệu ứng có thể gây ra cho thế giới. Tuy nhiên, khi trận chiến chưa bùng nổ, kinh tế Trung Quốc lại có triệu chứng suy yếu, nên người ta tự hỏi về kết cuộc. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này, nhưng từ một giác độ khác.

Nghịch lý

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào tái ngộ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, khi trận chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới từ hai bờ biển Thái Bình Dương làm thiên hạ chú ý thì tuần này, thống kê từ Bắc Kinh lại phơi bày sự yếu kém của kinh tế Trung Quốc. Theo nhận xét của ông, Trung Quốc có bị thất thế trước khi phải nhập trận hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin phân tích vụ này từ hai giác độ khác nhau rồi mới hy vọng nêu ra vài kết luận. Thứ nhất, nhìn trên mệnh giá hay bản mặt của các thống kê do Bắc Kinh công bố, quả nhiên là tình hình kinh tế trong Quý Hai vừa kết thúc đã có triệu chứng sa sút. Vì đã biết tính chất khả tín rất thấp của thống kê Trung Quốc, người ta vẫn có thể kết luận là trước khi vào trận, Bắc Kinh đã gặp cảnh bất lợi, nhất là khi lãnh đạo xứ này đang phơi bày nhiều sự bất nhất trong chính sách. Tuy nhiên, và đây là giác độ thứ hai, các chỉ dấu sa sút kinh tế vừa được công bố lại cho thấy lãnh đạo Bắc Kinh đã đạt nhiều tiến bộ.

Sự tiến bộ của Bắc Kinh là thu hẹp sai số hay sự khác biệt giữa thống kê của trung ương với thống kê của các địa phương. Bớt nói dối cũng đã là một tiến bộ!<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin được nêu ra nghịch lý từ hai nhận xét của ông. Nhận xét thứ nhất là kinh tế Trung Quốc đang có triệu chứng sa sút vào Quý Hai, trước khi lao vào trận chiến mậu dịch với Hoa Kỳ. Nhưng, và đây là nhận xét thứ hai của ông, chỉ dấu sa sút đó lại cho thấy lãnh đạo Bắc Kinh đã đạt tiến bộ. Thưa ông, thính giả của chúng ta có thể tự hỏi, chẳng lẽ sự sa sút lại là chỉ dấu tiến bộ hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cố tình trình bày như vậy để nhấn mạnh một khía cạnh là có sự khác biệt trong tầm nhìn ngắn và dài hạn.

- Đầu tiên, khi thống kê do Bộ Thương Mại Mỹ công bố hôm Thứ Sáu 27 về đà tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế trong Quý Hai, Cục Thống Kê Quốc Gia tại Bắc Kinh lại cho biết tình hình kém khả quan của kinh tế Trung Quốc. Hãy tưởng tượng hai lực sĩ sắp ra đấu sức thì một người lại có báo cáo tốt hơn người kia về thể lực. Vì vậy, kết luận ngắn hạn thì Hoa Ký có thế mạnh hơn Trung Quốc trong trận đấu sắp tới. Tuy nhiên, đây là một cách nhìn có tính chất dài hạn hơn, xưa nay Trung Quốc mắc bệnh tôn sùng chỉ tiêu tăng trưởng, cái bệnh đã lây vào Hà Nội, bây giờ, khi họ công nhận một đà tăng trưởng thấp hơn, thì đấy là một sự tiến bộ về thống kê!

Hai tầng lý luận

Nguyên Lam: Nguyên Lam bắt đầu thấy ra hai tầng lý luận của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Xin ông hãy nhắc đến tầng đầu là thống kê ngắn hạn.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hôm Thứ Ba ngày 30, Cục Thống Kê Trung Quốc cho biết chỉ số đặt mua hàng công nghệ gọi là "Purchasing Managers' Index hay PMI, đã rớt tới mức thấp nhất kể từ năm tháng vừa qua. Vì chỉ số này có giá trị tiên báo khi cho biết trước số đơn đặt hàng sẽ sử dụng cho sản xuất trong những tháng tới, ta hiểu là sản lượng tương lai có thể giảm. Chi tiết ấy càng xác nhận rằng lãnh đạo Bắc Kinh đang bị phân vân giữa hai ưu tiên là nên cải cách cơ chế cho lành mạnh hơn, hay là nên tiếp tục kích thích sản xuất bằng những biện pháp đã từng gieo họa cho họ.

Biểu đồ chỉ số PMI của Trung Quốc từ năm 2014.
Biểu đồ chỉ số PMI của Trung Quốc từ năm 2014. (AFP)

- Chi tiết thứ hai có ý nghĩa không kém là sản lượng của các địa phương. Xưa nay các địa phương đều thi đua báo cáo mức khả quan của kinh tế nên kết số tổng hợp của ngần ấy địa phương đều cao hơn sản lượng kinh tế của cả nước. Sự khác biệt đó là một vấn đề về thống kê của Trung Quốc mà chúng ta đã phân tích nhiều lần trên diễn đàn này. Bây giờ, điểm lại sản lượng kinh tế trong sáu tháng đầu năm của 29 tỉnh thì chúng ta thấy gì? Thấy là chỉ có 15 tỉnh là đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân của toàn quốc. Tính theo cùng kỳ so với năm ngoái là 21 tỉnh, thì ta có hai kết luận: hoặc là tình hình các tỉnh đã sa sút hơn, hoặc là các tỉnh đã báo cáo trung thực hơn xưa! Nếu trung thực hơn thì đấy là một sự tiến bộ…

Nguyên Lam: Bây giờ chắc quý thính giả của mục Diễn đàn Kinh tế đã hiểu ra chuỗi lý luận của ông Nghĩa. Bắc Kinh đã có tiến bộ khi các tỉnh bớt thổi phồng thống kê kinh tế tại địa phương, nhờ đó mà lãnh đạo tại trung ương có thể biết rõ hơn về thực tế ở dưới. Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích thêm vụ này, là tầng thứ hai của thống kê dài hạn.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin trở ngược về quá khứ một chút thì mình sẽ thấy.

- Từ cả chục năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh đã chật vật đối phó với một hiện tượng là đảng viên cán bộ tại địa phương thường cung cấp các báo cáo kinh tế tốt đẹp lên trung ương nên trung ương không còn biết rõ về thực tế ở dưới. Lý do của hiện tượng này là các đảng viên không chịu trách nhiệm với quần chúng ở dưới nhưng được thăng quan tiến chức nhờ sự cất nhắc của thượng cấp ở trên.

- Đặc tính của hệ thống chính trị độc tài xưng danh “dân chủ tập trung” mới dẫn đến tai họa vì trung ương bị bịt mắt. So với tai họa về thông tin của “Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại” thời Mao Trạch Đông làm mấy chục triệu người chết oan thì tình hình có vẻ khá hơn sau nhiều đợt cải cách về kỹ thuật thu thập thống kê, nhưng so với yêu cầu quản lý một nền kinh tế quá lớn và quá phức tạp trên một lãnh thổ bát ngát thì việc cải cách ấy vẫn chưa đủ.

- Tháng 10 năm ngoái, vào Đại hội đảng của Khóa 19, Tổng Bí thư Tập Cận Bình phê phán đặc tính “tôn sùng đà tăng trưởng kinh tế” của Trung Quốc, là điều ai cũng biết từ vài chục năm qua. Thế rồi, dường như lời phán đó lại công hiệu vì hôm Chủ Nhật 28, ta thấy có khác lạ trong thống kê kinh tế của 31 tỉnh thành, là các tỉnh và năm thành phố do trung ương trực tiếp quản lý, vì phân nửa có đà tăng trưởng thấp hơn hoặc bằng với trung bình toàn quốc. Kết số tổng cộng có nghĩa là tăng trưởng toàn quốc chỉ là 6,8%, hơi thấp hơn chỉ tiêu được lãnh đạo đưa ra. Sự tiến bộ của Bắc Kinh là thu hẹp sai số hay sự khác biệt giữa thống kê của trung ương với thống kê của các địa phương. Bớt nói dối cũng đã là một tiến bộ!

"Làm láo báo cáo hay"

Nguyên Lam: Nguyên Lam không ngờ rằng trong kinh tế học hay kinh tế chính trị học, người ta cũng có nhiều lý luận mỉa mai châm biếm lâu lâu được ông nhấn mạnh. Thưa ông, diễn đàn này cũng có mục đích trình bày nhiều sự thật về kinh tế cho người dân Việt Nam cùng biết nên Nguyên Lam xin được yêu cầu ông khai triển thêm cho bà con dễ nắm vững thực tế.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ thời Đặng Tiểu Bình tới Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, lãnh đạo Bắc Kinh thấy ra vấn đề trong thống kê là phần kỹ thuật liên quam đến bộ môn kế toán quốc gia và phần chính trị là hiện tượng "làm láo báo cáo hay" của đảng viên cán bộ mà người Việt Nam cũng đã biết. Họ đã cố cải tiến phần kỹ thuật, nhưng lãnh đạo Việt Nam thì chưa.

- Qua phần chính trị thì Tổng bí thư Tập Cận Bình mới là người thúc đẩy với cái búa đả hổ đập ruồi. Đó là cho Cục Thống Kê Quốc Gia quyền thu thập thống kê ở các cấp địa phương kể từ năm tới, và đưa đảng viên đi giám sát hành vi và giám định kế toán với vai trò quan trọng và đáng sợ của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Trung ương đảng, nổi tiếng về việc diệt trừ tham nhũng. Kết quả là nhiều tỉnh đã tự thú là thổi phồng thống kê về sản lượng kinh tế của địa phương, là hoàn cành suy sụp của các tỉnh Đông Bắc, như Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Cát Lâm, vì là trung tâm công nghiệp nặng thời xưa nhưng nay lại giấu biến sự thật. Nhiều tỉnh cũng khai gian vì mắc nợ quá nhiều và thổi phồng thống kê để phủ lấp rủi ro.

Nguyên Lam: Nếu như vậy, có lẽ người ta hiểu ra tại sao ông Tập Cận Bình cố gắng tập trung quyền lực về trung ương và vào trong tay cá nhân vì trung ương không thể quản lý được nếu chỉ căn cứ trên thống kê sai lạc. Thưa ông, người ta còn nên thấy ra cái gì khác trong hiện tượng thống kê đó của Bắc Kinh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì kinh tế tăng trưởng thiếu phẩm chất – không cân đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững, ít ra là "bốn không" như thế hệ lãnh đạo trước là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã nhận định – Trung Quốc không phát triển mà lại tích lũy nhiều nhược điểm. Tiếp nhận di sản đó, thế hệ lãnh đạo thứ năm là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường lên cầm quyền từ sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012 mới phải tiến hành cải cách và chuyển hướng kinh tế mà chưa xong. Với chủ trương thanh lọc hàng ngũ, Tập Cận Bình phải đả hổ diệt ruồi để thanh trừng các đối thủ hay những kẻ cưỡng chống cải cách và nay mới bắt đầu ra tay thì lại lâm vào trận chiến mậu dịch với Hoa Kỳ.

Bắc Kinh rơi vào cảnh tiến thoái gì cũng gặp bất lợi. Trong ngắn hạn là bị thất thế với Hoa Kỳ khi cuộc đua bùng nổ, trong dài hạn là nội bộ chống đối vì việc cải tổ nào cũng xâm phạm vào quyền lợi của một số thành phần đảng viên.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa

- Nhưng bài toán thống kê và tầm nhìn vẫn có thể che mắt lãnh đạo ở trên khi họ phải tiến hành một kế hoạch quá lớn lao trước các vấn đề trầm trọng như núi nợ sẽ sụp đổ, môi sinh bị hủy hoại khi tham nhũng và gian dối vẫn tràn lan trong hàng ngũ đảng viên cán bộ.

Phân tâm và lúng túng

Nguyên Lam: Đâm ra tình hình bên trong của Trung Quốc cũng có nhiều bài toán nan giải mà bên ngoài thì lãnh đạo lại gây phản ứng từ nhiều quốc gia vì hành vi bành trướng của họ. Nếu vậy thưa ông, để kết luận thì tình hình sẽ ra sao khi trận chiến mậu dịch có thể bùng nổ với Hoa Kỳ trong thời gian tới đây?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mặc dù ông Tập Cận Bình và Bắc Kinh đã đạt tiến bộ nhỏ về thống kê như ta vừa nói ở trên, tiến bộ đó chỉ có tính cách cục bộ. Ngay trước mắt, họ bị phân tâm và lúng túng vì hai mục tiêu trái ngược, một là phải cố tiến hành cải cách cơ chế cho lâu dài, hai là phải bơm tiền kích thích kinh tế để tăng sản lượng và giảm thất nghiệp ngay trước mắt. Bài toán ngắn hạn là kích thích lại dẫn tới nguy cơ chiến tranh ngoại hối khi đồng Nguyên tuột giá làm đầu tư nước ngoài sẽ sụt mà nạn tẩu tán tư bản lại tăng trong khi Bắc Kinh bị Hoa Kỳ kết tội lũng đoạn hối đoái. Bắc Kinh rơi vào cảnh tiến thoái gì cũng gặp bất lợi. Trong ngắn hạn là bị thất thế với Hoa Kỳ khi cuộc đua bùng nổ, trong dài hạn là nội bộ chống đối vì việc cải tổ nào cũng xâm phạm vào quyền lợi của một số thành phần đảng viên.

- Từ Đại hội 18 vào cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình đã nói là phải chú trọng tới phẩm hơn lượng trong đà tăng trưởng kinh tế. Nay ông mới chỉ cải tiến về lượng khi bỏ tù các đảng viên nói láo bằng thống kê, chứ về phẩm thì ông ta vẫn dậm chân tại chỗ. Nếu có đứng trên đỉnh cao nhất mà dậm chân tại chỗ thì lãnh tụ chỉ gây thêm trò cười về tệ sùng bái cá nhân như Mao Trạch Đông ngày xưa, là điều mà nhiều trí thức trong đảng đã bắt đầu nói ra!

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn đầy tính mỉa mai của tuần này.