Báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) cho biết tại Việt Nam hiện nay, mọi cơ quan báo chí đều hoạt động dưới sự chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguồn tin độc lập duy nhất mà hiện nay người dân có thể tiếp cận chính là từ các blogger và nhà báo tự do. Tuy nhiên, chính quyền cộng sản đang tìm cách đàn áp và xách nhiễu nhiều blogger thông qua việc sử công an thường phục. Bên cạnh đó, đã có nhiều blogger và nhà báo tự do bị bỏ tù bởi các tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “lạm dụng quyền tự do dân chủ” theo các điều luật 88, 79 và 258 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Nhận xét về điều này, bà Margaux Ewen, giám đốc điều hành của Tổ chức RSF tại Washington D.C cho biết:
"Truyền thông Việt Nam hoàn toàn bị kiểm duyệt và những blogger và nhà báo độc lập luôn bị chính quyền đe doạ hay xách nhiễu. Nếu trước đây hình phạt cho những blogger này thường là 2 năm thì hiện nay họ có thể đối mặt với những bản án lên tới 15 năm tù giam. Ngoài ra chính phủ luôn tìm cách kiểm soát việc biểu đạt cảm xúc và truyền đạt thông tin qua internet, đồng thời ngăn cản các blogger cung cấp thông tin trung thực đến cho người đọc."
Bà Ewen cũng nhấn mạnh, kể từ năm 2017, đã có rất nhiều nhà báo độc lập bị tuyên phạt những bản án nặng nề vì những bài viết liên quan đến tình trạng tham nhũng hay đưa tin về thảm hoạ môi trường. Cụ thể là trường hợp blogger mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Trần Thị Nga hay nhà báo Nguyễn Văn Hoá đã bị chính quyền Việt Nam tuyên phạt từ 7 cho đến 10 năm tù giam vì những bài viết liên quan đến thảm hoạ môi trường Formosa.
Theo thống kê của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo CPJ, Việt Nam đã giam giữ ít nhất 10 nhà báo năm 2017, và nằm trong danh sách sáu nước giam giữ nhiều nhà báo nhất trên thế giới. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch năm 2018 cũng cho biết có hơn 100 nhà hoạt động, blogger đang bị cầm tù ở Việt Nam. Trước đó đã có 36 vụ những kẻ lạ mặt mặc thường phục đánh đập những người vận động nhân quyền và blogger, nhiều trường hợp gây thương tích nặng, trong khoảng thời gian từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017. Ngoài ra, các nhà nhà báo độc lập, các bloggers còn nói rằng gần đây chính quyền tăng cường phối hợp với Facebook để gỡ bỏ những bài viết của họ, thậm chí là khóa cả trang Facebook cá nhân – một phương tiện chính giúp lan tỏa tiếng nói của họ. Chính phủ Việt Nam cũng thông báo đã gỡ bỏ hàng ngàn bài viết, video mà họ cho là “độc hại” trong thời gian qua. Đặc biệt, mặc dù hiện nay Việt Nam có khoảng 800 cơ quan báo chí nhưng tất cả các cơ quan báo chí này đều được chỉ đạo và kiểm soát thông tin bởi Ban Tuyên giáo Trung ương. Chính vì vậy, blogger và các nhà báo tự do là kênh thông tin quan trọng đối với nhiều người dân trong việc tiếp cận những thông tin đa chiều và trung thực nhất.
Trước thực trạng này, bà Ewen kêu gọi các blogger tiếp tục đưa tin trung thực đến với người dân, bất chấp những đe doạ và bắt bớ từ phía chính quyền nhà nước:
"Những blogger và nhà báo độc lập ở Việt Nam quả thật là những người vô cùng dũng cảm và tôi hy vọng họ có thể tiếp tục giữ được tinh thân đó để đấu tranh nhằm cải thiện tình trạng phi tự do báo chí như hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cũng kêu gọi các quốc gia, cụ thể là Hoa Kỳ và tổ chức báo chí cùng gây áp lực để yêu cầu chính quyền Việt Nam thả tự do cho các blogger đồng thời từ bỏ kiểm soát mạng xã hội để người dân có thể tự do biểu đạt cảm xúc và chia sẻ thông tin trên internet"
Báo cáo thường niên về Chỉ số tự do báo chí toàn cầu là sáng kiến được Tổ chức Phóng viên không biên giới đưa ra từ năm 2002, thu thập ý kiến đánh giá từ các chuyên gia do RSF lựa chọn. Câu hỏi được đưa ra dựa trên những tiêu chí về tính đa nguyên đa đảng, sự độc lập của ngành truyền thông, chất lượng khung pháp lý cũng như sự an toàn của những nhà báo khi tác nghiệp tại 180 quốc gia trên toàn cầu.
Trong báo cáo năm nay, Bắc Hàn tiếp tục là nước đứng cuối bảng về tự do báo chí trong khi Na Uy được xếp vào đầu bảng trong lĩnh vực này.
Việt Nam năm nay đứng trên một bậc so với Trung Quốc, quốc gia bị RSF chỉ trích đã tăng cường các biện pháp kiểm duyệt báo chí, bằng cách sử dụng nhiều các công nghệ mới và đã gây ảnh hưởng về mô hình kiểm soát thông tin đối với một số các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Vietnam và Campuchia.