Ảnh hưởng tới kinh tế VN
Sự kiện Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ vì áp lực quốc tế sẽ ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam. Nam Nguyên trình bày vấn đề này.
Trước sức ép của Hoa Kỳ và phương tây, Trung Quốc đã điều chỉnh giá trị Nhân dân tệ lên mức cao nhất kể từ 2005 tới nay. Trong vòng 1 tuần tính đến 25/6, Nhân dân tệ tăng giá khoảng 0,53% so với đồng đô la Mỹ.
Sự kiện Trung Quốc nâng giá đồng tiền của mình so với đô la Mỹ trên nguyên tắc sẽ làm hàng hóa sản xuất từ Hoa lục trở nên mắc hơn, mức độ tăng giá hàng hóa tùy thuộc tỷ giá được điều chỉnh như thế nào.
Nhận định về các ảnh hưởng của việc Bắc Kinh điều chỉnh giá trị nhân dân tệ đối với Việt Nam, TS Nguyễn Quang A chuyên gia nghiên cứu độc lập ở Hà Nội phát biểu:
Đồng nhân dân tệ lên giá thì hàng Trung Quốc vào Việt Nam sẽ đắt hơn, điều này có thể làm giảm mức nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc.
TS Nguyễn Quang A
"Nó có nhiều loại ảnh hưởng và những ảnh hưởng đấy có thể rất mâu thuẫn với nhau, thí dụ đồng nhân dân tệ lên giá thì hàng Trung Quốc vào Việt Nam sẽ đắt hơn. Điều này có thể làm giảm mức nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc, nhưng chưa chắc hoàn toàn là như vậy vì có thể Việt Nam phải nhập nhiều nguyên liệu của Trung Quốc mà nếu nhập ở các nước khác vẫn đắt hơn.
Lúc đó lại có cái tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, bởi vì lúc đó nhập khẩu nguyên liệu của Trung Quốc mang về đây chế biến rồi xuất đi Châu Âu hay Mỹ chẳng hạn, trong khi với Mỹ giá vẫn thế còn giá nguyên liệu đầu vào Trung Quốc tính ra tiền đồng Việt Nam thì tăng lên. Sự kiện này tạo ra khả năng các doanh nghiệp sản xuất có thể gặp khó khăn. Nhưng nói chung những đánh giá này có lẽ phải chờ một ít thời gian để xem thực tiễn như thế nào."
Dệt may xuất khẩu chịu bất lợi
Ngành dệt may Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu rất lớn, dự kiến năm nay đạt giá trị 10,5 tỷ USD. Tuy nhiên để làm hàng may mặc phần nguyên phụ liệu phải nhập khẩu lên tới 60%, trong đó xuất xứ Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May thêu Đan TP.HCM đưa ra nhận định:
“Việc này sẽ có những ảnh hưởng nhất định, nhưng hiện nay hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam giao dịch với Trung Quốc bằng đồng đô la, nếu việc này tiếp tục thì sẽ không tạo ra thay đổi lớn. Nhưng chắc chắn trong một tương lai gần sẽ có điều chỉnh giá bán đối với Trung Quốc và như vậy giá xuất khẩu của họ sẽ cao lên. Đây là điều các nước nhập khẩu lớn đang mong đợi, vì như vậy tính cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc sẽ kém hơn.
Tuy nhiên đối với việc chúng ta nhập khẩu từ TQ bằng đồng đô la sau khi giá nhân dân tệ được điều chỉnh, lúc đó giá bằng đồng đô sẽ tăng lên, điều này chắc chắn ảnh hưởng lớn tới giá thành sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tin rằng việc điều chỉnh của TQ sẽ ảnh hưởng toàn cầu và do đó các nhà nhập khẩu cũng phải tính toán lại. Hiện nay chúng ta nhập nguyên liệu từ TQ mà điều chỉnh lên ngay thì Việt Nam sẽ bị thiệt thòi. Nhưng nếu có lộ trình, thì chúng ta sẽ có quá trình điều chỉnh dần”
Nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc rất cao năm 2009 hơn 11 tỷ USD. Việt Nam nhập hàng hóa tiêu dùng và máy móc trang thiết bị từ TQ, ngược lại Việt Nam xuất nguyên liệu thô sang TQ như dầu thô, than và mủ cao su.
Riêng về mủ cao su sơ chế, theo Hiệp hội Cao su, dự kiến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD trong đó 65% là xuất sang thị trường Trung Quốc. Việc đồng nhân dân tệ tăng giá so với đồng đô la Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào tới ngành xuất khẩu cao su của Việt Nam, từ TP.HCM bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư Ký Hiệp Hội Cao Su Việt Nam trả lời chúng tôi một cách dè dặt:
Chúng ta nhập khẩu từ TQ bằng đồng đô la sau khi giá nhân dân tệ được điều chỉnh, lúc đó giá bằng đồng đô sẽ tăng lên, điều này chắc chắn ảnh hưởng lớn tới giá thành sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Diệp Thành Kiệt
“Chúng tôi tham khảo các doanh nghiệp họ bảo phải chờ thực tế mới biết được, tỷ giá thay đổi nhưng đơn giá mua họ lên hay xuống thì lúc đó mới nhận định được là lợi hay không, chưa hẳn họ giữ một đơn giá mua như hiện nay. Nếu họ tăng lên thì giá mua của họ sẽ như thế nào, nó sẽ áp dụng chung cho các nước chứ không chỉ riêng Việt Nam dẫu là chính ngạch hay tiểu ngạch. Thành ra chúng tôi rất thận trọng phải chờ thực tế họ mua theo đơn giá như thế nào, lúc đó mới có nhận định đúng được.”
Thị trường tiêu dùng bất ổn
Xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc ngoài chế độ chính ngạch hay tiểu ngạch còn có một thị trường buôn lậu rất lớn. Chính là họat động buôn lậu rầm rộ đã khiến hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Doanh nhân Võ Văn Đức Bảy ở TP.HCM đưa ra nhận định:
“Một góc cạnh thuận lợi và một góc cạnh khó khăn, mặt hàng nào mình xuất khẩu cạnh tranh với Trung Quốc thì mình có ưu thế, nhưng nếu mình mua nguyên liệu của “nó” về để sản xuất thì gặp bất lợi. Nhập "chui" từ Trung Quốc rất là lớn, giá cả thị trường sẽ tăng theo tỷ giá họ nhập hàng vào.”
Một số chuyên viên thị trường cho rằng, việc hàng hóa Trung Quốc sẽ đắt hơn trước do thay đổi tỷ giá nhân dân tệ, sẽ là cơ hội cho hàng hóa nội địa của Việt Nam. Tuy nhiên ông Diệp Thành Kiệt bày tỏ sự e ngại vì một số yếu tố khác như buôn bán tiểu ngạch rất gần với buôn lậu trốn thuế:
Phải có sự kiểm soát tốt hơn đối với nguồn hàng Trung Quốc, dần dần phải điều chỉnh hàng may mặc thành phẩm và giày dép Trung Quốc vào Việt Nam theo đường chính ngạch.
Ông Diệp Thành Kiệt
"Phải có sự kiểm soát tốt hơn đối với nguồn hàng Trung Quốc, dần dần phải điều chỉnh hàng may mặc thành phẩm và giày dép Trung Quốc vào Việt Nam theo đường chính ngạch hạn chế đường tiểu ngạch, đồng thời kiểm soát để dẹp bớt buôn lậu đi."
Ở một bình diện khác, TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện khoa học giá cả thị trường nhận định với báo chí rằng, việc đồng tiền Trung Quốc tăng giá sẽ gây nhiều áp lực lên vấn đề lạm phát của Việt Nam và cho đến lúc này Việt Nam chưa có biện pháp nào để chống đỡ cho hiệu quả. VN nhập từ TQ nhiều nguyên vật liệu và máy móc, những thứ mà TS Ánh cho là không thể không nhập, đây là kịch bản không thể tránh được.
Nếu những nhận định vừa nói trở thành sự thật thì quả thật người Việt Nam không chờ đợi và không mong muốn Trung Quốc tăng giá nhân dân tệ.