Một con số ấn tượng
Còn 3 tháng mới hết năm, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đã thực tế xuất khẩu khoảng 5 triệu 550 ngàn tấn gạo tính đến hết tháng 9. Thông tin này được Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn loan báo cuối tuần rồi, trị giá gạo xuất khẩu đạt 2 tỷ 560 triệu USD một con số khá ấn tượng.
Tính cái chuỗi giá trị lúa gạo tăng lên, khi giá tăng lên lợi nhuận phân chia nông dân hưởng không được bao nhiêu. Điều này rất thiệt thòi cho bà con nông dân.
TS Lê Văn Bảnh
Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam dự kiến trọn năm 2010, lượng gạo xuất khẩu sẽ đạt mức 7 triệu 200 ngàn tấn, kể cả 1 triệu 400 ngàn tấn tồn kho năm ngoái. Như vậy ba tháng 10-11-12 tính gộp sẽ xuất khẩu thêm khoảng 1 triệu 650 ngàn tấn gạo nữa. Giới chuyên gia cho rằng sự kiện này có thể xảy ra, nếu dự báo này trở thành hiện thực thì đây sẽ là năm xuất khẩu gạo của Việt Nam cao nhất từ trước tới nay. Do các vùng sinh thái khác nhau, một số nơi như Hòn Đất Kiên Giang nông dân vừa gặt xong lúa hè thu muộn, trong khi Đồng Tháp là nơi thu hoạch vụ thu đông sớm nhất. Vụ thu đông đồng bằng sông Cửu Long được làm trên diện tích gần 500 ngàn héc-ta, hứa hẹn cung cấp 7 triệu 500 ngàn tấn lúa, thu hoạch từ nay tới tháng 11.
Theo báo Tuổi Trẻ Online, những ngày đầu tháng 10 giá lúa có chiều hướng tiếp tục tăng. Lúa khô loại thường nông dân có thể bán cho thương lái với giá 5.500đ/kg trong khi lúa thơm chất lượng cao từ 6.500đ/kg. Nhưng người có lúa hè thu muộn và thu đông hiện nay được lãi nhiều, một số nông dân lãi tới 50%, ngược lại những nơi làm hè thu chính vụ bị thua lỗ lớn vì hồi tháng 6, tháng 7 thị trường ứ đọng, Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam dậm chân tại chỗ khiến chính phủ phải cấp bù lãi suất ngân hàng, để Hiệp Hội chỉ định thành viên mua gạo tạm trữ với giá tương đương giá lúa 3.500đ/kg.
Có đến tay nông dân?
Trên thực tế từ cuối vụ hè thu đến nay giá gạo trên thị trường thế giới tăng, nhiều nước đẩy mạnh nhập khẩu nên thị trường chuyển động. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiên đoán giá lúa sẽ đứng ở mức cao, nhờ năm nay chính phủ cho phép xuất khẩu không hạn chế.
“Tính cái chuỗi giá trị lúa gạo tăng lên, khi giá tăng lên lợi nhuận phân chia nông dân hưởng không được bao nhiêu. Điều này rất thiệt thòi cho bà con nông dân. Trong tương lai nên có giải pháp, thí dụ cho tạm trữ thì nông dân phải liên kết tổ chức để đảm bảo tự tồn trữ, nếu không doanh nghiệp hưởng hết nông dân không được gì.”
Nông Dân đồng bằng sông Cửu Long trông đợi chính phủ có những chính sách thị trường hợp lý để tránh cho nông dân nghèo khỏi rơi vào cảnh bần cùng:
“Phải làm cách mua lúa gạo của nông dân giống như bên Thái Lan, người ta có kho dự trữ, nhà nước phải trực tiếp mua lúa tại ruộng nông dân, cứ toàn là nói không, thực tế vụ nào tôi bán cho thương lái cũng bị ép giá. Chính sách bốn nhà, nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp nhà khoa học thì phải hỗ trợ để làm, thí dụ bây giờ vô tổ hợp tác thì nhà nước phải nhúng tay vảo vận động để qui hoạch vùng lúa, làm một giống thôi sản xuất lúa tập trung. Nhưng mà làm rồi cũng bỏ ngang giữa chừng, bây giờ lại mạnh ai nấy làm.”
Theo Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn, sản lượng lúa cả nước năm 2010 dự kiến khoảng hơn 39 triệu tấn. Riêng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa xuất khẩu chính đạt khoảng hơn 20 triệu tấn. Năm nay Việt Nam không lo ngại về an ninh lương thực, điều quan trọng là điều hành cách nào để toàn bộ nông dân bán lúa có lãi, chứ không phải chỉ một vài khu vực cá biệt.
Theo dòng thời sự:
- Giá sàn gạo xuất khẩu liên tiếp tăng cao
- Giá lúa gạo nhảy vọt, tiền vào túi ai?
- Giá gạo xuất khẩu tăng hai lần trong tháng 8
- Cung cầu lúa gạo xuất khẩu bất ổn
- Lúa sốt giá lời 50% nhưng ít người có lúa
- Kiểm tra, theo dõi sát tình hình thị trường gạo ĐBSCL
- Tình hình xuất khẩu thuận lợi, giá lúa gạo tăng
- Tín dụng nông thôn khó đến tay nông dân
- Quên đi chuyện bảo đảm giá lúa lãi 30%
- Ngân hàng nhà nước VN chỉ đạo cho vay mua tạm trữ lúa