Nam Nguyên phỏng vấn ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VICOFA đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, về vấn đề liên quan.
Hỗ trợ vốn
Nam Nguyên: Kế hoạch của VICOFA là tạm trữ tới khoảng 1/3 sản lượng xuất khẩu ngay từ đầu vụ. Nhưng có giới chức Bộ NN-PTNT nói rằng chính sách mua tạm trữ chỉ được thực hiện khi thị trường ứ đọng nông dân không bán được hàng, thí dụ như gạo, muối. Ông nhận định gì?
Ông Đỗ Hà Nam: Thực ra cà phê có đặc thù không giống như những ngành hàng khác, ở đây chỉ hỗ trợ về vốn thôi mà không hỗ trợ lãi suất. Do cà phê có giá trị rất là cao nên nguồn vốn để mua cà phê của các doanh nghiệp rất hạn chế, bắt buộc phải vay ngân hàng. Nhưng kinh doanh cà phê chịu ảnh hưởng sàn Luân Đôn nên rủi ro rất cao và ngân hàng hạn chế cho vay. Chính vì vậy nông dân gặp nhiều khó khăn khi muốn bán hàng do tài chính của chúng tôi có hạn.
Với kế hoạch 300.000 tấn này, bản chất là nhà nước cấp vốn để mua cà phê với lãi suất bình thường, không ưu đãi lãi suất. Sáng nay (29/10) Hiệp hội Cà phê họp với các Bộ ngành, thì khuynh hướng chung là họ ủng hộ kế hoạch nếu là lãi suất bình thường, không ưu đãi lãi suất. Tôi thấy kế hoạch này có cơ hội thực hiện vào đầu vụ.
Với kế hoạch 300.000 tấn này, bản chất là nhà nước cấp vốn để mua cà phê với lãi suất bình thường, không ưu đãi lãi suất.
Ô. Đỗ Hà Nam<br/>
Nam Nguyên: Có những ý kiến khác nhau về sản lượng niên vụ cà phê hiện nay 2010-2011, thời tiết được nói tới là thuận lợi và không thuận lợi cho sản lượng. Như vậy ông dự báo thế nào?
Ông Đỗ Hà Nam: Để đánh giá chính xác sản lượng thu hoạch thì phải căn cứ vào khả năng thu hoạch thực tế. Trước đây quan sát vườn cây họ thấy là quả rất là sai, tuy nhiên thu hoạch đầu vụ ở một số vùng người ta thấy là hạt rất nhỏ. Cũng có thể lý giải khi cây lượng trái ít thì hạt lớn, lượng trái nhiều thì hạt nhỏ.
Nhìn bình thường thì người ta đánh giá là sản lượng năm nay tăng. Nhưng ở Việt Nam có hai vấn đề nổi cộm, sản lượng các vùng trồng cà phê đang chỉ đạt 70% so với cùng kỳ các năm. Giải thuyết là khi đang thu hoạch mưa rất lớn, không phơi được và sẽ bị hỏng có thể nói sản lượng giảm sau thu hoạch. Còn nếu như trời nắng tốt thì thu hoạch đạt sản lượng tốt hơn nhưng do không đủ lượng mưa thì năm sau sẽ mất mùa.
Cho nên sáng nay (29/10) Hiệp hội họp thì có hai thông tin trái chiều như vậy. Muốn đánh giá chính xác bắt buộc phải chờ thu hoạch.
Giá cả ổn định
Nam Nguyên: Trong hai kịch bản lạc quan và bi quan thì các chuyên gia dự báo sản lượng niên vụ này như thế nào?
Ông Đỗ Hà Nam: Cũng có thể đạt tới 1,1 triệu - 1,2 triệu tấn. Theo các chuyên gia bi quan lắm thì cũng có thể bằng mức năm vừa rồi. Nói chung họ đánh giá thị trường sẽ tốt và cà phê Việt Nam có cơ hội ổn định ở mức giá là 30.000đ/kg.
Lý do là nhu cầu thế giới đang tăng lên. Thứ hai là các nhà xuất khẩu Việt Nam rút kinh nghiệm thực hiện mua đâu bán đó, không chịu ảnh hưởng thị trường Luân Đôn nữa, vì người ta không bán trừ lùi theo giá lên sàn, tạo ra áp lực chịu ảnh hưởng sàn giao dịch Luân Đôn. Nếu không chịu ảnh hưởng thì khi sàn giao dịch Luân Đôn thiếu hàng mà các nhà rang xay có nhu cầu thì chắc chắn họ sẽ giữ giá nhất định. Như vậy cà phê Việt Nam sẽ được hưởng giá này, chúng tôi hy vọng cà phê Việt Nam năm nay sẽ có giá tốt.
Nam Nguyên: Nếu mua ngay đầu vụ với số lượng 300 ngàn tấn thì chắc cũng phải mất vài tháng, vậy Hiệp Hội có ấn định giá sàn hay không?
Ông Đỗ Hà Nam: Không, bởi vì hỗ trợ vốn ở mức tối đa theo lãi suất bình thường, thì doanh nghiệp có quyền chọn lựa vay hoặc không vay tùy theo hiệu quả.
Nói chung họ đánh giá thị trường sẽ tốt và cà phê Việt Nam có cơ hội ổn định ở mức giá là 30.000đ/kg.
Ô. Đỗ Hà Nam
Nếu như nông dân vì áp lực cần tiền phải bán ồ ạt, và giá cả như nhận định là không thấp hơn 30 ngàn/kg thì khi giá thấp các doanh nghiệp sẽ đổ xô ra mua có thể chặn đà sụt giá. Nếu chặn được thì không những tạo cơ hội ổn định thị trường giá, mà thậm chí đẩy thị trường giá lên lại.
Kinh nghiệm vừa rồi sau tháng Tư, chính phủ cho vay vốn ngân hàng thì chúng tôi thấy cơ hội đó đã xuất hiện. Nếu năm nay điều đó tiếp tục xuất hiện thì đây là cơ hội ổn định lâu dài cho ngành cà phê Việt Nam.
Nam Nguyên: Thưa ông, nhưng năm nay các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận vốn vay ngay từ đầu vụ chứ không phải trễ như niên vụ vừa qua?
Ông Đỗ Hà Nam: Đúng vậy, vấn đề doanh nghiệp tiếp cận vốn thì Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đã có văn bản chính thức trình Thủ tướng. Nếu thành công thì trong vòng mươi ngày nữa sẽ có các thông tin chính thức. Nếu bắt đầu áp dụng thì cố gắng có thể trong tháng 12 sẽ có cơ hội thực tế.
Nam Nguyên: Cảm ơn ông Đỗ Hà Nam đã trả lời Đài chúng tôi.