Nợ công vượt ngưỡng 50% GDP

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài Chính Việt Nam thì nợ công của chính phủ tính đến cuối tháng 12 năm 2009 là 52,6% GDP, thế nhưng đến cuối tháng 12 năm 2010 có thể lên tới 56,7% GDP.

Liệu số nợ này có đáng quan ngại hay vẫn còn trong ngưỡng cho phép như chính phủ công bố?

Mặc Lâm phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên cố vấn kinh tế cho Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư về vấn đề này.

Mặc Lâm: Thưa tiến sĩ, theo báo cáo của Bộ Tài Chánh thì nợ công tính đến cuối tháng 12-2010 này thì con số có thể tăng lên tới 56,7% tổng sản lượng quốc gia (GDP), theo tiến sĩ thì con số nợ công này có đáng lo ngại hay không?

TS. Lê Đăng Doanh: Con số nợ công của Việt Nam rất đáng lo ngại vì không những nó vượt mức 50%, là mức mà Ngân Hàng Thế Giới khuyên các nước đang phát triển nên giữ để cho nó an toàn, mà còn bởi vì tốc độ tăng từ năm 2007 cho tới nay rất là nhanh. Vì vậy cho nên cần phải hết sức chú ý trong việc quản lý, trong việc giám sát và có phương án xử lý vấn đề nợ công trước khi nó trở nên mất an toàn.

Mặc Lâm: Như vậy theo ông thì chính phủ cần có những biện pháp nào để khống chế cũng như xử lý như ông vừa nói?

Con số nợ công của Việt Nam rất đáng lo ngại vì không những nó vượt mức 50%, mà còn bởi vì tốc độ tăng từ năm 2007 cho tới nay rất là nhanh.

TS. Lê Đăng Doanh

TS. Lê Đăng Doanh: Theo tôi, trước hết cần phải có một sự tổng kiểm kê một cách toàn diện và đầy đủ nhất các khoản nợ, mà nhất là các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước như là các khoản nợ của Vinashin mà vừa rồi đang tự nhiên lại thấy xuất hiện một khoản 300 triệu đô la mà trước đấy không có.

Thứ hai nữa là cần phải sắp xếp, làm rõ và có phương án để xử lý từng khoản nợ.

Thứ ba nữa là phải có cái quy chế chặt chẽ về việc cho phép những đối tượng nào được vay và những đối tượng nào vay thì phải chịu trách nhiệm về việc chi trả như thế nào thì phải có phương án rõ ràng, và cũng phải xem xét các tác động của tỷ giá.

Hkg372482-200.jpg
Tiền đồng Việt Nam. AFP photo (Tiền đồng Việt Nam. AFP photo)

Tôi xin lưu ý là gần đây do đồng yen của Nhật tăng giá, cho nên chúng ta đã phải trả thêm cái số nợ vay do Nhật Bản giúp chúng ta lên đến 50.000 tỷ đồng Việt Nam. Đấy là khoản nợ tăng lên rất là lớn, vì vậy cho nên cũng cần phải xem xét các tác động của những biến động tỷ giá đối với vấn đề nợ công.

Mặc Lâm: Thưa ông, bội chi ngân sách nhà nước vẫn không có dấu hiệu giảm trong năm 2011, ông có nghĩ rằng đây cũng là yếu tố chính trong việc nợ công sẽ tăng lên thêm nữa hay không?

TS. Lê Đăng Doanh: Hiện nay thì tình hình bội chi ngân sách gắn liền với tình hình tăng trưởng của Việt Nam, bị phụ thuộc quá nhiều vào tiền vốn đầu tư. Hiện nay trong tăng trưởng của Việt Nam thì sự đóng góp của tiền vốn là 52%, đóng góp của lao động khoảng 19% - 20%, và đóng góp của các yếu tố mà người ta gọi là tổng hợp các yếu tố về năng suất lao động (EFP) thì vào khoảng 28%, tức là một tỷ lệ tương đối thấp, thế thì Việt Nam hiện nay đầu tư 43% cho đến có khi lên đến 45% GDP là một mức độ đầu tư rất lớn.

...vấn đề là chúng ta phải hạn chế bội chi ngân sách, đồng thời chúng ta cũng phải tăng cường tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả hơn nữa cái đầu tư để chúng ta bảo đảm có một sự tăng trưởng có hiệu quả và bền vững.

TS. Lê Đăng Doanh

Từ năm 2007 trở đi, sau khi chúng ta gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) thì mức độ tiết kiệm trong nước của nền kinh tế Việt Nam đã giảm rất là rõ rệt, đã giảm khoảng từ 29% cho đến bây giờ còn khoảng 20%, tức là đã giảm khoảng 7% GDP, có nghĩa là cái khoản chênh lệch giữa 43% đầu tư và cái khoản 20%, đấy là khoản mà chúng ta phải vay mượn ở bên ngoài, trông chờ vào đầu tư nước ngoài. Và như vậy hiện nay cái khoản chênh lệch đó nó dãn ra khoảng 13% cho tới 14% GDP.

Đấy là một cái khoản rất là lớn, vì vậy cho nên vấn đề là chúng ta phải hạn chế bội chi ngân sách, đồng thời chúng ta cũng phải tăng cường tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả hơn nữa cái đầu tư để chúng ta bảo đảm có một sự tăng trưởng có hiệu quả và bền vững.

Mặc Lâm: Vâng. Xin cảm ơn Tiến Sĩ rất là nhiều về buổi phỏng vấn ông dành cho chúng tôi trong ngày hôm nay.

Theo dòng thời sự: