Nam Nguyên phỏng vấn ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM về vấn đề liên quan. Trước hết ông Kiệt nhận định về cơ sở của dự báo lạc quan:
Xuất khẩu gia tăng
Ông Diệp Thành Kiệt: Thứ nhất kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm thường nhiều hơn. Lý do thời gian này xuất sản phẩm "nặng", quần áo mùa đông nên giá trị cao hơn.
Lý do thứ hai, sự phục hồi kinh tế cuối 2009 đầu 2010 đã cho thấy những dấu hiệu khởi sắc, vậy thì có quyền hy vọng theo những tiến độ đó những tháng cuối năm 2010 sẽ có tốc độ cao hơn nữa.
Lý do thứ hai, sự phục hồi kinh tế cuối 2009 đầu 2010 đã cho thấy những dấu hiệu khởi sắc, vậy thì có quyền hy vọng theo những tiến độ đó những tháng cuối năm 2010 sẽ có tốc độ cao hơn nữa.
Ông Diệp Thành Kiệt
Thứ ba nữa, dựa theo phân tích tình hình một số nước xung quanh, đặc biệt trong đó có Trung Quốc là nước xuất khẩu rất lớn. Hiện nay Trung Quốc đang có một số chính sách để giảm dần sản phẩm dệt may và chuyển sang những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao hơn. Chính vì vậy lượng hàng từ một số nước trước đây đặt hàng ở Trung Quốc có xu hướng chuyển tiếp qua Việt Nam.
Tuy nhiên chúng tôi cho là con số đó nên đặt ở mức độ dè dặt, lý do là Việt Nam vẫn còn một số những hạn chế nhất định. Số lao động của doanh nghiệp không tăng lên theo số lượng đơn hàng có thể nhận được, chi phí nhân công còn cao, chủ động nguyên liệu chưa cao cho nên kim ngạch là dự báo cũng có cân nhắc giữa những yếu tố thuận lợi có thể hưởng được và những trở ngại chưa thể khắc phục trong năm 2010.
Nhân công trình độ cao
Nam Nguyên: Nói là chi phí công nhân cao, nhưng đang có yêu cầu là phải nâng lương công nhân cao hơn nữa, nếu như thế Việt Nam sẽ mất đi lợi thế nhân công giá rẻ. Ông nhận định gì?
Ông Diệp Thanh Kiệt: Thật ra đối với những doanh nghiệp có tầm nhìn xa, đặc biệt về phía Hiệp Hội, chúng tôi đã cảnh báo vấn đề này từ mấy năm rồi. Lợi thế của Việt Nam sẽ không phải là lợi thế nhân công giá rẻ nữa, mà lợi thế là có những nhân công trình độ cao. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, ít nhất trong vòng 5 năm nữa thì lợi thế so sánh về giá nhân công, tôi không dùng từ nhân công rẻ, lý do là không thể tiếp tục sử dụng lao động giá rẻ ở trong nước để xuất khẩu, mà tôi muốn dùng từ lợi thế so sánh về đơn giá nhân công, thì chúng tôi vẫn có lợi thế hơn một số nước khác.
Lợi thế của Việt Nam sẽ không phải là lợi thế nhân công giá rẻ nữa, mà lợi thế là có những nhân công trình độ cao.
Ông Diệp Thành Kiệt
Thí dụ giá nhân công ở Việt Nam đã tăng khá cao so với những năm trước, ở thời điểm hiện nay mức bình quân để người lao động trên cả nước có thể sống được là 120 USD/tháng, đối với khu vực cao như TP.HCM phải từ 150 USD/tháng trở lên. Tuy nhiên so với Trung Quốc, theo các chuyên gia mức lương bình quân của người công nhân ở Thượng Hải là trên 200 USD và ở một số các tỉnh có làm dệt may thì cũng phải trên 150 USD.
Do đó so sánh mặt bằng lương công nhân của Trung Quốc thì họ nhỉnh hơn Việt Nam, còn so sánh với Thái Lan thì rõ ràng mức bình quân của họ cao hơn Việt Nam rất nhiều. Dĩ nhiên Việt Nam vẫn cao hơn một số nước như Indonesia, Campuchia, Bangladesh hoặc Pakistan. Tuy nhiên những nước đó lại không có lợi thế tay nghề và họ có nhiều bất lợi hơn Việt Nam, ví dụ về tình hình chính trị, bất lợi hơn chúng tôi về mối quan hệ quốc tế, về các điều kiện thuận lợi để thực hiện đơn hàng dệt may. Thành ra lợi thế toàn cục Việt Nam vẫn còn khả năng cạnh tranh trong một thời gian dài.
Vấn đề nguyên liệu

Nam Nguyên : Thưa ông, giá trị thực trong xuất khẩu dệt may của Việt Nam rất thấp, vì chuyên về gia công, có thông tin nói rằng tỷ lệ tới 80%. Để giảm tỷ lệ gia công và phát triển ngành dệt may bền vững, thì đã có hướng gì chưa, phải thay đổi gì khắc phục ở những lãnh vực nào?
Ông Diệp Thành Kiệt: Theo công bố chính thức của Tập đoàn Dệt may Việt Nam vào đầu năm 2010, cơ cấu nguyên liệu nội địa được đưa vào trong xuất khẩu đã chiếm tới 45%, nghĩa là 55% còn lại là nhập khẩu. Chúng tôi phải có sự cải thiện dần, nâng cao và bắt kịp tính thời trang để có thể nâng được tỷ lệ nguyên liệu trong nước lên cao hơn mức 45% so với năm 2009.
Hơn nữa chúng tôi cũng phải khẳng định với nhau rằng, để đáp ứng được sự mong đợi cũng như yêu cầu nội địa hóa sản phẩm dệt may, đồng thời chuyển từ phương thức gia công sang mua bán thì chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm đối với vấn đề nguyên liệu.
Nam Nguyên: Như vậy vấn đề chủ chốt vẫn là nguyên liệu, một điều được nói tới từ nhiều năm nay, thưa ông?
Ông Diệp Thành Kiệt: Nói về phát triển nguyên liệu nội địa để phục vụ xuất khẩu dệt may, thì không đồng nghĩa với phát triển tất cả các chủng loại. Việc sản xuất nguyên liệu đó cần phải được đánh giá lại, chúng tôi đã trao đổi với cơ quan có thẩm quyền. Phải thực hiện động tác đánh giá lại xem trong toàn bộ nguyên liệu dệt may cái gì là lợi thế của Việt Nam, lợi thế đó thể hiện ngoài việc sản xuất và cung cấp cho ngành còn có thể xuất khẩu được và cạnh tranh với các nước. Loại thứ hai là nguyên liệu mang tính cách chiến lược, là thứ nếu không thể sản xuất ra được thì ngành dệt may Việt Nam không thể tồn tại được.
Chúng tôi chỉ phát triển tập trung vào hai nhóm đó thôi, nhóm thứ nhất là nhóm có lợi thế và nhóm thứ hai là nhóm chiến lược, chứ không nhất thiết phải phát triển nguyên liệu một cách tràn lan. Còn đối với những loại nguyên liệu không nằm trong lợi thế và không phải loại chiến lược để tập trung sản xuất, thì Việt Nam phải mua của nước khác.
Hơn nữa chúng tôi cũng phải khẳng định với nhau rằng, để đáp ứng được sự mong đợi cũng như yêu cầu nội địa hóa sản phẩm dệt may, đồng thời chuyển từ phương thức gia công sang mua bán thì chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm đối với vấn đề nguyên liệu.
Ông Diệp Thành Kiệt
Nam Nguyên: Ngay trong hiện tại, cấp thời có thể điều chỉnh giải quyết vấn đề gì thưa ông?
Ông Diệp Thành Kiệt: Vấn đề hiện nay, thứ nhất là chưa hình thành được một chợ nguyên phụ liệu để những nhà cung cấp có chỗ trưng bày, kể cả nhà cung cấp nước ngoài có thể đưa vô, từ đó bán hàng một cách nhanh chóng.
Thứ hai, chưa có cơ chế về xuất nhập khẩu, ví dụ như kho ngoại quan để các nhà nhập khẩu đưa nguyên phụ liệu vào trong các kho này và chưa phải đóng thuế. Chỉ khi nào doanh nghiệp trong nước cần những loại nguyên phụ liệu, thì đến đó làm thủ tục nhập khẩu và lấy nguyên liệu đó ra ngay. Như vậy nó lợi cho cả hai bên.
Nam Nguyên: Cảm ơn ông Diệp Thành Kiệt đã dành thời gian cho RFA.