Nuôi cá tra bền vững, người nghèo bị loại

Phi-lê cá tra đông lạnh mang về kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, nhưng cứ sau mỗi mùa cá là hàng ngàn hộ nuôi phá sản.

0:00 / 0:00

Chính phủ đang nỗ lực lập lại trật tự ngành sản xuất này, nhưng để phát triển bền vững thì những hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ ít vốn có thể phải chuyển nghề, nhiều nhà máy không đạt tiêu chuẩn sẽ cùng chung số phận.

Mạnh ai nấy làm, người nuôi lãnh đủ

Làm lúa phải canh tác ít nhất hai vụ trên diện tích gieo cấy tổng cộng 3 triệu ha mới đem về kim ngạch xuất khẩu gạo hơn 2 tỷ USD, trong khi con cá tra chỉ cần diện tích mặt nước ao nuôi vỏn vẹn 6 ngàn ha đã đem về kim ngạch 1,3 tỷ USD mỗi năm.

Thứ nhất yêu cầu Nhà nước hỗ trợ vốn, nông dân lỗ hết vốn còn thiếu nợ Nhà nước xin được khoanh nợ, Nhà nước tiếp tục cho vay thêm để nuôi cá trả nợ. Thứ nhì giải quyết chuyện công ty chiếm dụng vốn của nông dân.

Ô. Huỳnh Hữu Học ở Cần Thơ

Do vậy đã có thời gian, ở đồng bằng sông Cửu Long phong trào mua đất đào ao làm hầm nuôi cá tra làm cho cả người bán đất lẫn người nuôi trở thành những nhà tư bản nông thôn, cất biệt thự vườn, mua ca nô, tậu ô tô. Nhưng nay thì số những nhà giàu mới nổi giảm đi rất nhiều, sau giai đoạn 3 năm gần đây giá cá tra trồi sụt bất thường, người nuôi nhiều khi phải bán cá dưới giá thành, chậm một ngày vớt cá là mất tiền thức ăn đến chóng mặt. Người nuôi còn bị công ty chế biến chiếm dụng vốn mua cá mà không trả tiền. Ông Huỳnh Hữu Học ở Vĩnh Thạnh Cần Thơ một người đau khổ vì nuôi cá tra nói với đài chúng tôi:

“Bây giờ quan tâm nhất là Nhà nước không chen chân vô vụ công ty nó mua cá của anh em chúng tôi muốn trả làm sao thì trả. Tụi tôi thiếu điều muốn tự vận luôn mà không có ai can thiệp giùm, mình trông vào chính quyền nhưng chính quyền thì làm ngơ, anh em chúng tôi biết nói với ai bây giờ. Công ty nào cũng chiếm dụng vốn hết từ nhỏ tới lớn, nhất là mấy “thằng” nhỏ nó giựt luôn nữa. Thí dụ bây giờ nó mua cá nó trả 50%, sau đó trốn luôn, nhiều người bán nhà bán đất để trả nợ vay.”

Thị trường xuất khẩu cá tra còn chịu rào cản vệ sinh an toàn thực phẩm ở các quốc gia nhập khẩu một cách nghiêm ngặt, trong khi ở đồng bằng sông Cửu Long vấn đề liên kết kiểm tra từ con giống, nguồn thức ăn, ao nuôi, thuốc trị bệnh cho tới nhà máy chế biến chỉ được áp dụng ở một số rất ít doanh nghiệp lớn, những công ty này có vùng nguyên liệu tự túc. Phần còn lại là tình trạng mạnh ai nấy làm, từ khâu cung cấp con giống cho tới thức ăn chăn nuôi trôi nổi hầu hết bị pha trộn.

Theo số liệu của Hiệp Hội Chế Biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt nam, cả nước có khoảng 280 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, trong đó chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp có nhà máy chế biến. Khá nhiều lô cá tra không đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm gây nhiều tai tiếng và làm mất giá cá tra Việt Nam.

Điều kiện để tồn tại

thuhoachcatra-agroviet.gov.vn-200
Thu hoạch cá tra ở Cần Thơ. Photo courtesy of agroviet.gov.vn (Thu hoạch cá tra ở Cần Thơ. Photo courtesy of agroviet.gov.vn)

Hiện nay, hàng ngàn hộ nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đang trong tình trạng sống dở chết dở, treo ao, phá sản. Ông Huỳnh Hữu Học người nuôi cá ở Cần Thơ bức xúc đưa ra những yêu cầu của những người chung cảnh ngộ với ông:

“Thứ nhất yêu cầu Nhà nước hỗ trợ vốn, nông dân lỗ hết vốn còn thiếu nợ Nhà nước xin được khoanh nợ, Nhà nước tiếp tục cho vay thêm để nuôi cá trả nợ. Thứ nhì giải quyết chuyện công ty chiếm dụng vốn của nông dân.”

Ông Nguyễn Tử Cương, Thường vụ Hội Nghề Cá Việt Nam, một chuyên gia về kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông thủy sản nhận định rằng, những hộ nuôi cá tra muốn tồn tại phải hội đủ nhiều điều kiện, đặc biệt là phải tham gia vào chuỗi liên kết:

“Quan điểm của tôi là nuôi cá tra không phải là một giải pháp xóa đói giảm nghèo và cũng không phải là việc làm của những người không có kiến thức, không có vốn và không có tầm nhìn xa. Sớm hay muộn những hộ nuôi nhỏ lẻ cũng phải tham gia vào chuỗi, trong chuỗi đó sẽ có người lãnh đạo có tầm nhìn xa tầm nhìn chiến lược và có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn. Nếu không, chính họ phải là những người đạt được tiêu chí đó thì mới có thể tồn tại theo kiểu nuôi cá một mình.

Những hộ nuôi nhỏ lẻ đào một ao 0,5 ha hay 1 ha nuôi mà không biết thị trường như thế nào, không biết an toàn thực phẩm ra sao thì họ sẽ không tồn tại được. Chính phủ và Bộ Nông nghiệp đã thấy rằng việc thực hiện xóa đói giảm nghèo phải thực hiện bằng những biện pháp khác giải pháp khác. Còn việc nuôi cá tra và chuỗi sản xuất cá tra bắt buộc phải có tầm nhìn không chỉ ở Việt Nam mà cần nhìn rộng ra thị trường thế giới mới có thể tồn tại được.”

Việc nuôi cá tra và chuỗi sản xuất cá tra bắt buộc phải có tầm nhìn không chỉ ở Việt Nam mà cần nhìn rộng ra thị trường thế giới mới có thể tồn tại được.

Ô. Nguyễn Tử Cương

Theo thông tin ghi nhận, trước tình trạng bỏ ao nuôi cá tra hàng loạt, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn qua lời Thứ trưởng Lương Lê Phương cho biết sẽ quyết liệt chấn chỉnh ngành thủy sản từ khâu sản xuất đến xuất khẩu trong năm nay.

Theo đó sẽ nhanh chóng triển khai thí điểm mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tăng cường hợp tác với nhà nhập khẩu nước ngoài để kiểm sóat chặt chẽ sản lượng và chất lượng thủy sản. Sẽ liên tục kiểm tra những nhà máy chế biến không đạt chuẩn và đình chỉ xuất khẩu đối với những doanh nghiệp gian dối.

Theo dòng thời sự: