Tình hình kinh tế Việt Nam bước qua 2010 được thấy là chừng như áp lực lạm phát đã xuất hiện ngay từ những ngày đầu năm. Tuy nhiên trong cuộc trao đổi do Thanh Trúc thực hiện, thay vì cái nhìn bi quan , chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, đang là cố vấn cao cấp các tập đoàn kinh doanh ở Hà Nội, cho rằng phải nhìn lại chặng đường và chính sách của chính phủ trong một hai năm trước thì mới có thể nghĩ một cách tương đối chính xác về viễn ảnh kinh tế toàn năm 2010.
Hồi phục
Thanh Trúc: Thưa ông Bùi Kiến Thành, tình hình kinh tế Việt Nam cuối năm 2009 có khác với cuối năm 2008 không?
Đầu năm 2009 Nhà Nước Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, không còn có đặt nặng vấn đề lạm phát mà đặt nặng hơn vấn đề phát triển. <br/>
Ô. Bùi Kiến Thành
Ông Bùi Kiến Thành: Năm 2008 là Việt Nam chịu tác động của sự khủng hoảng kinh tế tài chính quốc tế cũng rất là nặng và đồng thời chịu tác động của một chính sách tiền tệ rất là khắc nghiệt của Chính Phủ Việt Nam, vì vậy cho nên tình hình kinh tế cuối 2008 rất là bi đát, rất nhiều doanh nghiệp đứng trước tình trạng có thể bị phá sản.
Năm 2009 thì tình hình tốt hơn rất là nhiều, một số những doanh nghiệp khó khăn đấy thì cũng đã hồi sinh và bắt đầu phát triển tốt, nền kinh tế tương đối phát triển ổn dịnh, bền vững, tăng trưởng GDP trên 5%, thì ta có thể nói rằng là tình hình sáng sủa rất là nhiều so với 2008.
Thanh Trúc: Thưa ông, những sự kiện kinh tế-tài chánh gì đáng được chú ý trong năm 2009?
Ông Bùi Kiến Thành: Đầu năm 2009 Nhà Nước Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, không còn có đặt nặng vấn đề lạm phát mà đặt nặng hơn vấn đề phát triển, thì tiền tệ được nới rộng ra và lãi suất đối với ngân hàng thấp xuống rất là nhiều, và lãi suất cơ bản của Ngân Hàng Nhà Nước cũng hạ thấp xuống. Nói chung là chính sách tiền tệ mới giúp cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay tốt hơn, với một lãi xuất ngân hàng hợp lý hơn là 2008.
Thanh Trúc: Thưa, thế còn về phương diện đầu tư nước ngoài?
Ông Bùi Kiến Thành: Đầu tư nước ngoài thì cũng rất là đặc biệt vì là 2008 cái số giấy phép đầu tư còn lên quá cao đến 71 tỷ đôla thì Việt Nam không có hấp thụ nổi, trong đó phần lớn là đầu tư về bất động sản, thì qua 2009 tổng số giấy phép đầu tư nước ngoài trực tiếp dưới 30 tỷ đôla thế thì nó hợp lý hơn. Nhưng mà tự nhiên trong 2009, cũng như 2008, số giải ngân thật sự của đầu tư nước ngoài thì nó bị hạn chế lại vì các nhà đầu tư nước ngoài cũng khó tìm được nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam.
Thanh Trúc: Thưa ông, về những mặt khác, thí dụ như thị trường xuất khẩu, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thì ông nghĩ như thế nào?
Ông Bùi Kiến Thành: Thị trường xuất khẩu có thể nói rằng sụt lại một tí nhưng cũng không đến nỗi gì lắm, mất những thị trường lớn thì Việt Nam cũng cố gắng tạo được những thị trường nhỏ mới, và như vậy tuy rằng xuất khẩu có tụt xuống vì thị trường thế giới eo hẹp lại, nhưng mà tương đối thì cũng vẫn còn tốt.
Về thị trường chứng khoán thì là chiều hướng đi xuống cũng khá sâu trong năm 2008, bước qua quý 2 của 2009 thì nó bắt đầu lên trở lại, thì từ quý 2 nó lên trở lại cho hết quý 3 thì tương đối nó lên cũng là tốt, nó lên khoảng chừng sáu bảy chục phần trăm so với đầu năm.
Nhưng mà những tuần vừa rồi đây thì nó bắt đầu lại chúc đầu đi xuống trở lại, thì cũng bình thường thôi, tại vì có những tác động của những số tiền vay của ngân hàng cần phải thanh toán, cần phải trả nên những người đầu tư chứng khoán mới bán cổ phần để mà trả thì nó đi xuống một tí, không có gì đặc biệt.
Thị trường bất động sản thì đây là mối lo âu cho Việt Nam tại vì có thể nói rằng thị trường bất động sản ở Việt Nam có phần nào thể hiện cái dấu hiệu bong bóng, tức là giá bất động sản lên quá cao so với lại tình hình kinh tế chung, và những bất động sản mất giá là vì một số nhiều người bán mà ít người mua, mà bất động sản của Việt Nam hiện bây giờ là bán những bất động sản chất lượng cao, giá cao, cho nên nó bị chững lại rất là nhiều.
Mong rằng sẽ có những giải pháp làm thế nào cho nó ổn định, nhưng mà chắc rằng giá bất động sản phải tiếp tục đi xuống thì mới có được một thị trường ổn định.
Thanh Trúc: Thưa ông Bùi Kiến Thành, ông nghĩ sao về kết quả của các gói kích thích kinh tế của Chính Phủ Việt Nam?
Ông Bùi Kiến Thành: Thật sự ra tổng số (các gói kích thích kinh tế) nói ra là gần 8 tỷ đôla, nhưng mà trong năm 2009 thì cũng không giải ngân hết số tiền đó, cho nên thâm hụt tài chính nặng thì cũng không có bị thâm hụt nặng.
Mặt khác, những chính sách đó cũng giúp cho nền kinh tế ổn định lại và giúp cho những xí nghiệp có thể tìm được những nguồn tài chính cần thiết để phát triển và cũng giúp cho doanh nghiệp tránh được một số những gánh nặng về thuế, được giảm thuế, giãn thuế, v.v. Nói chung, chính sách kích thích kinh tế của Nhà Nước Việt Nam đơn giản là nó có đem lại những kết quả tương đối rất là tốt đối với nền kinh tế có thể phát triển lại được.
Việt Nam qua kỳ khủng hoảng vừa rồi thì cũng đã có cơ hội để cấu trúc lại phần nào nền kinh tế. <br/>
Ô. Bùi Kiến Thành
Tái cấu trúc
Thanh Trúc: Về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam năm 2010, ông dự đoán có những khó khăn gì, có những lợi thế gì không, nhất là về mặt phát triển thị trường nội địa?
Ông Bùi Kiến Thành: Trước mắt thì các doanh nghiệp cần phải đối mặt với lại một chính sách tiền tệ mới vừa được ban hành. Ngân Hàng Nhà Nước một mặt thì tăng lãi suất cơ bản cho vay lên, từ 7 lên 8%, thì ngân hàng như vậy sẽ cho vay thay vì 10,5% thì lên tới 12% là lãi suất tối đa, thì như vậy là chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Rất là nguy hiểm ở chỗ rất là nhiều doanh nghiệp vừa rồi đương hoạt động với lãi suất rất là thấp, sau khi được bù lãi suất 4% thì lãi suất chỉ còn 6,5% thế mà bây giờ nhảy lên tới 12% thì đấy là một gánh nặng, một sự khó khăn rất là lớn cho doanh nghiệp.
Những lợi thế gì thì có thể nói rằng Việt Nam qua kỳ khủng hoảng vừa rồi thì cũng đã có cơ hội để cấu trúc lại phần nào nền kinh tế, cấu trúc lại phần nào xuất khẩu, phần nào lo về thị trường nội địa, phần nào xem lại cái cách tổ chức để mà có thể hiện đại hoá sản xuất kinh doanh, thì đấy là một lợi thế có thể giúp cho Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển lại có được nền tảng mạnh hơn lúc trước.
Trong năm 2010 này các doanh nghiệp cũng nên tập trung vào trong vấn đề phát triển thị trường nội địa như thế nào, sản xuất ra những sản phẩm nào phù hợp, và phải tổ chức hệ thống phân phối thế nào cho nó có hiệu quả. Đây là cái cần phải làm trong năm 2010 để cho nền kinh tế có thể phát triển ổn định được chớ không thể nào mà cứ dựa mãi vào trong vấn đề xuất khẩu.
Thanh Trúc: Thưa ông Bùi kiến Thành, bước qua năm 2010 các chuyên gia kinh tế đã đưa ra cảnh báo đáng ngại cho nền kinh tế Việt Nam là trong năm 2010 áp lực lạm phát đã xuất hiện ngay từ đầu năm. Ông nghĩ như thế nào ạ?
Ông Bùi Kiến Thành: Áp lực lạm phát thì cũng có đấy nhưng mà trong tình hình của Việt Nam không hẳn đã là một mối lo âu hàng đầu. Người ta thấy trên các khuyến cáo của những lãnh đạo của G-20 thì cả nền kinh tế thế giới hồi phục lại nhưng còn rất là mong manh vì vậy cho nên lãnh đạo của G-20 đều khuyến cáo tất cả mọi người đừng có nên quá sớm chấm dứt những chính sách kích thích kinh tế và cũng đừng nên đưa lãi suất ngân hàng lên cao, nhưng mà Việt Nam thì làm ngược lại là chấm dứt một phần nào chính sách kích thích và đồng thời lại đưa lãi suất ngân hàng lên cao, thì cái này là một nguy cơ cần phải xem xét lại cho kỹ.
Muốn hội nhập trong thị trường quốc tế thì Việt nam còn rất nhiều việc phải làm, cấu trúc lại doanh nghiệp như thế nào để phát triển những công nghệ chất lượng cao chớ không phải dựa vào trong cái lao động rẻ nữa, xây dựng môi trường kinh doanh Việt Nam tốt hơn, giảm những chi phí quan hệ, cải cách hành chính thế nào cho tốt hơn để giảm chi phí hành chính, vì cái chi phí quan hệ ở Việt Nam hiện nay nó rất cao và nó là cái phanh cho sự phát triển. Nếu mà giảm được những vấn đề tiêu cực, những vấn đề tham nhũng, những vấn đề chi phí hành chính thì sẽ là một kết quả rất là tốt.
Thanh Trúc: Thưa ông Bùi Kiến Thành, xin cảm ơn ông đã bỏ chút thời giờ để trả lời những câu hỏi của chúng tôi.