Báo cáo môi trường thương mại của diễn đàn kinh tế thế giới xem xét 4 yếu tố chính là mức độ tiếp cận thị trường, quản trị biên giới, giao thông và hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, môi trường kinh doanh.
Việt Hà có bài phỏng vấn ông Thierry Geiger, chuyên gia kinh tế, đại diện Diễn đàn kinh tế thế giới, đồng tác giả của bản báo cáo này. Trước hết ông Thierry Geiger có nhận xét chung về bản báo cáo năm nay như sau:
Thierry Geiger: Trong báo cáo năm nay, chúng tôi có được một số kết quả đáng chú ý. Năm nay trong khi mọi người dường như nghĩ rằng các nước sẽ áp dụng nhiều các biện pháp bảo hộ mậu dịch để đối phó với khủng hoảng, bởi vì chúng tôi xem xét yếu tố tiếp cận thị trường bao gồm cả hàng rào thuế quan và không thuế quan. Trên thực tế báo cáo cho thấy việc áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch không quá nhiều như nhiều người nghĩ, và đó là một dấu hiệu đáng khích lệ.
Tiến bộ trong tiếp cận thị trường
Việt Hà: Thưa ông, trong bản báo cáo năm nay, Việt Nam vượt 18 bậc, xin ông cho biết nguyên nhân nào đã khiến Việt Nam có tiến bộ như vậy?
Thierry Geiger: Trong bản báo cáo này chúng tôi xem xét 4 lĩnh vực chính liên quan đến xúc tiến thương mại. Một trong số đó là việc tiếp cận thị trường như tôi nói ở trên là các hàng rào thuế quan và không thuế quan mà các nước áp dụng. Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam đã có những tiến bộ trọng lĩnh vực này và điều này giải thích tại sao Việt Nam có sự cải thiện lớn trong thứ hạng của mình. Tuy nhiên chúng tôi cũng thấy nhiều điểm yếu quan trọng khác trong các lĩnh vực khác, ví dụ chúng tôi không thấy có tiến bộ đáng kể nào trong 3 lĩnh vực khác tại Việt nam.
Vấn nạn tham nhũng
Việt Hà: Xin ông cho biết những lĩnh vực mà Việt Nam chưa đạt được tiến bộ hoặc không có tiến bộ nào là gì?
Nói chung thì tham nhũng theo tôi vẫn là vấn đề gây ảnh hưởng lớn<i>.</i>
Ô. Thierrry Geiger
Thierry Geiger: Ngoài tiếp cận thị trường là yếu tố mà Việt Nam đạt điểm cao nhất, 3 lĩnh vực khác như quản trị biên giới thì Việt Nam còn xếp ở thứ hạng thấp ở khoảng 90. Việt Nam cũng có một số cải thiện nhưng không nhiều, bởi vì các nước khác cũng có những cải thiện và nhanh hơn nên so với họ Việt Nam không bằng. Vấn đề quản trị biên giới là điểm yếu nhất của Việt nam. Khi tôi nói đến vấn đề này tôi muốn nói đến thời gian cần thiết để xuất nhập khẩu hàng hóa, khối lượng giấy tờ, sự minh bạch của hoạt động, rồi vấn đề tham nhũng, đút lót, những khoản thanh toán ngoài dự kiến. Nói chung thì tham nhũng theo tôi vẫn là vấn đề gây ảnh hưởng lớn.
Cơ sở hạ tầng cũng là một yếu tố đánh giá mà Việt Nam còn gặp vấn đề. Giao thông Việt Nam còn nhiều nút cổ chai ở các điểm giao thông quan trọng. Đặc biệt ở các bến cảng dù đã có một số cải thiện nhưng vẫn chưa nhiều. Về môi trường công nghệ thông tin, chúng tôi cũng xem xét vì nó ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Trên thực tế tại lĩnh vực này Việt Nam đã thực hiện tương đối tốt: Số người thuê bao điện thoại di động tăng nhanh, số người tiếp cận được với Internet tăng. Đây là kết quả đáng khích lệ trong môi trường công nghệ thông tin của Việt Nam. Liên quan đến môi trường kinh doanh, chúng tôi thấy thị trường nội địa Việt Nam đang có những cạnh tranh rõ rệt, Việt Nam có thuê lao động nước ngoài, nhìn chung môi trường kinh doanh là tương đối tốt nhưng tất nhiên vẫn cần những cải thiện.

Mặc dù điểm số của Việt Nam còn thấp nhưng chúng tôi đã nhìn thấy những cải thiện đáng khích lệ ở Việt Nam. Chúng ta có thể lạc quan cẩn trọng rằng tình hình sẽ còn được tiếp tục cải thiện trong tương lai. Một đất nước với tăng trưởng kinh tế trung bình từ 6 đến 8% như Việt Nam thì cần phải có sự cải thiện đáng kể hơn nữa trong hạ tầng cơ sở để theo kịp với sự phát triển kinh tế. Họ cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa.
Việt Hà: So với các nước khác trong khu vực Asean, ông đánh giá thế nào về Việt Nam trong bản báo cáo năm nay?
Thierry Geiger: Asean là một khu vực khá đa dạng. Singapore là nước đứng đầu và cũng là nước trong số 25 nước đứng đầu trong bản báo cáo năm nay. Đó là một thị trường mở. Khi bạn nhìn vào các nước khác trong Asean thì bạn thấy Malaysia đứng thứ 30, Thái Lan xếp hạng 60, Indonesia xếp 68, Việt Nam xếp hạng 71, Philippines xếp hạng 92. Miến Điện, Brunei và Lào không nằm trong báo cáo lần này.
Fact box | |
|
Thứ hạng của Việt Nam cũng không phải là tệ trong bối cảnh chung của Asean, tất nhiên nếu so với Singapore và Malaysia thì kém hơn nhiều nhưng nhìn chung thì cũng trung bình nếu xét đến mức độ phát triển của Việt Nam. Điều mà chúng tôi nhìn thấy chung ở các nước Asean ngoại trừ Singapore là vấn đề về quản trị biên giới. Một vài nước như Thái Lan đã có những cố gắng cải tổ trong các năm qua và đó là một dấu hiệu đáng khích lệ.
Việt Hà: Nếu ông có thể đưa ra lời khuyên cho các nước Asean, ông sẽ đưa ra lời khuyên gì để các nước này có thể tiếp tục những cải tổ cần thiết.
Thierry Geiger: Tôi sẽ khuyên các nước Asean tiếp tục những thay đổi trong các lĩnh vực mà tôi đã nói. Trước hết họ phải hiểu được tầm quan trọng của thúc đẩy thương mại trong việc xác định khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nước mình. Nếu có những rào cản thương mại thì dù bạn có sản phẩm tốt đến mấy đi chăng nữa nó cũng sẽ làm tăng chi phí thương mại, làm thay đổi giá hàng hóa và khiến nó trở nên đắt hơn trên thị trường thế giới. Họ cần phải thực sự nhận ra các điểm yếu của mình và tiếp tục những cải tổ cần thiết để thúc đẩy thương mại, phải có những đàm phán trong khu vực để tất cả các nước Asean tiếp tục hòa nhập hơn nữa và tăng trao đổi thương mại giữa các nước ngay chính trong khu vực Asean.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
Theo dòng thời sự:
- Huyền thoại Á Châu
- Vì sao Việt Nam muốn tăng tỷ lệ nợ công?
- Nợ nước ngoài của VN vượt 30% GDP
- Ai là trung gian giữa Securency và Venezuela?
- Quan chức VN nhận tiền để thuyết phục Venezuela in tiền Polymer
- Cố tình hay vô ý? (phần 1)
- Các quan chức nào đã nhận hối lộ từ Nexus? (phần 2)
- Phó giám đốc Ngân Hàng nhận hối lộ bị bắt quả tang
- Ngân hàng Thế giới: kinh tế VN sẽ thành công trong 2010
- Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho giai đọan 5 năm
- Việt Nam chậm chân hơn láng giềng